GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG PHÙ HỢP VÀ THU HÚT – THÁCH THỨC MỚI KHÔNG ĐƠN GIẢN

ky-nang-song_1b8b3Hiện nay, kỹ năng sống đang được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện về đội ngũ chuyên môn và cơ sở vật chất của từng trường. Do yêu cầu của thực tế xã hội, ngày càng đòi hỏi mỗi người giảng viên kỹ năng sống phải có phương pháp giảng dạy hiện đại, không ngừng nâng cao chuyên môn nhằm mang đến cho mỗi học sinh những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết trong học tập và cuộc sống. Nhưng yêu cầu này có đủ để kỹ năng sống đến với học sinh một cách tích cực và hiệu quả  nhất đáp ứng được với những đòi hỏi mà xã hội đang đặt ra cho giới trẻ – thế hệ có vai trò chủ lực trong việc tạo dựng tương lai?

Do tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, dưới tác động của kỹ thuật công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện đại, học sinh ở các thành phố lớn thường năng động trong giao tiếp, thoải mái và tự nhiên khi tiếp cận các vấn đề về tình bạn và tình yêu. Trong khi đó, học sinh ở tỉnh thường rụt rè và thiếu tự tin trong giao tiếp, các em ích chủ động đưa ra thắc mắc khi chuyên gia tâm lý chia sẻ trực tiếp, các em ngại ngùng và rất khép nép khi đề cập đến các vấn đề tình bạn tình yêu. Trong cùng một đia phương thì nhu cầu học kỹ năng sống của các em cũng rất khác nhau. Ở các trường chuyên, học sinh thường rơi vào trạng thái căng thằng, mệt mỏi do áp lực trong học tập quá lớn. Đặc biệt, ở trường chuyên xuất hiện những tình huống rất chuyên biệt. Trong chương trình Tư vấn học đường “Tự tin kết nối bạn bè” tại Trường chuyên Lương Thế Vinh (Biên Hòa – Đồng Nai), không ít học sinh đã chia sẻ và có cả trường hợp các em bật khóc nức nở trong sự đồng cảm của rất nhiều học sinh giữa sân trường “Em phải làm sao bị bạn bè cũ tẩy chay khi thấy mình học trường chuyên?” “Làm thế nào để em – một học sinh ở huyện có thể hoà nhập với bạn bè ở tỉnh khi bước vào trường chuyên?”. Đó là những băn khoăn, trăn trở và là tiếng lòng của rất nhiều học sinh trải qua nhiều thế hệ khác nhau. Áp lực, căng thẳng và sự dồn nén ngày càng thắt chặt với nhau hơn khi cuộc sống ngày càng có quá nhiều sự canh tranh, yêu cầu từ gia đình, nhà trường và xã hội. Những nỗi lòng này nếu không được giải tỏa thì tinh thần và định hướng giá trị cuộc sống của các em có đi chệch hướng? Ở trường bình thường học sinh không chịu áp lực cao trong học tập nhưng các em thường thiếu các phương pháp học tập hiệu quả, thiếu sự nhận thức và đánh giá bản thân khiến định hướng giá trị của các em thường mỏng manh hơn nên sự sai lệch về hành vi thì diễn ra mạnh mẽ hơn với các vấn nạn về bạo lực học đường, nghiện game online, nhiều các vấn nạn xã hội khác…Chính vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống không thể cào bằng, rải đều các kỹ năng mà không cần biết kỹ năng ấy đã có ở học sinh mình đã có chưa và có ở mức độ như thế nào? Kỹ năng ấy thật sự có thiết thực, có chạm vào đúng nguyện vọng, tâm tư và những điều các em mong mỏi? Mục tiêu của kỹ năng sống là giúp học sinh có khả năng thích ứng tốt khi gặp những thách thức và áp lực trong quan hệ cá nhân, ở trường, ở trong gia đình và môi trường xung quanh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thành công trong học tập hoặc trong phát triển bản thân. Học sinh có khả năng chuẩn bị bản lĩnh vững vàng về tâm lý để làm chủ với những thách thức trong cuộc sống. Để thực hiện được mục tiêu đề ra thì cần thiết giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, cấp học, tình hình thực tế của  từng vùng, từng trường… sao cho học sinh cảm thấy gần gũi với cuộc sống của bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội, chứ không chỉ trên sách vở hay những lời nói suông. Chính vì vậy, giáo dục kỹ năng sống cần mang tính thích ứng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cùng một vấn đề, một nội dung và dưới một hình thức nhưng ở những độ tuổi khác nhau mức độ tiếp thu vấn đề của các em cũng rất khác nhau. Để giáo dục kỹ năng sống có hiệu quả cần có sự điều chỉnh về mặt nội dung lẫn phương pháp sao cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Các kỹ năng cần được giảng viên phân chia theo từng cấp độ từ thấp đến cao tương ứng với trình độ nhận thức của học sinh. Tính thích ứng không chỉ nằm ở nội hàm ấy mà vấn đề then chốt hơn là làm sao những kỹ năng sống được triển khai đáp ứng được nhu cầu thực tế ở học sinh. Bởi không hiểu học sinh mình cần gì, không biết học sinh mình thiếu những kỹ năng nào thì làm sao giảng viên có thể tương tác với một sinh một cách tích cực để đem lại hiệu quả trong công tác giảng dạy. Đáp ứng được nhu cầu là biện pháp nhanh nhất để học sinh cảm nhận, thấu hiểu và trân trọng những giá trị căn bản của cuộc sống vì các em ý thức được đó là điều thiết thực mà các em đang cần, là điều mà các em đang cố gắng vượt qua, đang vươn lên để hoàn thiện chính mình.

Giáo dục kỹ năng sống mang tính thích ứng, đáp ứng nhu cầu của học sinh không đơn giản mà nó là một thách thức cấp bách, một biện pháp thiết thực nhất để xây dựng gói hành trang vào đời cho thế hệ trẻ một cách đủ đầy và đúng với kỳ vọng mà xã hội trông đợi. Bởi những giá trị sống và kỹ năng sống là của chung và ngày càng được nhân loại phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu theo sư  phát triển chung của xã hội. Sự cập nhật và thay đổi những kỹ năng hiện đại hơn như là một quy luật tất yếu của đời sống. Giáo dục nỗ lực cao bao nhiêu cũng khó lòng trang bị cho các em hết vô vàng những kỹ năng ấy. Điều đó, đặt ra vấn đề và đòi hỏi nhà trường cần lựa chọn các kỹ năng phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh, với những chuyển biến và thực trạng đang xảy ra trong cuộc sống. Quan trọng hơn là có sự điều tiết đế hướng đến người học qua việc xác định chính xác tên chuyên đề, chọn lọc và lồng ghép các kỹ năng phù hợpđáp ứng chính xác nhu cầu hiện tại của học sinh để các em kịp thời thích nghi, phát triến.

Để đáp ứng được đúng nhu cầu của học sinh thì cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong công tác giáo dục kỹ năng sống. Thầy cô cần phải quan sát, nhìn nhận, đánh giá, khảo sát các nhu cầu ở học sinh mình. Nhà trường cần trao đổi với các phụ huynh về những nguy cơ đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại và cả những thách thức sắp diễn ra trong tương lai. Hỗ trợ phụ huynh cách nhận biết, phát hiện được các nguy cơ đang biểu hiện để kịp thời định hướng cho các em. Và trên hết, phụ huynh và thầy cô cần lắng nghe tiếng lòng của học sinh để đáp ứng một cách cụ thể nhu cầu của các em.

best_1735248633-1-efdNhom20120di20truong20Thinh20Quang2038

Không chỉ dừng lại ở đó, việc hình thành kỹ năng sống chỉ trong một hai buổi dạy là không thể. Điều mà thầy cô cần thực sự chú ý đó là phải “chuyển hoá” mô hình kỹ năng thành ý thức của học sinh, phải làm sao để các em hiểu được cái cốt lõi hay cái thần của từng kỹ năng, xác lập các thói quen tích cực và hạn chế các thói quen tiêu cực có liên quanđến kỹ năng ấy… Hành trình này không thể được hình thành qua những tiếng cười vui trên lớp học hay những trò chơi giải phóng năng lượng mà đó phải là sự trải nghiệm thực sự, sự lắng đọng sâu sắc và cả sự quyết chí đến mức vô cùng…

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế trong việc khám phá, sáng tạo, có sự đầu tư nghiêm túc về mặt chuyên môn của người làm công tác giảng dạy. Nhưng tất cả sự khéo léo và tinh tế ấy phải dựa trên nguyên tắc lấy người học làm trung tâm để có thể tạo dựng được sự tích cực và hứng thú lĩnh hội kỹ năng ở người học. Điều này chỉ có thể thực hiện khi người làm công tác kỹ năng sống thật sự quan tâm và đáp ứng đúng nhu cầu của người học.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Phó chủ tịch hội tâm lí học xã hội Việt Nam

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *