Cặp đôi nào cũng có những vấn đề, nhưng tại sao nhiều người có thể ở với nhau hạnh phúc trọn đời. Đó là vì họ biết những bí quyết giao tiếp.
Hôm nay cô nhờ anh đến đón cô ở công ty để đi tiệc. Nhưng giờ hẹn đã qua từ lâu, cô chờ mãi, chờ mãi mà anh chưa tới. Cô gọi điện không thấy anh bắt máy, nhắn tin không thấy anh trả lời. Một tiếng sau, khi cơn bực bội trong lòng cô đã lên đến đỉnh điểm, anh mới từ từ xuất hiện. Đây là lần thứ 2 trong tuần anh đến trễ.
Cô sẽ hỏi ngay: “Sao anh hẹn mà tới trễ vậy?”
Anh gãi đầu gãi tai giải thích, toàn những lý do không ăn nhập, cô biết anh chỉ mải bận việc mà quên mất giờ hẹn.
Cô bực bội nói: “Sao lúc nào cũng tới trễ vì những lý do kỳ cục thế?”
Lời qua lời lại, cuối cùng anh nói: “Sao em không bao giờ nghĩ đến vấn đề của anh vậy?”
Câu nói của anh khiến cô giận càng thêm giận, và cuối cùng hoặc cả hai sẽ đến bữa tiệc với bộ mặt đưa đám, hoặc ai về nhà nấy.
Trong trường hợp trên, cặp đôi phải xử lý như thế nào để cuộc đối thoại không trở nên căng thẳng? Hãy cùng học cách giao tiếp khi nóng giận với 2 bí quyết giao tiếp sau:
Bí quyết giao tiếp số 1: Tránh sự quy chụp
Câu chuyện kể trên chỉ là một ví dụ mà rất nhiều cặp đôi thường gặp phải. Ai cũng có những khuyết điểm, những thói quen xấu và ngay cả khi họ đã có ý thức phải thay đổi, điều ấy cũng cần có thời gian. Khoảng thời gian ấy lại cần sự tập trung, vì quán tính của thói quen xấu, của áp lực cuộc sống, của những bận bịu khác khiến chuyện thay đổi không hề dễ dàng. Và thế là lỗi lầm có thể bị lặp đi lặp lại hơn hai lần, gây ra không ít sự bực bội.
Tuy nhiên, sự không hài lòng không cần thiết phải gây ra tranh cãi. Chỉ là người ta thường đi đến tranh cãi khi nói về những khiếm khuyết của nhau, bởi vì khi đó, cả giận mất khôn, người ta sẽ thường tuôn ra những lời quy chụp:
“Anh chỉ biết làm những điều anh thích”
“Anh thì lúc nào cũng chỉ biết đến mỗi mình”
“Tại sao anh không bao giờ thay đổi”
Vậy là từ một hành động lỗi lầm, chúng ta đã phán xét cả một con người. Và đó là khi cuộc tranh cãi nổ ra, không phải nhằm mục đích giúp người kia thay đổi theo chiều hướng tích cực, mà chỉ để hai bên xả sự giận dữ vào nhau và khẳng định mình không tồi tệ đến thế. Các cặp đôi chia tay vì khác biệt trong chí hướng thì ít mà những cuộc tranh cãi vặt vãnh thì nhiều. Thế nên, điều quan trọng nhất khi góp ý, bày tỏ sự không hài lòng phải cần tránh sự quy chụp.
Bí quyết giao tiếp số 2: Phê bình bắt đầu từ lời khen
Chúng ta chọn yêu một ai đó chắc chắn phải vì họ làm ta cảm thấy hạnh phúc, vì họ tốt ở nhiều điểm. Nếu bạn còn muốn họ thay đổi, nghĩa là các khuyết điểm của họ chưa đến mức bạn phải bước ra đi ngay lập tức. Thế nên, tại sao chúng ta không bắt đầu từ việc khen ngợi và cảm ơn những điều họ đã làm tốt, đã vì mình. Ví dụ, người con trai trong câu chuyện kể trên đã đến trễ, nhưng cô gái thay vì ngay lập tức hờn trách và chất vấn anh, có thể bắt đầu bằng:
“Cảm ơn anh đã đến đón em. Em lo cho anh quá. Chắc anh bận lắm nên mới đến trễ như vậy”.
Có thể anh sẽ không bao giờ nói ra lý do thực sự anh đến trễ, nhưng anh sẽ hiểu rằng việc anh đến trễ có ảnh hưởng như thế nào đến bạn. Những sự góp ý tiếp theo có thể đến khi hai người đang có tâm trạng tốt hoặc bình thản, và cũng bắt đầu bằng những cử chỉ âu yếm trước.
Tất nhiên, nói thì dễ, làm thì khó. Khi cơn nóng giận đã lên, việc cân nhắc lời nói chẳng phải dễ dàng. Vì vậy, hãy bắt đầu thay đổi việc giao tiếp bằng cách thay đổi chính bạn. Mỗi khi người kia làm bạn buồn, giận, hãy hít vài hơi thở sâu và nghĩ lại những cử chỉ của anh làm bạn vui, hạnh phúc. Xét cho cùng, nếu chúng ta đã chọn nhau, chúng ta cũng phải học cách chấp nhận và kiên nhẫn với nhau, phải không nào?