GIA ĐÌNH THỜI BÃO GIÁ

Bão giá (Ảnh minh họa)

Bão giá (Ảnh minh họa)

Con người vốn vĩ đã chịu nhiều sức ép khi nhịp độ của cuộc sống ngày càng nhanh hơn. Dường như, mỗi lúc áp lực ấy lại càng nặng nề hơn khi giá cả cứ ngày một leo thang… Có những mái ấm bỗng chốc trở thành “máy lạnh” bởi những mâu thuẫn xuất phát từ việc chi tiêu thời bão giá. Đôi lúc, con người không bình tĩnh, không có một kế hoạch tài chính phù hợp hơn để ứng phó hay không vượt qua được sự thiếu thốn nhất thời khi đối phương không thể đáp ứng đủ đầy nhu cầu vật chất của bản thân… Phải chăng khi giá cả leo thang thì hạnh phúc sẽ giảm xuống?

Ngày xưa, “một túp lều tranh” vẫn có “hai quả tim vàng” nhưng ngày nay đó quả thật là một lý tưởng xa vời. Không phải vì con người sống thực dụng hơn, chạy theo vật chất nhiều hơn mà bỏ rơi những giá trị tinh thần. Cũng chẳng phải tiền bạc hay sự xa hoa bề ngoài đã là thướt đo cho giá trị của cuộc sống. Vì thực chất, vẫn có rất nhiều gia đình khó khăn nhưng họ vẫn sống trong sự mưu sinh với niềm hạnh phúc. Nhưng không thể khẳng định đó là trường hợp cho tất cả bởi nhu cầu được ăn – mặc – ở vốn vĩ là nhu cầu cơ bản nhất của con người. Nhu cầu này càng được thoả mãn một cách trọn vẹn thì mọi nhu cầu khác sẽ dễ dàng đạt được hơn. Theo chiều chung của cuộc sống, cuộc sống ngày càng hiện đại thì nhu cầu cơ bản ấy cũng cao hơn ngày xưa. Chính vì vậy, thời bão giá khiến nhiều gia đình không kịp thích nghi vì cái gì là “cơ bản” thì khó có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Trường hợp gia đình anh Q (nhân viên kinh doanh), lương căn bản của anh cũng không phải là cao nhưng được hoa hồng theo hiệu quả kinh doanh hàng tháng nên gia đình anh sống khá sung túc. Vơ anh lúc trước cũng làm cùng công ty với anh, sau khi sinh cháu đầu lòng vợ anh đã nghỉ hẳn ở nhà. Chị là một người phụ nữ khá hiện đại và rất chăm chút vẻ bề ngoài, anh lại rất thương vợ nên lúc nào cũng dành khoản riêng cho vợ mua sắm. Trong lúc này, công ty làm ăn gặp nhiều khó khăn, phần hoa hồng hàng tháng của anh hầu như không còn. Từ ngày con bắt đầu đi học mẫu giáo cũng là lúc giá cả cứ leo thang, từ xăng, điện, nước, gạo… nhiều loại thực phẩm thiết yếu cho bữa cơm hằng ngày đội giá gấp đôi khiến gia đình đã thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn lâm cảnh thiếu trước hụt sau. Một mình anh phải trang trải mọi thứ, đến khi cô giáo ở trường nhắc nhở tiền học của con, nhìn vợ cứ ăn diện bình thường từ khoản dành dụm. Anh góp ý thì vợ giận, bỏ vợ nhà mẹ. Mình anh vừa phải lo cho con vừa chịu áp lực công việc, anh qua tìm vợ để làm lành thì vợ anh lại cằn nhằn, do quá căng thẳng anh bực bội đánh vợ một cái… Sau đó, thì vợ anh đưa đơn ly dị…

Hạnh phúc được bảo toàn và xây dựng trên tinh thần trách nhiệm và việc thực hiện trách nhiệm phải dự trên sự đồng lòng và san sẻ của cả hai bên. Trong gia đình, nếu một người đã là trụ cột về mặt vật chất thì người còn lại phải là trụ cột về mặt tinh thần, một người là tiền tuyến thì người còn lại sẽ là hậu phương. Hôn nhân trong cuộc sống bình thường đã mang nền tảng ấy thì hôn nhân trong thời bão giá còn cần nhiều lắm sự thông cảm, sẻ chia và thu mình lại trong những nhu cầu không chính đáng để giữ thăng bằng được hạnh phúc.

Cũng không ít trường hợp, vợ chồng cùng trang trải cùng chắt chiu để vượt qua thời bão giá nhưng thỉnh thoảng những áp lực, căng thẳng khiến họ dần xa nhau mà chính họ không nhận ra… Trước đây, chị Hằng (chủ một cửa hàng thời trang) và chồng (quản lý nhân sự) sống với nhau rất đầm ấm và hạnh phúc, chẳng bao giờ nghe anh chị có lời qua tiếng lại với nhau. Hai anh chị chỉ có một đứa con gái nên quyết định cho cháu đi du học sau khi lên cấp 3. Cũng không tính toán rõ ràng là nhiều chi phí nảy sinh như vậy, anh chị đã bán hai căn nhà mà giờ cháu chỉ mới học cao đẳng năm thứ nhất… Nhìn quãng thời gian phía trước để con hoàn thành việc học đại học, anh chị suốt ngày cắm cúi làm việc, lặng lẽ mà chẳng ai bộc bạch ra những trăn trở của bản thân mình. Đến khi căn nhà đang ở cũng phải cầm ngân hàng để nuôi con, giá cả thì cứ ngày một tăng lên. Cả đêm, hai vợ chồng chẳng nói với nhau câu gì, cũng không ngủ được. Trong lòng anh chị đều bộn bề lo toan với cơm áo gạo tiền. Đồng tiền chỉ kiếm được như vậy song có bao khoản phải lo và không ngừng phát sinh. Khi anh bảo chị cho con về nước đừng học nữa thì chị đùng đùng nổi giận. Chị bảo thà chịu khổ chứ không để con mình như vậy, nhưng anh bảo vợ chồng không đủ sức gồng gánh cho con nữa… Mâu thuẫn như thế cứ kéo dài và những tiếng cải vã như theo đuổi nhau từng ngày khiến hạnh phúc càng vơi đi trong nhiều ưu sầu khó giải thoát…

Khác với hai trường hợp trên, Hùng (nhân viên khách sạn) và Tâm (nhân viên kế toán) quyết định cưới nhau trong thời bão giá dù ba mẹ hai bên đã rất ngăn cản vì sợ đám cưới xong không lời mà lỗ hai đứa sao sống nổi với lương ba đồng ba cọc, lại ở nhà thuê. Nhưng yêu nhau đã ba năm mà Tâm lại lớn hơn Hùng đến tận ba tuổi, không cưới thì lỡ thì… Bất chấp sự ngăn cản, dù không nói ra nhưng Hùng hiểu nỗi lòng của Tâm, thương Tâm nên Hùng đấu tranh đến cuối cùng để được ba mẹ đồng ý. Đám cưới không lớn lắm nhưng cũng đủ họ hàng và bạn bè… Nhưng thời bão giá, giá cả nhà hàng tăng lên vùn vụt mà phong bì bạn bè đi không tăng lên bao nhiêu. Sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ nhìn nợ nần mà trăng mật cũng chẳng được trọn vẹn.. Tất cả chi phí sinh hoạt đều “co thắt” đến mức hạn chế nhất có thể để cùng nhau trả hết nợ.  Áp lực dồn lên vai Hùng nhiều hơn khi Tâm mang thai rồi Tâm nghỉ sinh. Khi giá cả cứ không ngừng lên, Hùng bỗng cộc cằn hơn, nóng nảy hơn, đôi lúc Hùng lại trách mắng Tâm chuyện sinh con sớm… Khi truyền hình báo tin giá gas tăng lên chạm mức “nửa triệu”, Hùng ném chén cơm đang ăn… Tâm ôm con, khóc nức nở…

Đã là vợ chồng thì chắc chắn sẽ có những mâu thuẫn, có những tranh cãi trong khi chung sống, và sẽ có rất nhiều nguyên nhân khác nhau… Trong đó, nguyên nhân về áp lực mưu sinh là nguyên nhân dễ dàng bắt gặp nhất trong cuộc sống lứa đôi. Vì mưu sinh mà con người lao vào công việc, áp lực, căng thẳng với công việc, thời gian dành cho công việc che khuất đi hạnh phúc gia đình. Cũng chính vì áp lực mưu sinh của thời bão giá khiến những cái khổ lại khổ thêm và khi con người không đủ bình tĩnh để tính toán, không đủ cảm thông thì sẽ dễ dàng đánh mất mình…

Hai người gặp nhau, yêu nhau và quyết định dành cuộc đời của mình để sống bên nhau. Nếu chỉ sống cùng nhau và cùng trải qua những ngày tháng không gặp khó khăn, trở ngại, không thật sự gắn bó thì như thế vẫn chưa đủ. Hôn nhân cần phải có sự đam mê trong cuộc sống chung, vợ chồng cần phải có mối quan hệ thật gần gũi, phải cùng chia sẻ những kinh nghiệm để vượt qua những thử thách, phải đồng hành và gánh vác dựa trên sự lãng mạn và tràn đầy những mơ ước vì tương lai… Mọi mối quan hệ đều có những lúc thăng trầm do sự tác động đa chiều của cuộc sống. Có những lúc, con người sẽ cảm thấy được thoả mãn với những gì mình đang có nhưng cũng có lúc cuộc sống sẽ buồn chán. Thời bão giá, dù cuộc sống sẽ khó khăn hơn, chật vật hơn và đôi khi dường như là sự khủng hoảng về mặt tài chính nhưng một khi đã quyết định chung sống điều ấy đồng nghĩa với việc đời mình là hạnh phúc của người khác, điều đó đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý, sự mạnh mẽ, niềm đam mê, nghị lực, sự nhiệt tình và cả sự nổ lực nữa… Tất cả điều này sẽ khiến con người đủ bình tâm bảo vệ hạnh phúc bằng tình yêu đích thực cho mái ấm của mình, trân trọng hạnh phúc đang có chứ không giao phó cho những giá trị được định giá cả trên thị trường.

Thật ra, thời bão giá, nếu mỗi gia đình biết xây dựng lại một kế hoạch chi tiêu hợp lý, biết khép mình và xác định cái gì mình “muốn” và cái gì gia đình mình “cần” để quyết định đúng thì không nhiều khó khăn… Bởi con người muốn rất nhiều, cái con người muốn luôn phải hoàn hảo và tốt nhất nhưng thật sự cuộc sống chỉ cần những cái con người “cần”, đủ cái “cần” là đủ sung túc. Giá cả tăng mỗi ngày thì hôn nhân mỗi ngày sẽ cần thêm rất nhiều sự san sẻ, gánh vác để tăng hạnh phúc… Trong đêm nào đó, nghe chồng thì thầm: “Anh sẽ không tụ tập bạn bè nữa, vợ chồng mình hạn chế mua sắm em nhé, chỉ cần những cái gì thiết yếu nhất, còn đâu phải cân đối cho con cái học hành…” thì còn điều gì hạnh phúc đối với nhau hơn thế, còn nỗi lo âu nào đủ khắc khoải có thể đánh tan tình yêu của họ. Hạnh phúc của hôn nhân thời bão giá – đôi khi chỉ là những lời tâm tình đơn giản như thế…

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *