Giải quyết ‘sóng ngầm’ bằng cơ chế

Nếu đến với trẻ bằng trái tim, bằng tấm lòng thì không có gì khó để những cơn sóng ngầm mất dạng.

>> Nhận diện ‘sóng ngầm’ trong gia đình

Quán triệt

Thực sự mà nói chuyện con anh – con em hay con của hai người không thể giải quyết một cách ổn thỏa nếu không bắt đầu bằng cơ chế tâm lý. Giải quyết từ gốc là ở đây chứ không phải giải quyết từ ngọn của những xung đột.

Những cặp vợ chồng khi chung sống nhất thiết phải “quán triệt” rõ ràng về vấn đề này trước khi về với nhau. Trẻ em rất nhạy cảm cho nên dù ở tuổi mầm non hay tiểu học và thậm chí là trung học thì trẻ cảm nhận khá rõ sự quan tâm và đối xử.

Sự khác thường trong cuộc chung sống sẽ làm cho trẻ có cảm giác bị bỏ rơi hay sự ghen tị trong rung cảm sẽ xuất hiện. Sao trước đó mình được mẹ thương yêu hơn còn bây giờ thì thế này? Sao trước đó mẹ đâu có như thế nhưng bây giờ lại rất hay như vậy?…

Chính điều đó cho thấy trong vài tháng đầu tiên mỗi người cần phải tạo một khoảng không tâm lý an toàn cho trẻ, đừng thay đổi vội chế độ sinh hoạt, nếp sống của trẻ. Dần dà chính mỗi người sẽ thay đổi một ít, một ít, động viên trẻ thay đổi theo guồng chung thì trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận.

Thứ nữa, đừng tỏ ra vội vàng phấn khởi hay hồ hởi trong thời gian đầu để rồi “quá mức” hoặc “hết chiêu” với trẻ. Tình thương đối với trẻ phải được thực thi một cách rất chân thật nhưng phải đủ “liều”.

Đừng tỏ ra chiều chuộng quá mức hay yêu thương “tới bến” để rồi sau đó, những khuôn phép đưa ra hay những yêu cầu chuẩn mực đưa ra không thể dễ dàng thực hiện.

Tâm lý của một số người chung sống với con anh – con em hay cố gắng bù đắp nhưng sự bù đắp hoặc những thao tác chinh phục vội vàng hay quá mức sẽ khó có thể tạo ra được những hiệu ứng tích cực trong cuộc chung sống.

Phải đảm bảo nếp nhà hay nếp giáo dục công bằng. Khi gia đình càng nhiều người mà quan hệ ấy có phần lỏng lẻo do không phải được gắn kết chặt chẽ bởi tình máu mủ, hay sự chăm sóc rất sớm cho nên những lo lắng, những trăn trở hoàn toàn có thể xuất hiện.

Nỗi ám ảnh là mình không phải con của bác ấy, dượng ấy xuất hiện và choáng ngợp trong tâm trí của trẻ cho nên trẻ có thể có những rào cản tâm lý trong tiếp xúc, trong việc nhận những tác động giáo dục.

Giải quyết vấn đề không có gì khác hơn là những người trong cuộc phải rất tỉnh táo. Càng cố gắng chuẩn mực trong việc mua quà, tặng thưởng, phê bình, động viên… càng có thể ngăn chặn những cơn sóng ngầm nơi trẻ.

Thực tế cho thấy điều này không phải dễ nhưng nếu mỗi người cha, mẹ đều biết kiềm chế thì chắc chắn sự đối xử công bằng sẽ là điều kiện quan trọng để con cái vừa “nể phục” cứ không phải “nể sợ”.

Hãy đến với trẻ bằng trái tim

Cũng tùy từng tình hình cụ thể để mỗi bậc cha mẹ có thể quyết định chung sống hay quan tâm theo từng kiểu cách khác nhau. Tuy nhiên, dù cho có quan tâm bằng hình thức nào đi nữa thì mỗi người nên tạo ra những yêu cầu chung về chăm sóc – giáo dục trẻ nhưng những yêu cầu riêng để mỗi người cha mẹ thân thiết nhất với con mình có những tác động riêng là điều cần thiết.

Điều này không những được thống nhất bởi quan hệ tay ba là mẹ ruột – ba ruột và dì hay ba ruột – mẹ ruột – dượng mà thậm chí còn có thể cùng trẻ phân tích – giải quyết. Mỗi tác động hợp lý khi và chỉ khi người nhận tác động cảm thấy thoải mái và vui vẻ đón nhận.

Điều khá quan trọng bên cạnh sự nhạy cảm của các bậc cha mẹ phải ở vào hoàn cảnh không mấy thuận lợi này đó chính là cái “tâm” của một con người. Nếu đến với trẻ bằng trái tim, bằng tấm lòng thì không có gì khó để những cơn sóng ngầm mất dạng.

Chính mỗi trẻ đều có khả năng nhận thức vấn để cho nên đừng vội trách trẻ là bướng bỉnh hay cố chấp mà hãy tự hỏi chính mình xem “tâm” của mình có trong – có sáng? Nếu tâm của mỗi bậc làm cha- làm mẹ trong gia đình chắp nối đếu hết lòng thương yêu – đều thật dạ chăm sóc thì cơn sóng ngầm sẽ khó có thể có chỗ đứng trong cuộc sống gia đình chung…

Tái hôn đều nhằm mục đích cho mình và cho con mình cho nên đừng để sự phối hợp lại trở thành liều thuốc độc cho tương lai con trẻ. Không quá bi đát khi nhiều trẻ là con em trong gia đình “chắp vá” vẫn thực sự hạnh phúc và trưởng thành toàn diện.

Vấn đề ở đây đó chính là sự dày công của mỗi thành viên để hướng đến mục tiêu dựng xây hạnh phúc của chính mình nhưng cũng chính là dựng xây một nhân cách của một đứa trẻ để bản thân mình cảm thấy hạnh phúc – nhẹ nhàng nhiều hơn…

HVS

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *