KIỀM CHẾ SỰ TỨC GIẬN

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tức giận không hẳn là xấu, đó là điều tất yếu trong sự phát triển cảm xúc của một người bình thường. Đôi khi, sự tức giận giúp chúng ta có thêm nghị lực để sửa những sai lầm, hay dùng những hành động xây dựng để khắc phục những trở ngại. Nhưng điều đó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn biết kiềm chế và kiểm soát hành vi của bản thân theo chuẩn mực nhất định. “Giận quá mất khôn” đó là lời khuyên mà ông bà xưa truyền dạy lại, chưa bao giờ lời răn dạy ấy lại mất đi ý nghĩa. Khi cuộc sống ngày càng bộn bề, trước những áp lực thì sự giận ấy lại càng trở nên dễ bộc phát hơn và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đó không chỉ là hậu quả trên bình diện công việc hay những mối quan hệ mà quan trọng hơn đó là những hậu quả trên bình diện hạnh phúc và niềm tin nơi tâm hồn mỗi con người trong cuộc sống hiện đại.

            Sự tức giận có thể diễn ra trong nhiều khoảnh khắc và nhiều nơi khác nhau trong cuộc sống. Đó có thể là gia đình, nơi công sở, lớp học hay một cửa hàng, góc phố nào đó nơi có những mối quan hệ đan xen nhưng trong phút chốc con người không thể kiểm soát được cảm xúc mang tính tiêu cực ở bản thân. Gia đình anh Huy đều khá bận rộn, dù con cái đã lớn nhưng hầu hết mọi lo toan từ trong ra ngoài anh đều lo lắng, quan xuyến tất cả. Vợ anh là người khá vô tư, yêu thương chồng con nhưng vốn vĩ xuất thân từ gia đình khá giả nên chị cũng không hiểu nhiều về sự vất vả. Công việc làm ăn của anh Huy ngày càng sa sút, chị thì vẫn vui vẻ mua sắm và vui chơi cùng bạn bè. Trong một buổi chiều tan ca, trở về nhà trong sự mệt mỏi, anh lại thấy nhà cửa bộn bề, cơm tối chưa nấu mà vợ lại ngồi tám chuyện cùng các chị hàng xóm. Trong phút chốc, anh tiến lại gần chị và bảo chị về nhà, nhưng chị lại cứ vô tư không phản hồi, anh tức giận đưa tay lên đánh chị một cái. Chị thảng thốt giật mình, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng lại chỉ một phút sau, chị quay sang anh mắng nhiếc bằng tất cả sự tức giận hoà với sự ấm ức… Gia đình anh Huy được mọi người trong xóm ca ngợi là ấm êm, hạnh phúc, bỗng chốc trở thành tâm điểm cho tất cả sự ngỡ ngàng, lẫn bàn tán của xóm giềng. Lẽ đương nhiên, mối quan hệ này không được bền vững sau đó vì cái đánh mà vợ anh Huy nhận hay những lời mắng từ vợ mà anh Huy đã nghe… Tất cả là một vết thương được khắc rất sâu dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, khoảnh khắc tức giận ấy làm tan vỡ tất cả sự tin tưởng và trân trọng mà họ đã dành cho nhau suốt mấy chục năm qua.

Sự tức giận có sức tàn phá nhanh chóng những mối quan hệ, thậm chí đó là những mối quan hệ được kết dính và thử thách bởi thời gian dài. Sự tức giận có được sức mạnh ấy bởi nó tấn công vào điều mà mỗi con người đều rất xem trọng và nâng niu, đó là lòng tự trọng. Một khi lòng tự trọng đã bị tổn thương thì con người khó tha thứ hơn cho những lỗi lầm, những lời nói, những hành động… dù đó là vô tình. Nếu trong gia đình, sự tức giận có thể làm “cơm không lành, canh không ngọt” thì nơi công sở sự tức giận đẩy con người đi sâu hơn vào những ganh tỵ, chia cắt, hiệu quả công việc giảm, bầu không khí nơi làm việc luôn ẩn chứa sự nặng nề khó tả. Chị Như là giám đốc kinh doanh của một công ty quảng cáo khá nổi tiếng, chị cũng thuộc tuýp người khá nóng nảy. Chị rất hiểu tính tình của mình nhưng đôi lúc sự căng thẳng trong làm ăn khiến chị khó kiềm chế trước những sơ suất của nhân viên. Dù chị làm việc rất tích cực và rất quý nhân viên nhưng chính vì những phản ứng tức giận khiến chị mất đi niềm tin và sự quý mến của mọi người xung quanh. Nhân viên có thể hiểu và thông cảm cho chị vì những áp lực nhưng sự chịu đựng của cá nhân thì luôn đặt trong một giới hạn nào đó… Khi sự kiềm nén quá sức thì sự trỗi dậy là điều tất yếu… Hậu quả nặng nề nhất với chị Như là buộc thôi từ chức vì Tổng giám đốc nhận được thư khiếu nại của một nhóm nhân viên chủ lực dưới quyền chị…

Kiểm soát cảm xúc không phải là điều dễ dàng, nhất là khi cơn giận dữ lên tới đỉnh điểm, lúc đó cá nhân có thể không còn đủ tỉnh táo đề suy nghĩ về hậu quả mà mình sẽ gây ra. Chỉ khi sự việc qua đi, bản thân bình tĩnh trở lại lúc đó bản thân mới cảm thấy hối hận về việc mình đã làm. Từ sự tan vợ hạnh phúc của gia đình anh Huy đến sự thất bại trong sự nghiệp của chị Như phần nào khắc hoạ lên được bức tranh về những hậu quả mà sự tức giận gây ra trên bình diện hạnh phúc gia đình và trong công việc. Kiềm chế sự tức giận bắt nguồn trước tiên từ sự nhận thức của bản thân. Trước tiên con người phải ý thức được những hậu quả có thể xảy ra để luôn trấn an tâm trí và kiểm soát kịp thời những cảm xúc của mình. Một điều quan trọng, để sự tức giận không thường đến trong cuộc sống, cá nhân phải luôn cân bằng đời sống tinh thần, có mục tiêu cụ thể cho công việc cũng như cuộc sống gia đình để không rơi vào những trạng thái bị động, không làm chủ được tình hình gây ra những phản ứng tiêu cực nhất thời. Thêm một chia sẻ, mỗi con người có cách suy nghĩ để hiểu và giải quyết vấn đề khác nhau. Chúng ta không thể áp đặt lên cá nhân khác suy nghĩ của bản thân mình, tức giận vì họ không làm theo ý mình. Chính vì vậy, bình tĩnh, đối diện với vấn đề, cùng đối phương trình bày cách nghĩ, thảo luận cách giải quyết là lựa chọn đúng đắn. Khi chúng ta lắng nghe người khác thì sẽ có cơ hội hiểu hơn về con người của họ và chính bản thân chúng ta cũng được họ tìm hiểu, lắng nghe một cách chân thành nhất. Đây là giây phút mà sự tức giận không còn đủ sức mạnh phá vỡ những gắn kết đã được thiết lập.

 PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *