GIÚP CON VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đường phố vẫn đông nghẹt người dù rằng đã là chiều thứ bảy. Tuấn được mẹ dẫn qua cô Thu hàng xóm để chơi với các bạn cùng tuổi. Đã lên ba nhưng cu cậu vẫn còn nhỏ thó như chiếc hột mít đẹt. Chiều nay cũng vậy, mẹ Tuấn dù rất bận rộn những cũng muốn dành chút thời gian ít ỏi của mình để cùng Tuấn thư giãn và vui chơi đủ biết mẹ thương Tuấn đến dường nào. Tuấn vung tay mẹ và đi tự do thoải mái bên lề phía phải, mẹ nhìn Tuấn mỉm cười khi thấy con mình thật là “rắn mắt”. Nhà cô Thu thì ở xa xa, chỉ còn chục mét nữa đến rồi… Tuấn nhanh nhẹn đi đến những vạch trắng và dự định băng qua đường. Mẹ Tuấn hốt hoảng la toáng lên: Không được! Chờ mẹ!”. Tuấn vùng vằng bảo: “con thích tự đi mà…”. Mẹ Tuấn nắm chắt tay Tuấn và thét lên: “không được, để mẹ dắt, con làm sao qua được…” Tuấn phụng phịu giậm chân vung tay và òa khóc… Khi mẹ Tuấn lôi xệch cậu qua đường, cu cậu nằm xuống đấy và giãy đành đạch… Thế là một buổi chiều vui vẻ biến mất mà thay vào đó là những trận tranh cãi kịch liệt cũng như những nỗi buồn bắt đầu xuất hiện…

Không những chỉ có tình huống trên mà những tình huống tương tự vẫn thường xảy ra trong quá trình trưởng thành của trẻ. Bước vào tuổi lên ba, những hành động như: đòi tự múc cơm ăn, đòi tự mặc quần áo, đòi tự băng qua đường… bắt đầu xuất hiện… Những hành động này của trẻ xuất hiện dựa trên nguyện vọng độc lập và nhu cầu tự khẳng định của trẻ. Điều mà mỗi người chúng ta và đặc biệt các bậc cha mẹ sẽ thấy là trẻ không muốn phụ thuộc vào người lớn, trẻ muốn độc lập với người lớn, muốn làm theo ý mình, muốn thể hiện mình giỏi giang, mình đã là người lớn…  Thế nhưng vì thương yêu con trẻ, vì những thói quen chăm sóc con trẻ, vì những lo lắng cũng như những đánh giá về khả năng con trẻ chưa thể làm được việc này, việc khác cho nên nhiều bậc phụ huynh đã cấm đoán hoặc ngăn cản trẻ. Từ đây dễ dàng xuất hiện mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Trong khi trẻ muốn làm người lớn nhưng người lớn không cho phép hoặc ngăn cấm nên sự khủng hoảng bắt đầu xuất hiện.

vuichoiThế nhưng đó chỉ là góc nhìn đầu tiên vì ngay khi trẻ có nhu cầu trở thành người lớn nhưng chắc gì trẻ có thể làm được? Hẳn chúng ta cũng nhận thấy rằng việc trẻ đòi tự băng qua đường trong những tình huống như trên sẽ tạo cho trẻ những nguy hiểm nhất định. Không phải nhu cầu nào của chính trẻ cũng có thể thực hiện một cách dễ dàng và hiệu quả vì khả năng tự đánh giá của trẻ chỉ mới xuất hiện và có phần rất chủ quan, cảm tính trong khi đánh giá về chính mình. Ngay cả những nhu cầu khác như tự rót nước nóng, dùng dao cắt rau giúp mẹ, bật bếp ga… trẻ luôn cho rằng mình có thể làm được nhưng thực tế không thể là thế. Từ đó có những chuyện trẻ tự làm một cách lén lút hoặc đôi lúc người lớn để cho trẻ tự thực hiện và cuối cùng kết quả không như ý muốn thậm chí là thương tổn, trẻ sẽ bị khủng hoảng tâm lý. Nguyên nhân thứ hai ở đây đó chính là mâu thuẫn giữa những gì trẻ muốn làm với khả năng thực tế của trẻ. Trong khi trẻ muốn làm rất nhiều, trẻ mong ước mình sẽ độc lập nhưng trẻ chưa thể thực hiện được vì khả năng của trẻ còn hạn chế.

Không chỉ trường hợp của Tuấn mà còn rất nhiều trường hợp khác khi bước vào tuổi lên ba đều bị khủng hoảng tâm lý. Hiện tượng này được gọi là khủng hoảng tuổi lên ba. Khi trẻ bị khủng hoảng, những biểu hiện như căng thẳng, bực bội, khó chịu, đỏng đảnh ở trẻ bắt đầu uất hiện., Không những thế, trẻ rất cứng đầu và bắt đầu có những biểu hiện không nghe lời, chống đối với người lớn, làm ngược lại hay thậm chí hổn ẩu… đây là những biểu hiện rất đáng để người lớn lo lắng nhưng nếu nhận thấy rằng đây chỉ là những biểu hiện tạm thời và điều này xảy ra như một quy luật thì mỗi bậc cha mẹ có thể an tâm và kiên nhẫn, khéo léo tác động cũng như giáo dục trẻ. Không phải phụ huynh nào cũng có thể kiên nhẫn nhưng nếu mỗi phụ huynh đều nhận ra được quy luật tâm lý cũng như tinh tế tìm ra được biện pháp xử lý tình huống tạm thời cũng như giáo dục lâu dài thì chắc chắn trẻ sẽ vượt qua khủng hoảng một cách nhanh chóng…

Khi trẻ muốn tự băng qua đường, nhất thiết khó có thể chấp nhận việc thỏa mãn một cách dễ dàng nhu cầu này của trẻ. Thế nhưng càng cấm trẻ thì phản ứng của trẻ càng mãnh liệt cho nên không có gì khác hơn hãy tinh tế đổi vai với trẻ. Dựa trên nhu cầu làm người lớn, nhu cầu tự khẳng định của trẻ, các bậc cha mẹ sẽ thỏa mãn nhu cầu của trẻ bằng cách thừa nhận nhu cầu ấy để trẻ cảm thấy thoải mái và sung sướng. Sau đó, người lớn tình nguyện đổi vai để trẻ làm người lớn và người lớn sẽ tình nguyện làm con trẻ. “Con đã lớn, có thể tự qua đường được rồi phải không nào? Thế nhưng đường đông cho nên bố mẹ rất sợ. Con nắm tay dắt bố mẹ qua đường giúp nhé…!” Những trường hợp thông thường cho thấy sự kỳ diệu sẽ xảy ra và trẻ không bị dồn ép một cách quá mức vào những biểu hiện khủng hoảng quá căng thẳng…

giup-con-vuot-qua-giai-doan-khung-hoang-tuoi-len-3

Khủng hoảng tuổi lên ba xảy ra như một quy luật. Điều này cho thấy có khá nhiều trẻ em ở tuổi này đều có thể gặp những khủng hoảng nếu như những nguyên nhân cơ bản như trên xuất hiện. Vấn đề quan trọng ở đây là những khủng hoảng sẽ vượt qua nếu như khủng hoảng quá trầm trọng và quan hệ giữa cha mẹ và con cái không được giải quyết một cách ổn thỏa thì nhân cách của trẻ có thể bị những ảnh hưởng xấu. Chính những bậc cha mẹ phải thật tỉnh táo, tế nhị để nhận ra được quy luật của khủng hoảng nhằm tìm đến cách ứng xử phù hợp để tạo cho trẻ có những điều kiện tốt nhất để nhân cách phát triển toàn diện.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *