Hướng nghiệp – Khi chưa “Yêu” – Đừng vội cưới

Có thể nói trong cuộc đời của mỗi con người, việc định hướng nghề nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Chọn nghề không chỉ là tra cứu những thông tin trên quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học và cao đẳng” hay chỉ hỏi han bạn bè và thầy cô hoặc thậm chí là nghe ngóng nghề nào đang hấp dẫn, lương cao, có cơ hội thăng tiến để rồi chọn cho mình một cuộc sống. Điều đó sẽ là những sai lầm đáng tiếc và thực sự lãng phí…

THỰC TẾ CHƯA YÊU

Không ít bạn trẻ ngày nay có quan tâm đến cuộc đời của mình mà chưa quan tâm thỏa đáng nếu như không muốn kết luận rằng chưa quan tâm đến cuộc sống của mình. Trong chặng đường phát triển của đời người, không ít bạn trẻ cứ cắm cúi cuối đi mà chẳng nhìn phía trước để dò đường hay tìm cho mình một lối đi thông minh, phù hợp. Nếu như đã biết quan tâm đến hình thức, nếu như quan tâm đến người khác thì cớ sao lại không quan tâm chính bản thân mình?

Kết quả khảo sát nhanh trên hơn 800 học sinh khối 12 ở các trường THPT tại Tỉnh Bình Dương trong đề tài nghiên cứu: “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông” trong năm học 2010 – 2011 do tác giả làm chủ nhiệm cho thấy có hơn 65 % học sinh vẫn chưa thực sự có tình cảm với bất kỳ công việc nào mình dự định sẽ làm. Đây là một kết quả cực kỳ đáng để trăn trở vì điều đó cho thấy hai vấn đề: thứ nhất – học sinh vẫn chưa thực sự quan tâm đến cuộc đời của chính mình, thứ hai học sinh chưa thực sự có những tình cảm – dù chỉ mới là chớm nở với một công việc nào đó. Kết quả này không quá bất ngờ nhưng rõ ràng nhiều bạn học sinh vẫn còn lửng lơ theo kiểu “mon men” với tình yêu nghề nghiệp thì sao có được một tình yêu nồng ấm và trọn vẹn…

Chưa yêu hay chưa biết yêu – không chỉ xảy ra ở những học sinh đang chuẩn bị vào ngưỡng cửa Đại học hay những học sinh chuẩn bị cầm bút điền vào hồ sơ đăng ký dự thi những thông tin cần thiết để “gửi gắm” cuộc đời mình theo một hướng đi nào đó. Hàng năm – thống kê sơ bộ ở nhiều Trường Đại học cho thấy có đến gần 10% sinh viên năm nhất bỏ học giữa chừng mà không rõ lý do. Trong số đó không ít sinh viên đã hiểu mình yêu nhầm … trong số đó. Rồi chưa kể có khá nhiều sinh viên cũng bắt đầu từ bỏ người yêu mình đã theo đuổi miệt mài bốn năm để chọn cho mình một người yêu mới son trẻ hơn, sắc sảo hơn và hợp nhãn hơn dẫu chưa chắc là mình đã có thể hòa hợp cùng với người yêu đó. Những biểu hiện ấy minh chứng cho một thực tế là chưa “biết yêu” nghề của các bạn trẻ hôm nay…

CHƯA YÊU THÌ ĐỪNG VỘI “CƯỚI”

Có thể nói không ngoa rằng chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một cuộc sống, một tương lai, một số phận. Nói ví von theo kiểu nói của tình yêu thì chọn nghề nghĩa là chọn cho mình một người chồng – người vợ. Nếu bạn chọn nghiêm túc và hợp lý, chắc chắn sẽ hạnh phúc và cuộc hôn nhân sẽ mỹ mãn, nếu bạn chọn sai lầm thì cái giá phải trả sẽ hết sức nặng nề… Đó là thời gian, công sức, tiền của và nhiều cái giá vô hình khó có thể định lượng và thậm chí định tính được.

Không thể phủ nhận rằng chọn nghề vẫn bắt đầu bằng một sự yêu thích nào đó liên quan đến công việc mình sẽ thực hiện. Thực tế vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nếu mình chưa gắn bó sao mình sẽ yêu thích, nếu chưa thực hiện sao biết đấy là nghề mình thực sự yêu quý… Tuy nhiên, cái yêu ở đây chưa chắn chắn là tình cảm mà nó bắt đầu bằng những xúc cảm của sự yêu thích, những rung cảm ban đầu của sự quan tâm và thậm chí là những rung cảm rất giản dị và tươi mới của sự  đam mê…

Nhận diện tình yêu với nghề không quá khó. Bạn cảm nhận rằng mình đã từng thành công trong một thao tác nào đó dẫu là giản đơn, bạn cảm nhận rằng mình sẽ rất tự tin để thực hiện một công đoạn này khác trong công việc, bạn cảm thấy mình rất thích thú với một nhiệm vụ của một cá nhân mà mình tình cờ ngưỡng mộ hay chỉ thậm chí là quen biết, bạn từng nhận được những lời khen khi bạn cống hiến một đóng góp rất nhỏ liên quan đến một công việc được giao… Tất cả những điều đó là những biểu hiện rất dễ nhận thấy của một tình yêu rất sơ khai mang tính định hướng ban đầu. Đừng bỏ qua cơ hội tìm hiểu, đừng bỏ qua cơ hội thăm dò, tấn công và chinh phục để hướng đến đam mê… Đó là lúc sở thích của bạn – tình cảm ban đầu của bạn với nghề nghiệp sẽ trở thành động lực để bạn tìm hiểu về nghề, thử nghiệm những thao tác nghề dẫu chỉ ở mức độ quan sát cũng như bạn chuẩn bị xem xét khả năng của mình để đưa ra những cân nhắc cần thiết…

Tình yêu rất cần để đi đến một cuộc kết hợp hoàn hảo. Chọn nghề vẫn phải bắt đầu từ những xúc cảm ban đầu hay những tình cảm ban đầu của bạn. Bạn đừng quên lắng nghe tiếng lòng mình vì ở đó có những xúc cảm đang cháy bỏng, có những rung động đang rất khát khao và thậm chí là những tiếng động rất ngọt ngào nhưng mang sức mạnh của nghị lực và sự phấn đấu. Bạn sẽ cảm nhận rằng mình đang sống thực sự khi bạn biết yêu và điều đó có nghĩa bạn đang sống rất có nghĩa khi chọn cho mình một nghề nghiệp gắn với đam mê – gắn với sở thích của chính mình.

Yêu và cưới luôn là hai vế của một bài toán khó nhưng chắc chắn không thể phủ nhận rằng tình yêu là điều kiện ban đầu để có cuộc hôn nhân. Cớ sao bạn chấp nhận cho mình một  cuộc hôn nhân khi chính bạn chưa yêu. Hãy lắng nghe lòng mình trước đã chứ đừng bị ảnh hưởng bởi màu sắc của những yếu tố bên ngoài hình thức của một cô gái đẹp. Cũng đừng vội bị ám thị bởi vị trí xã hội của người ấy hay trang sức người ấy đeo mà đắm đuối hay nghô nghê nhắm mắt… Tiếng lòng của bạn là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để bạn bắt đầu một tình yêu mãnh liệt với nghề nghiệp, với cuộc sống tương lai của bạn là như thế.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *