Đừng tự ám thị rằng mình phải là sinh viên đại học

PNO – Rớt đại học là cụm từ gây ám ảnh đối với những thí sinh vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Khi rơi vào tình trạng này, các thí sinh sẽ làm gì và phụ huynh cần có thái độ như thế nào? Phụ Nữ Online có cuộc trao đổi với Phó giáo sư – tiến sĩ (PGS.TS) Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam – Trưởng bộ môn Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

 

* Thưa PGS Huỳnh Văn Sơn, trải qua hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đầy cam go, đùng một cái nghe thông tin rớt ĐH, theo phó giáo sư, thí sinh rơi vào trường hợp này sẽ có tâm lý như thế nào?

– Có thể nói rằng, khi mong mỏi trở thành tân sinh viên không đạt được, mỗi sĩ tử có những cảm xúc và suy nghĩ cũng như hành vi khác nhau. Điều này tùy thuộc vào việc tự đánh giá bản thân của mỗi em, sự kỳ vọng của các em vào chính mình, sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô đối với mình… Ngoài ra, việc định hướng cuộc đời, định hướng nghề nghiệp của các em liên quan khá nhiều đến sự ứng xử sau khi rớt…

Phản ứng dễ nhận thấy nhất là nhiều em buồn, khóc, im lặng và tự trách bản thân nếu sau ngày thi đầu tiên hoặc sau tuần đầu tiên iết tin thi rớt. Kế đến sẽ là sự dằn vặt bản thân khi so sánh mình với người khác, bạn khác.

Sự diễn tiến tâm lý này sẽ diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Có em thì phản ứng tức thời ngay sau khi nhận thông tin, có em sẽ phản ứng sau vài tiếng hay sau một kích thích tấn công từ phía người khác, từ môi trường… Có em sẽ hành hạ chính mình rồi sau đó mới có những hành vi như: bỏ nhà lang thang, đi không biết đi đâu, tìm đến nơi an toàn, tìm đến nơi xả cảm xúc hay thậm chí là thực hiện những hành động dại dột, liều lĩnh…

* Theo PGS, khi các em không may rơi vào trường hợp này, gia đình nên có những hành động như thế nào?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.

– Sự ứng xử của cha mẹ là một tác nhân cực kỳ quan trọng để định hướng hành vi cho con cái. Cụ thể, trong 156 phản hồi qua email, thư và những phản hồi ngắn trên kênh cộng đồng và fanpage cá nhân trong 10 ngày gần đây (từ ngày tải clip thi rớt đại học trên YouTube), chúng tôi nhận thấy các em đều mong mỏi cha mẹ có cách cứng xử phù hợp hơn. Các em đề nghị cần chia sẻ với cha mẹ về cách ứng xử phù hợp khi mình thi rớt, cho thấy các em rất mong chờ vào sự hành xử của cha mẹ để con cái không quá bị áp lực…

Hành động đơn giản mà gia đình cần thực hiện là chấp nhận sự thật. Chấp nhận sự thật là con thi chưa đỗ năm nay. Chưa đỗ không có nghĩa là từ “rớt” được dùng một cách lạnh lẽo.

Thực tế, làm được điều này không phải dễ. Cha mẹ không cần tỏ ra thương hại, không cần ép con hay đem ra bàn tròn để mổ xẻ nguyên nhân… Hãy sát cánh cùng con, có thể tìm cách tiếp cận khéo léo hay dùng bờ vai của mình, dùng cái ôm đầy âu yếm hoặc thậm chí nếu cần hãy xuất hiện thật đúng lúc, nói thật ít và lắng nghe, vỗ về nhưng đừng quá bi lụy…

Ngoài ra, cũng đừng vội vã quyết định thay cho con, phán xét hay đặt cho con một cuộc sống mới, một sự lựa chọn mới hoặc đổ lỗi, phê phán hay đem những vấn đề về sĩ diện, về danh dự để gây áp lực và tạo khủng hoảng cho con…

* Gần đây, một video clip xuất hiện trên YouTube do PGS và một số cộng sự thực hiện mang tên “Rớt đại học – khủng hoảng hay chưa thành công” thể hiện một hoàn cảnh tâm lý hết sức bức bí dẫn đến một em học sinh phải tự vẫn. Phải chăng đây là một lời cảnh tỉnh với học sinh và các phụ huynh?

– Là một người được học sinh tin cậy, tôi nghĩ mình cần nói tiếng nói từ trái tim. Đây là câu chuyện gần như có thật… Chỉ có điều nó không xuất phát từ một trường hợp duy nhất. Tôi thực sự cảm được điều này khi gần 20 năm tư vấn, gần ngần ấy năm làm diễn giả cho học sinh. Tình huống ấy, câu chuyện ấy đem đến cho tôi nhiều cảm xúc.

Khi viết kịch bản này, thú thật tôi đã khóc. Khi quyết định vào vai học sinh ấy, tôi thể hiện như lên đồng. Rất nhiều lần té ngã, nhiều lần khóc, nhưng không biết sao mình vẫn khóc. Tôi cho rằng đó là tiếng khóc của chính người trong cuộc nhưng cũng chính là sự xót thương của một người lớn dành cho một người trẻ hơn mình. Tôi muốn nói với các bạn học sinh rằng đó cũng chính là tiếng khóc từ cha mẹ dành cho chính các bạn.

Là một chuyên gia được phụ huynh lựa chọn, tôi đồng cảm với phụ huynh. Có lẽ, tôi cũng không muốn cảnh tỉnh hay cảnh báo gì mà tôi muốn mình sẽ sẻ chia những gì cảm nhận. Tôi muốn nói với phụ huynh bằng cả trái tim mình, bằng sự sẻ chia chân tình: đại học không phải là con đường duy nhất thành công, vào đại học không hẳn là vinh quang, danh dự đến mức chúng ta không đạt được nghĩa là ta mất hết, kể cả mất mạng sống của mình…

* Theo PGS, rớt đại học có phải là một điều gì ghê gớm? Thí sinh phải làm gì?

– Tôi cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật: thi chưa đỗ đại học là tạo cho mình một nỗi buồn. Nhưng rõ ràng và cụ thể, mỗi người chúng ta đều nhận ra nó không phải là gánh nặng quá khủng khiếp đến mức không thể vượt qua.

Chúng ta có rất nhiều cách khác nhau để bắt đầu mới. Luyện thi lại dù có mất một năm nhưng có nhiều năm hạnh phúc. Chuyển đổi hướng khác với các bậc học: cao đẳng, trung cấp, hoặc học nghề để vào đời bằng chính đôi chân của mình…

Vấn đề còn lại đó chính là vượt qua được mặc cảm cá nhân, vượt qua suy nghĩ chủ quan và cảm tính hay đừng ám thị mình rằng phải là sinh viên đại học.

Truyền thông – xã hội cần cân bằng hơn trong cách tuyên truyền, nhà trường cần công tâm trong việc yêu cầu học sinh, gia đình cần đồng cảm và sẻ chia thay vì lạnh lùng và chê trách, phê bình, quy kết…

Việc thực hiện một hành vi cụ thể như nói một lời xin lỗi (dù chẳng cần thiết), lao vào tập thể thao, tự ôn bài một ngày, ra quyết định học tiếp hay trở thành sinh viên cao đẳng… đó chính là quyết định cho một chặng hành trình mới để chúng ta khởi đầu mạnh mẽ dù sự thể có thế nào…

* Xin cám ơn PGS.

Lam Phương thực hiện

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *