Khen con (Ảnh minh họa)
Khen tặng không phải là một hành động ban phát nhưng nó là một sản phẩm tinh thần thực sự có giá trị. Nó sẽ đem đến những động cơ bất tận cho bất kỳ người nào đang tương tác với người khác. Khen con cái là một yêu cầu không thể thiếu được trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục con. Tuy vậy, các bậc phụ huynh phải biết nỗ lực một cách có ý thức để khen ngợi con mình nhằm đảm bảo những yêu cầu giáo dục.
Chị Phượng – Hiệu trưởng của một trường Trung học phổ thông trọng điểm chia sẻ với chuyên gia tham vấn: Con chị thực sự không tự tin mà cứ luôn “thủ thế”. Nhiều vấn đề, cháu có thể có khả năng nhưng vì sao cháu không bao giờ dám thể hiện… Chị trăn trở và cần một lời chia sẻ… Chỉ với một câu hỏi duy nhất cũng có thể làm cho chị suy nghĩ khôn nguôi: “Chị có hay khen con mình không?”. Thực tế cho thấy không ít bậc phụ huynh quên bẵng trách nhiệm động viên của mình với con. Cha mẹ cần tặng thưởng cho trẻ dù là những nỗ lực nhỏ nhất và những lời khen ngợi càng cụ thể càng tốt.
Lẽ dĩ nhiên, khen trẻ không hẳn chỉ là những lời nói mang tính trả bài hay thần chú quen thuộc. Thử suy nghĩ xem giữa câu nói “Giỏi lắm con!”, với câu nói “Con giỏi lắm vì đã giúp mẹ trông em” điều nào sẽ đem lại những hiệu ứng bất ngờ hơn? Thậm chí những lời cảm ơn của phụ huynh dành cho trẻ cũng có thể đó là một sự khen ngợi mà ít phụ huynh nào làm được điều này. Cảm ơn con vì đã xin phép mẹ đi chơi, cảm ơn con vì hôm nay không làm ồn khi bố làm việc. Hãy nói với con rằng bạn đã thấy ấn tượng như thế nào về những hành vi đó. Khen ngợi những việc trẻ làm luôn có tác dụng tích cực hơn nhiều so với việc khen ngợi chính bản thân trẻ. Khen hành vi sẽ cho trẻ nhìn nhận và đánh giá được hành vi tích cực mà bản thân đã thể hiện và sẽ cố gắng có những hành vi phù hợp tương xứng với những lời đã được khen. Điều này sẽ trở thành một sức mạnh đặc biệt là thế. Nó không chỉ giúp trẻ vui vẻ, tích cực mà phấn đấu và phấn đấu để hoàn thiện chính mình.
Khen trẻ rất cần nhưng nghệ thuật của sự khen ngợi cần phải có sự tham gia của ý thức hay nói khác đi là sự tỉnh táo. Khen phải khách quan, phải có chứng cứ hay biểu hiện cụ thể. Khen trẻ nhưng không “làm quá” hay “tô hồng” mọi thứ. Khen nhưng không được phép làm trẻ chủ quan với những câu như: con là số một, ai mà được như con, con là đỉnh nhất, con không đối thủ… Những lời khen ấy không chỉ là ngợi ca không điểm tựa mà còn làm cho trẻ “đứt dây” của sự tự đánh giá bản thân mình…
Khen con cái vừa là một hành vi động viên, vừa là một tác động giáo dục. Mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ như thế nào một phần quan trọng phụ thuộc vào sự tinh tế này của cha mẹ. Những nỗ lực chăm sóc về dinh dưỡng, vật chất hay học hành rất cần nhưng vẫn chưa đủ. Cần chú ý những tác động sâu sắc đến đời sống tâm hồn của trẻ và sự khen ngợi là một trong những yêu cầu quan trọng.
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN