KỸ NĂNG RÈN LUYỆN TÍNH KỶ LUẬT CHO CON

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không ít bậc cha mẹ cho rằng việc tạo dựng cho con thói quen tuân thủ kỹ luật là một việc làm thật khó. Thực chất của vấn đề này như thế nào? Không thể phủ nhận rằng việc tuân thủ kỷ luật là một thách thức khá lớn với người lớn chúng ta chứ nói chi với con trẻ. Thế nhưng nếu như nghĩ rằng việc dạy cho con kỷ luật cứ từ từ thì không khéo sẽ hoài công…

RÈN LUYỆN TỪ THƠ ẤU

Trường hợp của Th Tiến là một ví dụ điển hình. Vốn là con một nên T được bà rất nuông chiếu. Muốn ngủ lúc nào cũng được, muốn xem chương trình  Tivi đến mấy giờ bà cũng chìu… Ngay cả việc nói chuyện hay hỏi han những người khác thì cũng chẳng bao giờ có chủ ngữ hay đại từ… Vậy mà bà cũng chẳng la… Thế nhưng nhờ sự dày công nên mẹ cậu thay đổi rất nhẹ nhàng và nhanh chóng… Vài lần Tiến hỏi mẹ chuyện này và chuyện khác thì mẹ cứ giả vờ như không nghe nên cu cậu nổi đóa… Cu cậu hỏi thật to: Sao mẹ không trả lời con? Mẹ nhẹ nhàng bảo: Mẹ có biết con hỏi mẹ đâu? Thế là một hành vi bắt đầu được điều chỉnh và Tiến phải tuân thủ theo kỷ luật được xác lập. Không những thế, khi trò chuyện với Tiến, mẹ Tiến bao giờ cũng hòi han và làm gương bằng cách nói chăng có đầu – có đũa và thế là thói quen trong trò chuyện được hình thành. Không dừng lại, những hành vi khác hay những thói quen khác cũng được uốn nắn một cách kiên nhẫn thông qua hành động gương mẫu, thông qua thái độ rất dứt khoát, thông qua sự điều chỉnh từng chút một của người mẹ để Tiến tuân thủ những kỷ luật chung

Thực chất cho thấy việc con trẻ không tuân thủ kỷ luật xuất phát phần nhiều là do người lớn. Tâm lý thương con nên thông cảm, suy nghĩ chỉ có một hai đứa cho nên cứ từ từ mà dạy, lý luận theo kiểu con mình còn nhỏ có rèn dũa thì cũng chẳng được gì… có thể làm cho trẻ trở nên “vô tư” quá mức. Khi những yêu cầu rất đơn giản về hành vi và thói quen trong đời sống thường nhật như: ăn uống đúng chế độ sinh hoạt – giờ nào việc nấy, đánh răng trước khi ngủ, mắc mùng mền sau khi ngủ… nếu không thực hiện một cách có kỷ luật thì sao có thể tuân thủ những yêu cầu khắt khe hơn khi bước vào đời. Sự tuân thủ kỷ luật dù đơn giản sẽ giúp trẻ vững tin trở thành một người lao động nghiêm túc, một công dân tuân thủ kỷ luật của xã hội một cách tự nguyện, đầy trách nhiệm. Làm được điều này chắc chắn không thể không thực hiện ngay từ khi trẻ còn thơ. Chính những hành vi và thói quen được chú trọng rèn luyện từ thơ ấu sẽ là hành trang cần thiết cho trẻ.

NGUYÊN TẮC CHUNG

Để trẻ tuân thủ kỷ luật chắc chắn không thể không bắt đầu bằng việc nhận thức. Bằng lời nói và đặc biệt là bằng những hành động, chính các bậc cha  mẹ phải giúp cho trẻ để trẻ hiểu rằng tuân thủ kỷ luật là điều cần thiết trong cuộc sống. Ở đây, chính một áp lực mà cha mẹ cần phải vượt qua đó là đừng rao giảng quá nhiều về việc tuân thủ kỷ luật mà hãy giúp cho trẻ cảm nhận giá trị của kỷ luật thực tiễn qua cuộc sống

Thứ nữa, nên giúp trẻ hiểu rằng việc tuân thủ kỷ luật trước hết là tôn trọng chính mình. Nếu các bậc cha mẹ tạo cho trẻ suy nghĩ tích cực rằng trẻ tuân thủ kỷ luật chung hay những yêu cầu mang tính bắt buộc thì đó là lúc trẻ được tôn trọng hay được tôn vinh.

Bên cạnh đó, giúp trẻ cảm nhận một cách xác thực rằng chính cha mẹ là những tấm gương về kỷ luật. Đừng vội vã thất hứa với con mình hay chính mình “bung xung” trong công việc và cuộc sống thì yêu cầu hình thành tính kỷ luật cho con trẻ có thể là xa xỉ?

Một yêu cầu cũng không kém phần quan trọng bên cạnh việc giúp cho trẻ ý thức được giá trị của việc tuân thủ kỷ luật là hãy giúp trẻ rèn luyện hành vi một cách thường xuyên và liên tục. Chính sự kiên nhẫn của người lớn hay sự động viên của người lớn với những hành động tuân thủ kỷ luật nghiêm túc của trẻ sẽ dần dần hình thành thói quen tích cực của tính lỷ luật. Đây chính là lúc “nếp” tâm lý đã được xác lập.

Suy cho cùng việc rèn luyện tính kỷ luật cho con cũng bằt đầu từ tình nhân ái của các bậc cha mẹ dành cho con cái. Lẽ đương nhiên, lòng nhân ái này có “đích” đến khá rõ ràng cũng như đem lại những giá trị đích thực cho đời sống của trẻ vì tính kỷ luật là yêu cầu rất căn cơ của một con người có phẩm giá.

PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *