GIA ĐÌNH VIỆT NAM – NHỮNG THÁCH THỨC HIỆN NAY

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có thể nói rằng gia đình luôn là hai tiếng thiêng liên tồn tại trong tâm tưởng của nhiều người dân Việt Nam. Truyền thống của dân Việt Nam thường hướng về gia đình. Trong sự tương tác với văn hóa Việt Nam, dù gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi nhưng vẫn là mối quan tâm của khá nhiều người nếu như không muốn nói là đại đa số người dân Việt. Xã hội đang bước vào thời kỳ mới với nhiều cơ hội và nhiều thách thức và điều đó càng làm cho những người quan tâm đến vấn đề gia đình – hạnh phúc gia đình thực sự quan ngại.

ĐIỂM SÁNG

Không thể phủ nhận rằng thực tế gia đình Việt Nam hiện nay vẫn đang có những điểm sáng nhất định. Đó chính là sự tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình mà đặc biệt là sự tôn trọng giữa vợ và chồng. Dù sẽ là khập khiễng nếu như phải làm phép so sánh nhưng quả thật so với trước đó thì ngày nay nhiều người vợ bắt đầu được coi trọng, họ trở thành người được quan tâm và thương yêu nhiều hơn. Chính điều này là một trong những trọng điểm của việc bình đẳng giới đã được giải quyết. Chính anh Ng M Th – xe ôm cho biết: :Dù không hiểu nhiều về đạo lý hay luật pháp nhưng chính tôi cho rằng đã là người sống chung thì phải được yêu thương và tôn trọng nhau…”

Bên cạnh đó, cũng không thể đề cập đến vấn đề cùng hợp tác với nhau trong đời sống gia đình. Nhiều nghiên cứu về văn hóa gia đình trước đó đã cho thấy nhiều người chồng gần như quán xuyến toàn bộ công việc để đem về của cải vật chất cho gia đình. Thế nhưng thực tế ngày nay chính người vợ đã thoát khỏi việc nội trợ hay sanh con mà đã sát cách cùng chồn trong mọi công việc. Từ công việc đồng áng cho đến những mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, cũng không ít người vợ đã song hành cùng chồng để chăm lo những điều kiện về kinh tế gia đình để tạo ra những điều kiện cần thực sự cho cuộc chung sống.

Cũng không thể không đề cập đến một điểm sáng cũng khá đặc biệt trong đời sống của những gia đình hiện nay đó là việc chấp nhận nhau những khác biệt cũng như thừa nhận những “cái riêng” của nhau. Đây chính là nền tảng cho sự độc lập của đời sống gia đình. Thực tế cho thấy những bạn trẻ khi lập gia đình cũng không nhất thiết phải ở chung cha mẹ hay làm dâu mặc dù gia đình có thể rất đơn chiếc. Hay chính cuộc sống ở những khu chung cư cao cấp với những ngôi nhà hơn 100 mét vuông đã là một không gian đủ để bố trí những khoảng không riêng biệt cho mỗi thành viên có nơi chốn riêng của mình. Ở đó, mỗi thành viên được thỏa chí với cái “riêng” của mình mà không nghĩ rằng mình đang bị quấy rầy hay kiểm soát. Ngay cả ở nông thôn cũng thế, cha mẹ bắt đầu biết chú ý đến việc tôn trọng những nhu cầu riêng của con cái, con cái bắt đầu được quan tâm đến việc dành những khoảng riêng để học tập, để thư giãn và sinh hoạt … Đây cũng chính là một trong những điểm làm cho đời sống cá nhân nói riêng cũng như đời sống gia đình nói chung có những biểu hiện tích cực nhất định

NHỮNG THÁCH THỨC

Lẽ đương nhiên, bên cạnh những điểm sáng hay những điểm “khá ổn” của gia đình hiện nay thì còn khá nhiều thách thức hay những điểm mà gia đình Việt Nam còn chưa chú ý. Chắc chắn để có thể giải quyết điều này ngay lập tức hay theo kiểu một sớm một chiều là điều không dễ dàng tí nào nhưng nếu có một mối quan tâm thực sự với những điều chỉnh đích thực thì có lẽ vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết.

Thứ nhất, có thể nói rằng các thành viên có thương yêu nhau nhưng rất ít dành thời gian cho nhau. Cuộc sống quá bận rộn và thách thức đến mức mỗi cá nhân đều đắm mình trong công việc. Thật hiếm hoi có một buổi sinh họat chung đầy đủ tất cả các thành viên. Con cái thì cứ học thêm hoặc học tăng cường liên tục, cha mẹ thì phải làm ăn, xoay sở, anh chị thì cũng phải vượt qua những thách thức nghề nghiệp liên miên… dần dần mọi người đều ít có thời gian quan tâm đến nhau. Nhiều trẻ vị thành niên cho rằng đòi hỏi cha mẹ mỗi ngày dành một giờ nói chuyện với mình sao mà khó quá. Dường như điều này cũng thực sự đang tồn tại khi chính cha mẹ cũng thừa nhận rằng bận rộn quá nên khó có thể thực hiện điều đó một cách thường xuyên.

Thứ hai, sự gắn kết giữa các thành viên có phần lỏng lẻo khi mỗi thành viên bắt đầu có cuộc sống độc lập riêng của mình. Khi mà không gian sống được chia cắt khá rạch ròi, khi mà những buổi cơm gia đình thưa dần hay bếp lửa gia đình không thường xuyên ấm thì có lẽ mọi vấn đề liên kết trong gia đình trở nên bị “chùng” xuống một cách khá rõ. Nhiều trẻ em Tiểu học ngày nay vẫn thể hiện ước mơ được ăn cơm gia đình cùng với cha mẹ như một niềm vui, được chia sẻ với mẹ cha những niềm vui nỗi buồn là một hạnh phúc. Vì sao nên nổi? Chắc chắn rằng chính những nghĩ suy rất con người, chính những khát khao rất tình cảm và gắn kết nhưng vẫn chưa được thực hiện đã thôi thúc trẻ em ước mơ giản dị như thế. Xem ra thực sự là sự gắn kết này có vẻ bị lung lay. Thực tế còn hơn thế nữa khi con cái cũng không đủ thời gian và điều kiện để về thăm cha- thăm mẹ vào cuối tuần thậm chí là có nhiều con cháu vẫn không còn “điều kiện” để về thăm dòng họ vào những ngày lễ lộc. Vấn đề này phải chăng cũng là một thách thức trong hành trình đi tìm hạnh phúc gia đình khi mà sự liên kết và chăm sóc dành cho nhau thực sự ít ỏi và mỏng manh

Thứ ba, đó là những mâu thuẫn và những xung đột trong gia đình vẫn còn tồn tại khá nhiều. Điều này không mâu thuẫn hoàn toàn với chuyện biết chấp nhận nhau như đã đề cập nhưng rõ ràng là nhiều gia đình ngày nay có xu hướng dễ dàng bị xung đột cùng nhau vì những vấn đề khá nhỏ. Cũng từ đây nạn bạo lực – bạo hành trong gia đình tồn tại nhiều và diễn biến hết sức phức tạp. Không còn đơn giản là ấn đề bạo hành thể xác mà đã chuyển dần sao bạo hành tinh thần… Gần đây chuyện bạo hành tài chính và cả bạo hành tình dục cũng là một vấn đề hết sức nhức nhối. Khi con người hiểu biết trong cuộc sống nhiều hơn và sâu hơn, khi con người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến xã hội – luật pháp… thì chưa chắc gì người ta đã dại dột bạo hành thể xác người chung sống mà biết đâu lại chuyển hướng sang nhiều biểu hiện khác. Định dạng bạo hành trong đời sống gia đình cũng là một thách thức vì thế đấy!

Điều thứ tư cũng khá nổi trội và cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm đến các gia đình hiện nay đó là hiện tượng gia đình trẻ có chiều hướng ly hôn khá tăng. Những số liệu gần đây cho thấy có đến hơn 30% các cặp vợ chồng trẻ ly hôn sau chưa đầy 3 năm chung sống. Điều này cho thấy các cặp vợ chồng trẻ có phần khá vội vã khi kết hôn rồi cũng rất mạnh mẽ mẽ đưa nhau ra tòa để phá nát gia đình mà chính mình đã gầy dựng sau một thời gian ngắn ngủi để chung sống. Xét trên phương diện gia đình thì chính việc chưa tìm hiểu kỹ nhau sẽ dễ dàng dẫn đến những thiếu hiểu biết về nhau cũng như thiếu sự tương đồng. Xét ở góc độ khác mà tính chịu trách nhiệm trong gia đình cũng như sự cố công để dung hòa, để hướng tới sự đồng cảm còn khá thấp nên những kết cục buồn trong gia đình dễ diễn ra…

Có thể nói rằng thật khó có thể khái quát hết về những điểm sáng hay những khoảng lặng trong gia đình Việt Nam thời hiện đại nhưng chắc chắn rằng với sự phát triển của cuộc sống thì những thách thức ngày càng trở nên quá lớn với các gia đình. Lèo lái con thuyền gia đình cặp bến hạnh phúc thực sự là một vấn đề quá khó khăn hiện nay nếu như mỗi thành viên thiếu hẳn sự quan tâm đích thực, sự rung cảm đích thực cũng như sự hy sinh cái tôi cá nhân để hướng đến cái chung mang tính bền bỉ và dài lâu.

PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *