Không nên đuổi học những học sinh trong vấn nạn “bạo lực học đường“

Bạo lực học đường luôn là nỗi lo lắng cho phụ huynh và đối với học sinh đây còn là những “vết thương” không bao giờ xóa nhòa được trong ký ức của các em.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam chia sẻ những vấn đề xung quanh việc bạo lực học đường và những giải pháp thiết thực để hạn chế tình trạng nhức nhối đó.

Bạo lực học đường là câu chuyện không mới, nhưng chưa bao giờ hết nhức nhối bởi hễ được phát tán là dư luận lại dậy sóng. Thưa ông, vì sao có hiện tượng bạo lực học đường và hiện tượng này ngày càng trẻ hóa, thậm chí ngày càng nhiều ở nữ giới?

Thông thường nhắc đến bạo lực học đường, nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là chuyện đánh nhau giữa học sinh và học sinh nhưng thực tế không chỉ là như thế mà diễn tiến của nó hết sức phức tạp.

Trước hết, không thể phủ nhận việc học trò đánh nhau là biểu hiện khá cơ bản của bạo lực học đường. Chỉ cần tranh cãi nhau một chút cũng đánh nhau, chỉ cần mâu thuẫn về hình ảnh cũng có thể đánh nhau, chỉ cần tranh luận về thần tượng hoặc hai nhóm chơi đối lập cũng đánh nhau. Từ rất lậu, việc đánh người khi kết luận rằng người ấy “nhìn đểu” thường bị quy gán rằng đó là kiểu hành ứng xử của những người không có trình độ hay vũ phu nhưng học sinh ngày nay cũng thế. Bao luc hoc duongTiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

Không chỉ học sinh nam mà con học sinh nữ cũng bạo lực – bào hành. Các học sinh nữ vốn dĩ nhẹ nhàng và uyển chuyển trong chiếc áo dài hay xinh xắn trong chiếc váy đồng phục cũng sẵn sàng cột áo dài lại hay thắt chặt chiếc váy và dây quàng đeo để … sẵn sàng đánh bạn. Những hành động ấy không diển ra ở đâu xa mà diễn ra ngay trên đường phố, công viên và thậm chí là cạnh cửa trường học. Không chỉ lăng nhục bằng lời hay đấu võ mồm mà đã có những hành động bạo tay và thậm chí để lại hậu quả chết người… Không những độc lập tác chiến mà không ít bạn nữ đã mượn tay của đồng đội để cùng tham gia hợp tác theo kiểu đánh hội đồng. Cũng không hẳn chỉ là phe cài tóc “xử” nhau mà có luôn cả sự tham gia của một số “đại ca tôm” cũng không thương hoa – tiếc ngọc. Vấn đề bạo lực học đường trở thành vấn nạn là như thế…

Vì sao hiện tượng này ngày càng gia tăng? Những vụ bạo lực học đường diễn ra công khai, đông học sinh nhưng không có ai ngăn cản, là các em sợ sệt hay các em vô cảm? Thưa ông?

Giữa cái sáng và cái tối trong bức tranh của bạo lực học đường hôm nay xem chừng màu đen có vẻ lấn át nếu như không muốn nói rằng thật sự khó có thể có cái nhìn lạc quan cho vấn đề này. Không thể không chạm đến những nguyên nhân của nó.

Thứ nhất, chính các em nhận ra mình đang bị dồn nén, chính các em có nhiều điều muốn nói nhưng cũng không biết phải giải tỏa như thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi xa lạ. Đánh nhau để khẳng định mình, đánh nhau để giải tỏa tâm lý, đánh nhau vì những mâu thuẫn không được giải quyết, đánh nhau để dằn mặt đối tượng, đánh nhau để gây scandal…

Thứ hai, không thể phủ nhận rằng xã hội đang tồn tại những vết “đen” ấy. Nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội? Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người còn bị xem nhẹ; chuyện chỉ dồn ép để học tập vẫn được đặt để như một yêu cầu tối quan trọng.

Thứ ba, nếu cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên thì bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa? Nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền thế là cứ làm – cứ ăn, cứ ra – cứ vào và cũng bạo lực như ai thì thử hỏi sao mọi chuyện có thể được giải quyết.

Thứ tư, cũng không thể bỏ qua nguyên nhân từ phía xã hội khi có quá nhiều điều cần suy gẫm xoay quanh chuyện môi trường lớn của sự phát triển nhân cách.

Thưa ông, tâm lý, sức khỏe, nhận thức… của những học sinh từng bị bạo lực học đường sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tương lai?

Không dễ dự báo được hành vi của cá nhân học sinh trong những trường hợp này. Nhưng có thể có hai dạng phản ứng xúc cảm có thể nảy sinh: thứ nhất, phản ứng xúc cảm thụ động là không làm gì mà chỉ chờ cho nó qua đi, sự phản ứng xúc cảm thụ động này lâu dài có thể làm cho cảm xúc bị chai sạn, khô khan. Thứ hai, sự thay đổi cảm xúc trở nên rõ nét hơn , phát sinh những cảm xúc tiêu cực điển hình như: dễ bị kích thích (bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh), lo sợ, bất an, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường, … Chính những phản ứng xúc cảm này làm cho mối quan hệ với những người xung quanh trở nên khó khăn nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với mình… Hậu quả này hay hệ lụy này không hẳn là sự võ đoán… Cũng không phải là sự phân tích thiếu luận chứng nhưng đó là những nguy cơ có thể xảy ra…

Chúng ta đang rất băn khoăn trong việc áp dụng hình phạt đối với những học sinh ưa bạo lực, đánh hội đồng bạn bè trong trường. Theo ông, chúng ta nên áp dụng hình thức xử lý thế nào để vừa có tác dụng răn đe,  vừa giáo dục ý thức cũng như hướng các em về con đường đúng đắn  trong tương lai mà không gây sốc, triệt tiêu con đường phía trước của các em?

Phải có một sự xử phạt nghiêm khắc và đồng bộ diễn ra… Xử phạt này không phải đối với những bạn đã bạo hành em mà đối với những người mang danh bảo vệ học sinh trong môi trường học đường đã không hoàn thành… Những thầy cô giáo cần bù đắp cho học sinh bị bạo hành lòng tự trọng, sự tổn thương và sự an toàn bằng lời xin lỗi… Còn học sinh bạo lục, cũng chẳng cần phải đuổi học nhưng cần các bạn nhận ra rằng đó là một hành vi được xử lý một cách thích đáng và hành vi ấy phải được phản ứng một cách kịch liệt. Đó là kiểu hành vi không cho phép vì nó thiếu nhân văn, thiếu tình người… Còn những học sinh chứng kiến bạo lực mà không có phản ứng gì cũng cần được truy đến cùng kể cả người tải các clip lên các trang mạng xã hội, để nhận ra rằng đó là một thái độ vô cảm, một hành vi vô trách nhiệm cần được lên án, phê phán… Có như thế việc giải quyết tận gốc rễ hành vi này đã được giải quyết một cách tương đối… Bao luc hoc duongViệc buộc thôi học các học sinh đánh bạn có nguy cơ dẫn các em học sinh đó vào các con đường tệ nạn xã hội

Giải pháp nào cho những học sinh bị bạo lực học đường vượt qua nỗi sợ trả thù để tố cáo hành vi bạo lực đến với thầy cô, phụ huynh?

Khi các em bị bạo lực, thầy cô ở đâu? Đây là câu hỏi tôi đặt ra cho vấn đề này và làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Rõ ràng là chỉ cần thầy cô quan tâm, hỏi han, đón các em vào lòng, sẻ chia, các em sẽ nói ngay chứ sao các em phải giấu ?

Thái độ của các nhà quản lý và thầy cô đối với hành vi bạo lực và kỹ năng giám sát, can thiệp có ảnh hưởng rất lớn đến các ứng xử của họ đối với những hành vi này. Trước những hành vi đối xử ấy, học sinh cảm thấy bức xúc, nảy sinh lòng căm tức thậm chí là thù hận và có thể dẫn tới những hành vi bạo lực để xứng đáng với những gì mà người khác áp đặt cho chúng. Và khi bị bạo lực thì không thể nói rằng mình bị bạo lực… Vì kiểu dán nhãn, vì kiểu thiếu cảm thông hay những mặc định của thầy cô đã dành cho các em.

Thầy cô là bạn và có một mối quan hệ đích thực với học sinh, chính sự thân thiện và sự quan tâm, chính sự dõi theo đúng nghĩa của các thầy cô sẽ làm phương thuốc giúp học sinh tự tin và cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống… Thầy cô sẽ làm tốt trách nhiệm của mình, học trò sẽ học thật tốt và thấy an toàn hơn để phát triển.

Thưa ông, gia đình, nhà trường và xã hội là kiềng ba chân hình thành nên nhân cách một con người. Để xảy ra tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng này, xin ông chỉ rõ trách nhiệm của từng đối tượng trên.

Nhà trường cũng như phương tiện truyền thông, báo chí phản ánh về một số hành vi tiêu cực trong học đường: bạo lực học đường, thiếu thái độ tôn sư trọng đạo, gian lận trong học tập, chuyện yêu đương và quan hệ tình dục quá sớm dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng, tiếp cận với chất kích thích và văn hóa phẩm không lành mạnh.v.v…

Về phía gia đình, không quá lý tưởng khi cho rằng chúng ta cần tìm một ngôi nhà đúng nghĩa của mái ấm để cho trẻ ở và lớn lên nhưng nếu đó là một không khí tâm lý nặng nề với “đĩa bay – chén bay” liên tục thì sao có thể hạn chế được cái “mầm” bạo lực hay “cây kim” bạo lực quẫy đạp từ rất sớm?

Về mặt xã hội, đó là những biểu hiện của sự bất công trong mối quan hệ, đó là chuyện phố – chuyện phường – đó là những bức xúc xoay quanh chuyện nhà – chuyện cửa vẫn diễn ra hàng này… Khi yếu tố truyền thông mà đặc biệt yếu tố “thẩm thấu” trực tiếp từ môi trường chưa được định hướng hoặc được phân tích rốt ráo theo hướng bộ lọc hay hướng “điều chỉnh” thì chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ.

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *