Kĩ năng sống- Hành trình cần có của người thanh niên hiện đại(Kì 6)

GIẢI MÃ CẢM XÚC

Trong cuộc sống, chúng ta bắt gặp không ít trường hợp là người có năng lực bình thường nhưng luôn “được lòng” tất cả mọi người và đạt hiệu quả cao trong công việc. Họ thường không làm mất lòng ai, không ai có thể giận hay có thể từ chối những yêu cầu của họ đưa ra. Và bạn luôn tự hỏi điều gì giúp họ làm được điều này?

Phán đoán cảm xúc để biết cách ứng xử

Theo phân tích của TS tâm lý Vũ Gia Hiền, thành công của một cá thể là sự dung hòa các mối quan hệ mà cá nhân đó tạo ra. Sở dĩ cá thể với năng lực bình thường nhưng thành công vì họ biết quan sát, tìm hiểu và giải mã tâm trạng của đối tượng trong các mối quan hệ, rồi vận dụng những thời điểm thuận lợi để đưa ra những quyết định thích hợp. Thường họ vận dụng 2 chiến lược: “ biết mình biết ta” và “tiến lùi đúng lúc”.

Vậy, làm sao ứng dụng các kỹ năng trừu tượng này vào thực tế cuộc sống, khi mà những cung bậc của “hỉ, nộ, ái ố”, vẫn diễn ra hằng ngày. Chúng ta dễ dàng nhận biết những trạng thái cảm xúc đơn giản như khi đói, cơ chế phản xạ theo bản năng và cảm giác đói xuất hiện; hay khi thấy một người khác phái mà mình yêu thích, cảm giác hưng phấn tràn về thúc đẩy việc làm quen, tiếp cận. Nhưng các trạng thái cảm xúc diễn biến phức tạp khó nhận biết vẫn tạo ra những hành vi tương ứng.

Trong các mối quan hệ, chúng ta vẫn không ít lần bắt gặp đối tượng “diễn”. Đối tượng đóng tròn vai đến độ khiến người khác không thể nhận ra bản chất của mối quan hệ. Ví như trường hợp của Kiều Liên, một cô gái xinh đẹp, con nhà giàu có. Cô bị Hải Nam chinh phục, họ nên vợ nên chồng và sinh được một đứa con trai. Kiều Liên không mảy may nghi ngờ hạnh phúc mà mình đang có cho đến khi bố mẹ cô đột ngột qua đời vì tai nạn. Cô đã vô cùng đau đớn khi kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho biết đó là âm mưu mà Hải Nam sắp đặt nhằm chiếm đoạt gia tài.

Trở lại vấn đề, mọi hành động của chúng ta đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cảm xúc. Không chỉ thế, cảm xúc của một cá thể sẽ tác động đến mọi người xung quanh. Như khi vui, hạnh phúc, bạn sẽ cởi mở. Còn những lúc tâm trạng buồn bực, bạn sẽ dễ dàng cau có, gây sự. Bạn cũng đừng quá ngạc nhiên hoặc thất vọng khi “sếp” hằng ngày vẫn cởi mở, chân tình với tất cả nhân viên nhưng bỗng dưng một hôm nổi cơn thịnh nộ với ai đó hoặc la rầy chính bạn mà không có lý do. Tại sao vậy? Có thể, ông ấy không được khỏe hay gặp rắc rối trong chuyện riêng tư,… và những người bị la rầy vô tình trở thành nạn nhân của “sếp”. Chính vì điều đó, nhận biết được trạng thái cảm xúc của người khác trong các mối quan hệ sẽ giúp chúng ta có cách ứng xử phù hợp và hạn chế trở thành “nạn nhân”. Nhất là trong mối quan hệ gia đình, khi biết được trạng thái cảm xúc của các thành viên thì sự chia sẻ, cảm thông càng có cơ hội phát huy.

Nắm được “thần sắc” bằng sự nhạy bén

Tuy nhiên, làm cách nào để nhận biết trạng thái cảm xúc của người khác trong các mối quan hệ, nhất là các mối quan hệ mới tạo lập? Vấn đề này được tranh luận sôi nổi. Có 4 biểu hiện của cảm xúc là hạnh phúc, thất bại, lo lắng, buồn chán. Mỗi trạng thái có một cách biểu hiện riêng nhưng điểm chung nhất là hiện tượng khóc đều xảy ra khi chúng ta vui, buồn và cả lúc hạnh phúc. Vậy, làm sao để phân biệt được “nước mắt” của người hạnh phúc và người thất bại? Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, để nhận biết được các trạng thái cảm xúc, điều cơ bản chúng ta nên quan sát diện mạo, nét mặt, ánh mắt, điệu bộ, tư thế và cách nói năng. Bên cạnh sự quan sát, để hiểu được trạng thái cảm xúc cần thông qua việc trò chuyện.

Cô Quỳnh Dao cũng đưa ra ví dụ sinh động là cô gái “phải lòng” chàng trai trong bối cảnh cả hai người đang tham gia sinh hoạt giữa đám đông. Những biểu hiện cảm xúc của cô gái rất dễ nhận biết, ánh mắt luôn hướng về “đối tượng”. Cô cười nhiều hơn bình thường và luôn có những cử chỉ duyên dáng nhằm tạo sự chú ý. Và thái độ bồn chồn hơn thông qua các hành vi nghịch các món trang sức. Điều đó “tố cáo” tim cô gái đang loạn nhịp và cô cần giải tỏa theo cách đó. Tín hiệu “đèn xanh” đã bật lên cho đối tượng.

Việc phán đoán cảm xúc trong các mối quan hệ với đối tác làm ăn phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Bởi, họ là những đối tượng đã có kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường. Nhưng không vì thế mà họ không biểu lộ một sơ suất nào. Đôi khi ánh mắt, nét mặt hay nói nôm na là “thần sắc” sẽ nói lên thực tế tâm trạng. Vì vậy, để giải mã được cảm xúc của một người trong mối quan hệ đòi hỏi ngoài kiến thức, kinh nghiệm cần có sự quan sát tinh tế và ít nhiều đòi hỏi độ nhạy cảm của người trong cuộc.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *