Bạn đã thực sự dành đủ thời gian cho gia đình? Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản ấy rất có thể sẽ gây khó khăn cho nhiều người bởi áp lực công việc và cuộc sống hiện đại đã chiếm phần lớn thời gian trong một ngày của họ…
Chơi cùng con sẽ giúp xóa dần khoảng cách hai thế hệ
Kết quả khảo sát của một tờ báo tại Việt Nam thực hiện trong tháng 3 vừa qua đã chỉ ra rằng có đến gần 87% trong số 38.362 độc giả không dành đủ thời gian cho gia đình, đặc biệt tới gần 57% chỉ dành dưới 20 phút mỗi ngày. Còn với câu hỏi về thời gian cho bữa ăn gia đình, trong 22.848 độc giả tham gia khảo sát, hơn 87% dành thời gian ăn tối với gia đình ít hơn 3 buổi/tuần, đáng chú ý là có tới 60% cho biết họ ăn tối với gia đình duy nhất 1 lần/tuần (*).
Bao nhiêu thời gian cho gia đình mới đủ?
Nói về kết quả khảo sát, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định đây thực sự là một con số đáng báo động. Vì theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, để gia đình gắn kết bền chặt, ít nhất các thành viên phải dành 1 giờ mỗi ngày cho các hoạt động chung của gia đình. “Dĩ nhiên đó phải là 1 giờ chất lượng, toàn tâm toàn ý dành cho gia đình chứ không phải tổng thời gian các thành viên “hiện diện” bên nhau miễn cưỡng.
Vì nếu chỉ hiện diện mà không có sự chia sẻ gắn kết thực sự, thì thậm chí 3 giờ bên nhau cũng không bằng 1 giờ cả ông bà, cha mẹ và con cái vui chơi trò chuyện thân mật với nhau”. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích. Cũng theo ông, với những gia đình bận rộn, không nhất thiết phải dành liên tục 1 giờ cho nhau mà có thể chia ra thành nhiều khoảng thời gian ngắn hơn như 20 phút cho mỗi hoạt động trong ngày. Mức độ gắn kết – Thước đo hạnh phúc gia đình
Thực tế cho thấy rằng nhiều người thậm chí còn không biết hoặc biết rất ít về công việc của vợ/chồng và suy nghĩ của con cái. Sống trong một gia đình, nếu mỗi người việc ai người ấy làm thì sự gắn kết gia đình liệu có còn bền chặt và thật sự hạnh phúc? “Bạn không thể xây dựng gia đình đơn giản với máy tính bảng, chiếc điện thoại cho con giải khuây khi rảnh rỗi và việc mua ít thuốc bổ gửi về cho ông bà mà thiếu đi sự quan tâm lẫn nhau” – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thẳng thắn.
Bất cứ gia đình nào cũng cần có một nền tảng vững chắc để xây dựng hạnh phúc lâu bền, ngoài truyền thống gia đình, đó là sự gắn kết giữa các thành viên với nhau. Mức độ gắn kết gia đình luôn được các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Hà Lan sử dụng để đánh giá mức độ hạnh phúc của các gia đình. Sự gắn kết gia đình được tạo nên từ những hoạt động thường ngày như cùng nhau nấu ăn, đọn dẹp nhà cửa, chơi thể thao hay trò chuyện cởi mở về một vấn đề nào đó…Sự gắn kết là nền tảng xây dựng hạnh phúc lâu bềnHãy nhích dần khoảng cách trong gia đình bạn!
Những hoạt động gắn kết nói trên tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ nhích gần khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình sau một ngày dài không gặp. 20 phút hoạt động ngoài trời mỗi dịp cuối tuần sẽ giúp trẻ tăng cường sự dẻo dai, hoạt bát và giải tỏa căng thẳng học hành. Đừng để trẻ tự chơi một mình, hãy tham gia chơi cùng con để hiểu rõ hơn tính cách và suy nghĩ của con, từ đó xóa dần khoảng cách giữa hai thế hệ.
Cũng đừng để bố mẹ của bạn trải qua những ngày tháng nghỉ hưu không có con cháu bên cạnh. 20 phút trò chuyện tâm tình mỗi ngày dù trực tiếp hay qua điện thoại, Skype,… của cả 3 thế hệ sẽ là khoảnh khắc tuyệt vời nhất làm nên sự gắn kết bền chặt và giúp con cái bạn nhận thức được nền tảng giáo dục từ gia đình, góp phần quan trọng hình thành nhân cách của chúng. Thậm chí với hoạt động tưởng chừng đơn giản nhất là 20 phút cùng nhau ăn sáng và uống sữa mỗi ngày, nếu biết khéo léo sắp xếp cũng sẽ trở thành thời gian quý giá để cả gia đình tận hưởng cảm giác bên nhau
“Dù công việc bộn bề nhưng mỗi thành viên luôn cần ý thức việc dành thời gian cho nhau để cuộc sống gia đình không mất đi ý nghĩa và giá trị. Đừng chờ đợi thời điểm hoàn hảo để gắn kết gia đình, hãy tạo ra những khoảnh khắc đó, dù ngắn ngủi nhưng nếu được dành trọn vẹn tình yêu thương thì cũng sẽ mang lại những giá trị gắn kết vô cùng to lớn”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn kết luận.
Nếu không thực sự chắc chắn về tình trạng gắn kết của gia đình mình, hãy thử tham gia bài trắc nghiệm “đo” chỉ số gắn kết gia đình tại đây. Bài trắc nghiệm tâm lý với 10 câu hỏi đơn giản được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn tư vấn thực hiện sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra liệu có hoạt động nào cần thiết cho sự gắn kết gia đình nhưng đã vô tình bị lãng quên trong mái ấm của mình.