Người Việt có suy nghĩ tích cực nhất châu Á về sự ảnh hưởng của công nghệ lên các mối quan hệ. Chính điều này đã biến công nghệ thành một phương thức giao tiếp phổ biến, kết nối mọi người với nhau.
Công nghệ tạo nên những rào cản vô hình trong các mối quan hệ mà chúng ta không hề hay biết
Nhưng theo thời gian, việc phụ thuộc vào thiết bị công nghệ lại vô tình khiến các mối quan hệ dần nguội lạnh.
Theo khảo sát Chỉ số các mối quan hệ 2016 (PRI) thực hiện với quy mô khoảng 5.000 người trên 10 nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam do Prudential thực hiện, có đến 32% các cặp vợ chồng Việt tranh cãi do thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính. Con số này sẽ có xu hướng gia tăng nếu chúng ta tiếp tục để công nghệ can thiệp sâu hơn vào việc giao tiếp giữa người và người trong cuộc sống hàng ngày.
Lặng im trò chuyện – Không phải “hiếm có khó tìm”
Bữa cơm gia đình luôn là khoảnh khắc ấm cúng nhất để gắn kết các thành viên với nhau. Đáng tiếc là giữa cuộc sống hiện đại, chúng ta lại đang dần lãng quên giá trị quý báu ấy bởi những mối bận tâm khác. Có thể thấy, sự phụ thuộc quá lớn của người dùng vào công nghệ làm cho các mối quan hệ dần nguội lạnh. Chưa bao giờ ngồi cạnh nhau mà chúng ta lại im lặng lâu đến vậy. Những cuộc gặp gỡ, tụ họp sum vầy bỗng chốc trở thành nơi “ứng dụng” công nghệ, khiến bao cảm xúc chân thành trở nên chai sạn, còn sợi dây gắn kết thì ngày càng xa cách.
Tại buổi công bố Chỉ số các Mối quan hệ 2016, Ông Phương Tiến Minh (Phó Tổng Giám đốc Marketing Prudential Việt Nam) cũng đã chia sẻ một số câu chuyện mang tính thời sự: “Nhờ vào việc nói đúng, nói trúng về những vấn đề khi yêu nhau thời công nghệ, ca khúc “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu đã lập tức gây sốt với ca từ như thuật lại chính hình ảnh chúng ta mỗi ngày”. Thật ra, ai trong chúng ta cũng nhận ra những bất cập khi yêu nhau thời công nghệ, nhưng dường như lại rất khó để thay đổi. Để rồi khi công nghệ lên ngôi, những lời nói vốn giàu yêu thương, đậm cảm xúc thuở ban đầu bị lấn át bởi những cuộc giao tiếp không lời, đặt ra khoảng trống vô hình trong các mối quan hệ mà chính chúng ta cũng không nhận ra.
Rời công nghệ để “ấm” lại yêu thương
Bằng cách thực hiện 500 cuộc phỏng vấn trực tiếp những người trưởng thành ở độ tuổi từ 25 đến 55 tại Hà Nội và TP.HCM, chỉ số PRI 2016 phản ánh những thực trạng trong các mối quan hệ của người Việt, bao gồm cả những ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ lên cuộc sống.
Theo đó, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi cách thức giao tiếp giữa chúng ta, khiến nhiều người dành thời gian cho điện thoại, máy tính nhiều hơn cả việc quan tâm, chia sẻ với các thành viên trong gia đình. Theo chỉ số PRI, có 28% số người được khảo sát cho biết họ thích sử dụng điện thoại hơn là dành thời gian cho người thân; 16% người Việt nghiện công nghệ đến mức không thể từ bỏ điện thoại để dành thời gian nhiều hơn cho người khác, dù chỉ trong 1 ngày.
Là người đưa ra những đánh giá khách quan về kết quả chỉ số PRI, PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết chính sự giao tiếp bằng lời mới là chất keo gắn kết mối dây tình cảm. Một không gian trò chuyện thân mật, mặt đối mặt sẽ giúp chúng ta thấu hiểu thông tin giao tiếp, cảm nhận được giọng nói thân thuộc và cả ngữ điệu đáng yêu, sống động của người thân, từ đó vun đắp thêm yêu thương với mọi người.
Đừng để các cuộc tranh cãi tăng lên theo cấp số nhân, và đôi khi không thể kiểm soát chỉ vì thói quen giao tiếp bằng thiết bị công nghệ. Bởi sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta mải kiếm tìm cảm xúc và yêu thương ở thế giới “ảo”, để rồi hụt hẫng trong đời “thực” khi đánh mất kết nối với những người thân yêu.
Ngay từ bây giờ, hãy học cách sưởi ấm lại những yêu thương quanh mình, hãy trân quý những khoảnh khắc cùng gia đình, người thân để lấp đầy những khoảng trống giữa các mối quan hệ mà chúng ta đang vô tình tạo ra.
Bạn có thể tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng đến các mối quan hệ thông qua bản báo cáo chỉ số PRI, cũng như tham gia bài trắc nghiệm định nghĩa về các mối quan hệ, từ đó vun đắp thêm tình cảm với những người thân yêu tại: https://www.prudentialrelationshipindex.com/vn/.
Ngọc Mai