Giúp trẻ bị bạo hành: Chỉ từ thiện bằng tiền là chưa đủ!

Quá đau xót trước hình ảnh về những cô bé, cậu bé bị bạo hành như thời trung cổ, nhiều cá nhân hảo tâm đã gửi tiền ủng hộ, với mong muốn sẽ giúp cuộc sống của các em bớt khó khăn hơn.

Nhiều người khi biết tới các hoàn cảnh thương tâm trên mạng đã nhanh chóng gửi tiền từ thiện mà chưa tìm hiểu kỹ sự việc. Đa phần trong số những cá nhân hảo tâm, thường không nghĩ đến số tiền của mình có thể bị đưa nhầm người hoặc sử dụng sai mục đích, bởi khi đó mối quan tâm duy nhất của họ là sự đáng thương của những số phận bất hạnh.

Chính vì thế, đôi khi lòng tốt bị lợi dụng và vô tình trở thành nguyên nhân khiến cho nhiều sự việc tiêu cực xảy ra. Câu chuyện về sự giúp đỡ cậu bé Hào Anh là một bài học lớn. Chính sự việc này đã một lần nữa giúp những người làm từ thiện nhìn nhận sâu sắc hơn vấn đề: Nên chăng có một cá nhân hay tổ chức chủ trì việc giúp đỡ, sử dụng tài chính minh bạch, công khai và kiểm tra thường xuyên hiệu quả của lòng tốt mà chúng ta gửi gắm.

Từ sự việc cậu bé Hào Anh bị tra tấn

Năm 2010, dư luận được một phen rúng động khi nhìn thấy hình ảnh cậu bé Hào Anh (ấp Phú Hiệp, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) bị ngược đãi với thân thể nhằng nhịt các vết sẹo, có vết còn đang rỉ máu, gương mặt sưng húp, môi sứt, răng gãy…

Giúp đỡ trẻ bị bạo hành Từ thiện ồ ạt không giúp trẻ nên người

Khi sự việc bị phanh phui, Hào Anh được nhiều người không quen biết chăm sóc, quan tâm, góp tiền cho em với mong muốn em sẽ có cuộc sống tốt hơn. Với số tiền lớn hàng trăm triệu đồng, gia đình Hào Anh đã có những ngày tháng bớt phải lo toan, lao động khổ cực.

Thế nhưng, mới đây, Hào Anh đã ngược đãi, đẩy cha mẹ mình ra khỏi nhà, tiêu xài hoang phí tiền bạc. Dư luận lại một lần nữa phẫn nộ khi Hào Anh đã làm họ thất vọng, ai cũng nghĩ sau khi có được một khoản tiền lớn từ lòng thương cảm của mọi người, em phải biết quý trọng nâng niu. Nhưng trái lại, Hào Anh lại tiêu pha hoang phí, không chịu học hành, lao động, mà còn có hành vi bất hiếu với cha mẹ.

Giúp đỡ trẻ bị bạo hành Từ thiện ồ ạt không giúp trẻ nên người

Trong những ngày gần đây, vụ việc về bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) bị cha dượng là Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) và mẹ đẻ Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) đánh đập tàn nhẫn lại một lần nữa gây rúng động dư luận. Hình ảnh cô bé với gương mặt bầm tím vì đòn roi khiến nhiều người rơi nước mắt. Biết được hoàn cảnh đáng thương của cô bé, nhiều cá nhân hảo tâm đã gửi tiền giúp đỡ với mong muốn bé Kim Ngân sẽ được điều trị và chăm sóc tốt hơn.

Lòng tốt đi về đâu?

Trong một bài viết trước, chúng tôi đã đăng những chia sẻ, quan điểm của các thủ lĩnh tình nguyện về vấn đề: Từ thiện đúng cách: Trao cần câu hay con cá?. Những người thường xuyên tham hoạt động tình nguyện khẳng định: Việc trao cần câu hay con cá không phải là vấn đề quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả chính là việc chúng ta chỉ biết “cho đi tiền từ thiện” mà không hề biết “quan tâm đúng cách”.

Trở lại vụ bạo hành bé Hào Anh. Khi có một số tiền lớn, Hào Anh đã tiêu pha chóng vánh. Em có những hành động nông nổi như ngày hôm nay cũng một phần là trách nhiệm giáo dục của chính những người lớn. “Chúng ta hạn chế cho con cái mình tiền vì sợ con hư, nhưng chúng ta lại làm thế với chính cậu bé này, cho tiền tỉ, và không cần quan tâm cậu bé đó đã học hành ra sao. Mới mười mấy tuổi đầu đã có một tài khoản lớn, lại chẳng học hành gì, kỹ năng trong cuộc sống cũng không có, thử hỏi, đứa bé nào không hư? Tiền làm thay đổi ý thức của con người, nên về sau các nhà hảo tâm cũng nên đặt ra vấn đề hỗ trợ học nghề, học văn hóa chứ không chỉ cho tiền là xong”, chị Nguyễn Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Cũng không thể phủ nhận một lý do khác khiến Hào Anh hỗn láo với cha mẹ mình chính là diễn biến tâm lý giống như hoàn cảnh sống mà cậu bé đã trải qua. Em thiếu đi tình yêu thương, thiếu đi sự giáo dục và lại bước vào cuộc sống mưu sinh quá sớm. Khi bị hành hạ, đánh đập thì tâm lý, nhận thức của tuổi mới lớn cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Từ vụ việc của Hào Anh, nhiều người băn khoăn trong việc giúp đỡ bé Kim Ngân có cuộc sống tốt hơn. Khi sự việc còn chưa có hồi kết trong việc giành quyền nuôi cô bé, thì tiền từ thiện nhiều nơi đã gửi về. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra cho các cá nhân làm từ thiện, nên chăng cần có một người, một tổ chức đứng lên quản lý số tiền từ thiện,và không chỉ chăm lo cho đời sống vật chất của Kim Ngân, mà còn quan tâm, chăm lo cả đời sống tinh thần và giáo dục kỹ năng sống cho cô bé?

 “Không ai nghĩ tới việc chữa lành những vết thương tâm lý cho em, mà chỉ nghĩ tới việc ủng hộ, ủng hộ thật nhiều cho em có cuộc sống tốt hơn thì chỉ làm người khác có lối sống lệch lạc mà thôi. Điều cần thiết nhất với những đứa trẻ này chính là việc giáo dục, định hướng và được sống trong tình yêu thương của chính gia đình mình. Có như thế, các em mới nên người. Còn nếu chỉ biết cho tiền để chữa lành vết thương trong quá khứ, thì việc làm như vậy sớm muộn cũng nhận những hậu quả không hay cho chính những người chúng ta giúp đỡ”, anh Mạnh Hùng – một nhà hảo tâm cho biết.

An toàn vật chất, chưa chắc đã an toàn tinh thần

Giúp đỡ trẻ bị bạo hành Từ thiện ồ ạt không giúp trẻ nên người

Trao đổi về vấn đề này, PGS TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng bộ môn tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) bày tỏ quan điểm:Việc xã hội quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn và đáng thương cho thấy yếu tố cộng đồng và giá trị nhân văn của người Việt được tôn vinh. Tuy nhiên, tiền không phải tất cả và trao tiền cho người không may mắn, nhưng họ sẽ sử dụng ra sao? hệ lụy thế nào? là điều cần suy nghĩ…

Trước nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc từ thiện ồ ạt, không có chiến lược cụ thể biết đâu sẽ biến bé Kim Ngân thành một Hào Anh thứ hai, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho hay: “Xã hội quan tâm bằng vật chất là điều làm không sai, không có lỗi, nhưng rõ ràng sự bù đắp này là không đủ, bởi những tổn thương trong tâm hồn của em vẫn chưa “lành lặn” hoàn toàn. Tôi nghĩ rằng, xã hội đã cho em một cuộc đời mới về vật chất nhưng có an toàn về tinh thần? Hay đó là hệ lụy của chuyện từ thiện giúp bé Kim Ngân: Ai sẽ giữ tiền, ai sẽ xài tiền, ai sẽ làm gì với số tiền đó? Tâm lý của nhiều em nhỏ lúc đó sẽ luôn suy nghĩ mình là người thiệt thòi, cần sự bù đắp có thể sẽ khiến các em thiếu sự phấn đấu, nỗ lực. Và chưa kể tới việc giám sát, quan tâm của xã hội tới những sự thay đổi của cá nhân các em chưa được chặt chẽ”.

Chính vì thế, trước mỗi sự việc, việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như thế nào cho đúng, để chính số tiền của các nhà hảo tâm không hại chính người được giúp đỡ được đặt ra. “Theo tôi, cần có những cá nhân hay tổ chức quan tâm cụ thể hơn, sát sườn hơn hoặc có những chiến lược cụ thể. Mô hình dự án trong những trường hợp này là cần thiết. Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức đoàn thể, các cá nhân có chuyên môn và có tấm lòng cần có những sách lược cụ thể, hệ thống để giải quyết thấu đáo thay vì nửa vời hoặc lệch pha trong sự hỗ trợ tinh thần với những trường hợp cần sự chung sức, chung lòng, chung tay của cộng đồng như thế này!”, Tiến sỹ Huỳnh Văn Sơn nói.     

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *