Không nhận học sinh đồng tính ở nội trú là thiếu nhân văn

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM, quy định không cho học sinh đồng tính ở nội trú là thiếu công bằng và chưa tôn trọng các em.

Mới đây, quy định bằng văn bản của trường THCS và THPT Việt Anh (đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TP HCM) về việc không cho học sinh đồng tính ở nội trú nhận được nhiều quan tâm của dư luận.

Quy định vội vàng

Nhận xét về quy định này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, việc ghi cụm từ ‘đồng tính’ đã biểu hiện của sự kỳ thị giới tính. Điều này sẽ tạo cảm xúc tiêu cực đối với cộng đồng LGBT (đồng tính, chuyển giới và song tính), cũng như các bậc phụ huynh.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, không nên từ chối nhận học sinh đồng tính ở nội trú.

Theo TS Sơn, việc kết luận này cũng cho thấy quan điểm giáo dục có phần thiếu nhân văn của nhà trường. Đồng thời, đây là quy định vội vàng, mang tính áp đặt, duy ý chí.

Ông Sơn cho rằng, trong giáo dục, nhà trường và học sinh luôn cần nhau mới có sự hài lòng và gắn kết. Quy định này của trường thể hiện sự thiếu công bằng và không tôn trọng học sinh của những người làm giáo dục.

Đồng tình quan điểm này, TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định: Giáo dục phổ thông dành cho tất cả học sinh đại trà, vì thế không có sự phân biệt đối với học sinh nào.

Theo bà Hương, với một trường học, đây là cách ứng xử không được chấp nhận, bởi giáo dục hòa nhập và tôn trọng sự khác biệt của cá nhân là một trong những mục tiêu của trường.

Bà Hương cho rằng, nhà trường thực hiện thông báo này cũng không dễ dàng, bởi những học sinh đồng tính sẽ tìm cách che giấu. Những học sinh khác sống trong môi trường tồn tại sự kỳ thị sẽ gây khó khăn và lan truyền tâm lý kỳ thị người khác trong thế giới học đường.

Đẩy mạnh chống kỳ thị người đồng tính trong trường học

Từ thực tế trải nghiệm trong giáo dục, TS Vũ Thu Hương nhận định, hiện nay, giới trẻ vốn có khả năng tiếp thu cái mới tốt hơn so với những người lớn tuổi. Vì thế, họ đã đón nhận tư tưởng mới về người đồng tính một cách dễ dàng. Họ tạo ra thế giới dễ chịu mà ở đó tất cả mọi người đều có thể sống thoải mái, dù là đồng tính hay dị tính.

Nhiều trường học đã tổ chức những tiết ngoại khóa chuyên đề về giáo dục giới tính cho học sinh, trong đó có nội dung rất quan trọng là chống kỳ thị người đồng tính. Vì vậy, quy định của trường THCS và THPT Việt Anh đã hoàn toàn nằm ngoài xu thế chung.

TS Vũ Thu Hương.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, TS Vũ Thu Hương cho rằng: ‘Việt Nam đã có luật công nhận hôn nhân đồng tính. Phải chăng nhà trường đã cố tình vi phạm luật để tạo tiền đề cho làn sóng kì thị người đồng tính? Trong khi đó, các quốc gia khác đều có nhiều nhiều chính sách trợ giúp họ’.

Đồng tình với ý kiến người đồng tính không bị hạn chế bởi quy định của pháp luật, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu: Những người này đã hoàn thiện về giới tính (hoàn thiện bộ nhiễm sắc thể, nam là nam, nữ là nữ), nhưng trong suy nghĩ và hành động lại trái dấu. Nhà trường không được phép cấm ở nội trú những học sinh này.

Ngoài ra, ông Quang cũng phản đối việc trường cấm ở nội trú với những sinh viên mắc bệnh nguy hiểm và bệnh lây nhiễm. Bởi sau khi hết dịch, người mắc bệnh sẽ khỏi. Như vậy, nhà trường cũng chưa có hiểu biết đầy đủ về các căn bệnh.

Ông Quang đề nghị trường THCS và THPT Việt Anh nghiêm túc sửa quy định trên sao cho phù hợp.

Quy chế của trường THCS và THPT Việt Anh ghi rõ: ‘Học sinh đồng tính hoặc bệnh nguy hiểm, lây nhiễm không nhận ở nội trú’.

Bà Phạm Thị Cẩm Tú – Giám đốc quản lý học sinh trường THCS và THPT Việt Anh lý giải về quy định này: Ở nội trú thường chia ra hai bên nam, nữ. Nhiều học sinh ở chung trong một phòng, nằm ngủ gần nhau, ăn, tắm cùng.

Vì vậy, các học sinh thường rất thân thiết và có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, việc xếp các em đồng tính ở chung với các học sinh dị tính (tức không cùng giới tính) có nhiều bất tiện.

Theo Quyên Quyên/Zing.vn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *