Đừng hành xử với trẻ như một tên ‘côn đồ’

Đôi khi trẻ có hành động lấy cắp, cầm nhầm đồ của người khác như vậy chỉ đơn giản là vì chúng quá thích món đồ ấy. Do không cưỡng lại được ý muốn sở hữu món đồ mình thích, hoặc không có điều kiện để mua, trẻ sẽ tìm cách giấu đi và đem về nhà mình.

Hành vi ấy có thể được đánh giá, phê bình hay điều chỉnh… Nhưng không được phép đối xử với trẻ như một tên côn đồ hay một nhân cách bị bôi đen toàn phần không gột rửa…

Không ai cho phép xem trẻ như một tên ‘tội phạm’

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về hành vi của nhân viên, bảo vệ của một siêu thị tại Gia Lai bắt phạt một em học sinh phải mang tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” khi phát hiện một em học sinh lớp 7 lỡ lấy 2 cuốn sách (chừng 10.000 đồng/ cuốn). Trong khi hành vi này là sai, hành vi này lệch chuẩn theo quy định của siêu thị hay một cá nhân nhưng không thể và không ai cho phép xem xét trẻ như một tên tội phạm chuyên nghiệp, kẻ ăn cắp xuyên tỉnh hay một tên côn đồ  thứ thiệt…

Xét ở một khía cạnh nào đó, thì hành vi lấy cắp đồ của người khác là hoàn toàn sai trái. Người lớn có thể răn đe, giáo dục trẻ để trẻ không tái phạm nữa. Tuy nhiên, điều đáng nói trong vụ việc trên là cách hành xử của người lớn đối với em học sinh kia. Vì đằng sau hành vi trách phạt của người khác dành cho trẻ em là một sự cảm thông, đằng sau sự phê bình là một định hướng đúng đắn, đằng sau hành vi giáo dục là một sự mở ra cho một nhân cách được phục thiện, được định hướng phát triển theo hướng tốt hơn…

Không phải ngẫu nhiên người ta dùng mỹ từ dạy dỗ để dành cho tác động của người lớn với trẻ em và cái dỗ ở đây là phần hồn của dạy và đó mới chính là sự lung linh và cao cả cũng như đầy tình nhân văn trong việc giáo dục con người.

Có lẽ, khi phát hiện ra hành vi của em học sinh ấy, những người chủ ở đây đã nghĩ đến một hình phạt làm sao cho thật “đích đáng”, làm sao cho thật “hả giận” mà quên rằng đó mới chỉ là học sinh lớp 7.

Với một trẻ nhỏ mới chỉ bước vào giai đoạn đầu của tuổi teen – những hành vi bộc phát vẫn có thể nảy sinh… Khoan nghĩ rằng các em đã cố tình hay vô ý, nhưng cần giúp các em phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, cần giúp các em hiểu chuẩn mực của hành vi thay vì chỉ phê án lạnh lùng bằng ba chữ: “Tôi ăn cắp”. Và họ cũng chưa từng quan tâm tại sao em ấy lại có những hành vi như vậy? Phải chăng đó là lúc em không kiểm soát chính mình? Phải chăng em đã bị bạn bè thôi thúc? Hay phải chăng chính hoàn cảnh và điều kiện của em đã khiến em có hành vi không đúng đắn?

Bao giờ mới bỏ xuống được?

Theo giả định, lúc bị tra hỏi, em học sinh đó chỉ cúi đầu. Đó là hành vi nhận lỗi, thái độ ân hận. Người lớn có nhận thấy điều này? Và những ai đã đối xử với em dù chỉ là sự thụ động hay ngây ngô, có hiểu rằng em chỉ là một đứa con nít? Em sẽ bị thương tổn thế nào với vết nhơ không thể gột rửa mà đôi khi không phải ở hành vi của em mà chính người lớn đã gán cho em? Liệu chăng những ai đã làm thương tổn em, có dấu hiệu vùi dập nhân cách em quên rằng chúng ta cũng có tuổi thơ, cũng có sĩ diện và vốn dĩ chúng ta cần giàu lòng nhân ái?

Có lẽ câu hỏi ấy và hàng loạt những câu hỏi có liên quan sẽ được bỏ ngỏ dành cho người trong cuộc. Nhưng ít nhiều, qua hành vi đối xử ấy (dù của nhân viên siêu thị hay của người có trách nhiệm) chỉ quan tâm đến việc sai là phạt, mà phạt là phạt cho đáng. Người lớn không biết rằng, chính hành động của họ đã làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một đứa trẻ đang lớn. Có lẽ, tấm bảng mà siêu thị ấy đã vội vã trao được, vội vàng tháo ra ngay sau khi mọi người lên tiếng nhưng tấm bảng trong tâm hồn non nớt của em thì đến bao giờ mới bỏ xuống được?

Nếu người lớn trong vụ việc trên chịu nghĩ đến đánh giá của người khác với em và những hậu quả nặng nề trong tâm lý của em thì chắc chắn sẽ không hành động như vậy. Còn hành động chụp hình đăng tải lên trang mạng xã hội là việc khó có thể chấp nhận được.

Trong lúc người khác đang cảm thấy bị tổn thương và đau khổ nhất thì có người lại lấy đó làm trò đùa, dùng những tấm ảnh đó với mục đích khoe khoang mình vừa bắt tận tay một vụ mất cắp ư? Phải chăng là quá tàn nhẫn. Nếu đó là người thân của mình, họ có hành động như thế không?

Xin một chút lương tâm, một chút tình thương “thừa thải” dành cho những người đã biết mình sai, những người đã sa cơ – thất thế hay những mầm non nhân cách cần được uốn nắn, bảo vệ…

Dù sao, nạn nhân của vụ việc này vẫn chỉ là một đứa trẻ đừng hành xử với các em như với một tên côn đồ. Đôi khi trẻ có hành động lấy cắp, cầm nhầm đồ của người khác như vậy chỉ đơn giản là vì chúng quá thích món đồ ấy.

Do không cưỡng lại được ý muốn sở hữu món đồ mình thích, hoặc không có điều kiện để mua, trẻ sẽ tìm cách giấu đi và đem về nhà mình. Tất nhiên, lúc này trẻ chưa nhận thức được hậu quả của việc mình làm. Và chỉ có  những người về bản chất là côn đồ, hàng loạt những hành vi sai trái, hàng loạt những thái độ thiếu chuẩn mực và có dấu hiệu lươn lẹo hay quy gán về phẩm chất mới đáng bị đối xử như thế…

Thiết nghĩ, giá như có một sự giải thích cho em học sinh ấy ăn cắp là gì và việc ăn cắp xấu xa như thế nào, hậu quả của việc ăn cắp ra sao và dừng lại ở việc phạt 200 ngàn đồng thì sự việc sẽ không đến mức phải ân hận.

Đôi khi chỉ cần giải thích như thế này, trẻ sẽ hiểu và không lặp lại nữa. Giá như đừng đẩy thêm những hành vi vùi dập em bằng tấm bảng định hình một nhân cách bị hủy hoại, hay đừng thêm một lần vô cảm vùi dập và giày xéo lên tâm hồn và danh dự của em trước cộng đồng thì mọi sự đã có thể nhẹ nhàng hơn…

Trách nhiệm làm nhân viên rất cần, nhưng cũng cần trách nhiệm làm người lớn. Cần lắm trách nhiệm tuân thủ quyền của trẻ em… Và cần lắm những hành vi văn minh trong kinh doanh những sản phẩm văn hóa trong đời sống con người…

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *