HÌNH THÀNH Ở TRẺ TÍNH TỰ LẬP

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một người có tính tự lập luôn cảm thấy mình có đủ khả năng đối mặt với mọi khó khăn của cuộc sống. Người tự lập luôn tìm cách giải quyết vấn đề cũng như luôn làm chủ được cuộc sống của mình. Lẽ đương nhiên, người tự lập sẽ vươn xa hơn trong cuộc sống tương lai. Hình thành ở trẻ tính tự lập ngay còn nhỏ là một yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển và sự trưởng thành ở trẻ.

Yếu tố tạo nên tính tự lập ở mỗi cá nhân là khả năng tin tưởng vào những đánh giá của bản thân cũng như khả năng tự vạch ra một con đường đi cho mình mà không cần lúc nào cũng nhờ đến sự chỉ bảo, hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Có được kỹ năng này là một điều tuyệt vời, bởi nó sẽ giúp trẻ hạnh phúc hơn cũng như thu hút được sự chú ý của mọi người xung quanh, từ đó khuyến khích và tạo ra những cơ hội để trẻ thể hiện bản thân. Những đứa trẻ sớm được cha mẹ giáo dục tính tự lập từ nhỏ thì nhanh nhẹn và hoạt bát nổi trội hơn hẳn so với những trẻ khác. Khuyến khích trẻ thể hiện sự tự tin, cần tạo cho trẻ cơ hội phát huy bản thân cũng như tin tưởng vào khả năng phán đoán của mình để trở nên độc lập hơn.

Các bậc phụ huynh thường không muốn con mình phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm khi trẻ chưa thực sự sẵn sàng, người lớn thường tiếp tục làm mọi việc giúp trẻ như thường lệ mà ít nhận ra rằng con trẻ đã đủ khéo léo, có các kỹ năng phù hợp và đủ tự tin để tự bắt tay vào công việc nào đó. Để hình thành ở con trẻ tính tự lập, phụ huynh cần tin tưởng con, động viên và khuyến khích trẻ làm những công việc trong khả năng đã có thể đáp ứng. Nếu người lớn quá kiểm soát trẻ hay để trẻ phụ thuộc quá lâu thì con trẻ sẽ bám riết lấy người lớn, chúng có thể trở thành những đứa trẻ lười biếng và mọi việc đối với trẻ đều trở nên khó khăn.

Tuỳ theo mỗi giai đoạn lứa tuổi khác nhau, ba mẹ tạo cơ hội vào giao những nhiệm vụ vừa sức thông qua những hành vi, việc làm cụ thể để dần dần trẻ có thể tự kiểm soát chính mình. Trên thực tế, tính tự lập của trẻ sẽ hình thành khi chúng có cơ hội suy nghĩ, cảm nhận và hành động cho chính mình. Vì lẽ đó, việc khuyến khích trẻ tự phục vụ bản thân, tự làm những việc tự chăm sóc bản thân qua những hành động cụ thể như tự xúc ăn, tự mặc quần áo, tự đánh răng, đi vệ sinh, tự cầm vé của mình… Khi trẻ có mong muốn làm những việc phức tạp hơn như lau nhà, nhặt rau, tưới cây, rót nước… bố mẹ cũng đừng ngăn cản, hãy khen ngợi và khuyến khích trẻ làm. Có thể trẻ sẽ làm vỡ, hư hỏng một số thứ, nhưng đó là cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm giúp trẻ học hỏi và phát triển.

Tôn trọng trẻ để thúc đẩy tính tự lập ở trẻ qua việc hỏi ý kiến trẻ về các vấn đề lặt vặt trong gia đình như “chúng ta nên trưng bình hoa này ở đâu?” và cũng nên dành cho trẻ một mức độ tự do phù hợp theo độ tuổi như việc tự lựa chọn trang phục cho bản thân. Trẻ có thể chọn một chiếc áo len mặc giữa trời nóng nhưng không sao cả, hãy để cho trẻ tự trải nghiệm và tự đúc kết. Phụ huynh đừng nên thúc ép hay yêu cầu trẻ phải làm mọi điều theo cách mà người lớn thường làm, hãy để trẻ làm theo suy nghĩ để trẻ tự nhận ra điều không phù hợp điều chỉnh vào những lần sau hoặc có thể người lớn sẽ góp ý khi nhận thấy trẻ làm sai, cả hai đều phù hợp. Điều quan trọng ở đây là để trẻ biết rằng chúng luôn nhận được sự giúp đỡ mỗi khi cần, chính việc đón nhận và thực hiện các cơ hội được tạo ra sẽ cho trẻ có cảm giác mình lớn hơn.

Phụ huynh nên thưởng cho trẻ những lời tán dương, khen thưởng, đừng xem thường hay chê trách trẻ khi không thể hoàn thành một công việc nào đó. Khen thưởng không chỉ nhằm vào những việc con đã hoàn thành một cách xuất sắc mà khen thưởng còn vào chính những nỗ lực mà trẻ đã thực hiện. Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó phụ huynh cần khiến trẻ phải chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao nếu không trẻ sẽ có ý nghĩ là người lớn chưa thật sự tin tưởng trẻ. Quan trọng là hãy khen ngợi những việc trẻ đã làm rất tốt trước khi chi ra một số điều để trẻ rút kinh nghiệm ở những lần sau.

Tính tự lâp là một trong những đức tính quý báu của con người. Hình thành tính tự lâp ở trẻ giúp trẻ có sự tự tin trong cuộc sống, biết cách chăm sóc bản thân phát triển các kỹ năng xã hội, là tiền đề giúp trẻ biết cách vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống sau này. Phụ huynh hãy tạo nhưng cơ hội và nhiệm vụ, tạo ra một chút tự do nhưng phù hợp với giai đoạn phát triển để khích lệ được tính tự lập ở trẻ ngay từ ấu thơ.

PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *