GD&TĐ – Cách giáo dục tốt nhất là đồng hành và làm bạn cùng con. Việc đưa con vào trường giáo dưỡng chưa bao giờ được đánh giá là một biện pháp hay, bởi không thể dễ dãi đẩy con ra khỏi tổ ấm, đẩy học sinh ra khỏi trường học theo kiểu giao trách nhiệm và trốn tránh nhiệm vụ…
Đó là quan điểm của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh – khi chia sẻ các giải pháp giáo dục học sinh trước tình trạng bạo lực học đường.
Cha mẹ cần bản lĩnh và khéo léo
Những video học sinh bị bạn đánh hội đồng không thương tiếc được đăng tải trên mạng xã hội khiến phụ huynh vô cùng lo lắng, bất an. Trên thực tế, nhiều học sinh, kể cả nạn nhân lẫn kẻ gây chiến, trước bố mẹ đều giấu giếm cảm xúc, “con người thật” của mình. Có trường hợp học sinh ra ngoài thể hiện đẳng cấp “anh chị” nhưng về nhà vẫn dạ vâng lễ phép, ngoan ngoãn. PGS có lời khuyên nào cho các bậc làm cha mẹ trong những trường hợp này?
Phần lớn các bạn học sinh đang ở vào tuổi mới lớn, luôn có những suy nghĩ và hành vi bồng bột. Nếu cha mẹ có con ở vào trường hợp này thì có thể nhẹ nhàng nói chuyện với các em phải thẳng thắn, mềm mỏng nhưng quyết liệt… Sự khéo léo và bản lĩnh của cha mẹ là ở đây vì phần lớn các em sẽ vì sợ gia đình mà che giấu hành vi của mình. Nếu phát hiện ra được thì cần bình tĩnh giải quyết thay gì làm cho mọi chuyện trở nên căng thẳng, bầu không khí trong gia đình không được như trước. Hơn thế nữa, sự mệt mỏi về tinh thần sẽ làm cho trẻ cảm thấy mất rất nhiều… Đó là sự khủng hoảng hay sự căng thẳng tâm lý…
Giả sử nếu bị nhà trường gọi lên vì con hay cháu đánh bạn; hoặc xem được clip con cháu mình đánh bạn bị tung lên mạng, ông sẽ làm gì?
Thứ nhất, tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự việc. Bình tĩnh để tiếp cận vấn đề thay vì đẩy mọi thứ vào ngõ cụt.
Thứ hai, trước khi trách móc, khuyên giải con thì tôi cũng nhìn lại chính mình để về sau không đi lên vết xe đổ.
Thứ ba, học cách làm bạn với con để con có thể tâm sự cùng mình nhiều hơn. Nếu con coi mình là bạn thì cháu sẽ kể về các mối quan hệ, trong từng câu chuyện tôi sẽ nhận diện được vấn đề để có thể đưa ra giải pháp từ xa thay vì luôn phải đi sau và giải quyết sự cố.
Thứ tư, cần nhìn nhận vấn đề theo hướng giải quyết triệt để và tuần tự. Điều quan trọng là cần hướng đến sự điều chỉnh những tàn dư trong nhân cách của con kể cả con mình ở vị trí nào.
Thứ năm, hãy dùng lễ nghĩa và lý trí để khắc phục sự cố. Xin lỗi hoặc những cam kết với nhiều phía là điều cần làm. Đây cũng là hồi chuông giúp tôi nhìn lại cách mình đang giáo dục con, có phải vì thiếu đi sự gần gũi quan tâm để trẻ rơi vào những nhóm bạn không tốt.
Cách giáo dục tốt nhất với những đối tượng này là gì? Có gia đình đưa con vào trường giáo dưỡng, đó có phải là cách hay nhất hay chỉ là cách khi chúng ta bất lực?
Cách giáo dục tốt nhất là đồng hành và làm bạn cùng con, vì chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, chỉ là đã đi qua nên nhiều phụ huynh không thừa nhận hoặc bỏ lơ nó, chúng ta cũng từng rất nổi loạn trong lứa tuổi đó. Chính vì vậy, tôi luôn tha thiết và mong cầu các phụ huynh không chỉ dành tình thương cho trẻ mà còn dành cả sự quan tâm về các nhu cầu và giá trị tinh thần. Để trẻ không thấy lạc lõng trong ngôi nhà mình đang sống, hãy dành thời gian và tập cho mình thấp xuống, trẻ lại và nhiều khi thử ngồi vào chiếc ghế của con mới cảm được con…
Việc đưa con vào trường giáo dưỡng chưa bao giờ được đánh giá là một biện pháp hay. Vì thực tế, nó cho thấy sau khi trở về những đứa trẻ sẽ như thế nào vẫn còn là bài toán mở, và không phải cứ dễ dãi đẩy con ra khỏi tổ ấm, đẩy học sinh ra khỏi trường học theo kiểu giao trách nhiệm và trốn tránh nhiệm vụ…
Chỉ có bằng tình yêu thương, quan tâm và hướng dẫn đúng cách từ phía gia đình thì mới mong một ngày trẻ sẽ trở lại con đường đi đúng hướng.
Đừng để trẻ trở nên bơ vơ khi ở nhà và mọi trách nhiệm đổ lên trường học
“Hãy làm bạn đồng hành của con” – đây là câu nói các chuyên gia tâm lý đều khuyên các bậc làm cha mẹ. Nhưng đồng hành như thế nào? Từ lý thuyết cho đến thực tế lại là cả một vấn đề, bởi nhiều phụ huynh thuộc nằm lòng lý thuyết nhưng vẫn thất bại trong cách dạy con, đồng hành với con!
Để đồng hành và làm bạn với con buộc các bậc phụ huynh phải thực sự nắm vững được những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, để không quy chụp và đổ mọi trách nhiệm lên con mình. Một khi phụ huynh biết con mình đang trải qua giai đoạn gì thì sẽ tìm cách để cùng con vượt qua. Luôn phải đặt đôi chân của mình vào chiếc giày của con thì lúc đó mới thực sự biết con đang cần gì và mình cần làm gì để con thực sự cảm nhận được tình yêu thương từ gia đình.
Nhiều phụ huynh phó mặc việc giáo dục con cho thầy cô. Khi có sự việc bạo lực xảy ra, xã hội dường như cũng đổ lỗi cho nhà trường. Trách nhiệm trong việc này như thế nào cần phân biệt rõ và nên phân biệt rõ như thế nào?
Một đứa trẻ không tự nhiên mà lớn, để đứa trẻ lớn lên và trưởng thành thì luôn cần kết hợp ba yếu tố giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu gia đình cứ mặc nhiên đổ lỗi cho nhà trường thì đó là một cái nhìn phiến diện, chính sự đổ lỗi đó đã đẩy nhiều đứa trẻ vào con đường không nên. Những bài học đầu tiên trẻ được học là từ gia đình, sau đó là nhà trường và rộng ra là xã hội. Vậy tại sao lại quy trách nhiệm cho nhà trường khi đứa trẻ không ngoan. Phải nhìn thấy rõ vấn đề như vậy để gia đình nâng cao vai trò trách nhiệm trong giáo dục con em mình, đừng để những đứa trẻ trở nên bơ vơ khi ở nhà và mọi trách nhiệm đổ lên vai trường học.
Khi các yếu tố gia đình, nhà trường, xã hội làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình thì đứa trẻ sẽ nhận thức được ý thức hành vi của mình. Để từ đó hành động và sống tốt hơn.
Nếu tôi bị nhà trường gọi lên hoặc nhìn thấy những hình ảnh đó trên mạng hẳn nhiên như bao nhiêu bậc phụ huynh khác tôi sẽ cảm thấy bị sốc nặng, tại thời điểm lúc đó sẽ rất khó chấp nhận sự thật. Tuy nhiên, mọi chuyện cần được giải quyết một cách ổn thỏa cho cả hai bên.
Theo GD&DT