Kỹ năng tạo dựng sự độc lập cho con

Đó là một cậu con trai lớp 10 rất cao to. Trình độ tiếng Anh cũng khá tốt để có thể theo học ở một chương trình du học. Khuôn mặt bầu bĩnh, trang phục rất sạch sẽ… Chỉ mỗi chuyện độc lập thì than ôi… tệ quá. Phải mất gần ba tuần mới có thể hướng dẫn cho cháu một cách tương đối những kỹ năng cần có để bắt đầu sống một cuộc sống độc lập khi lên đường du học. Những thói quen không biết nấu cả mì gói, không biết xếp mùng mền khi thức dậy, không biết cả việc lau nền nhà là phải đi thụt lùi, không biết cả sắp xếp quần áo vào va li… được tống tiễn vào quá khứ…

Không phải là trường hợp cá biệt khi có khá nhiều phụ huynh ngày nay thương yêu con mình một cách quá mức nên đã làm cho sự độc lập của con cái biến mất tăm. Cuộc sống ngày càng có nhiều thách thức, các gia đình ngày càng ít con, cha mẹ thương yêu nên muốn bù đắp… làm cho trẻ trở nên thiếu hẳn tính độc lập. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con trẻ. Thiếu hẳn sự tự tin khi gặp gỡ và giao tiếp với người xung quanh, mất dần bản lĩnh để đưa ra những quyết định cá nhân, thiếu hẳn khả năng tự hoạch định mục tiêu cuộc đời cũng như đối diện với những thách thức và khủng hoảng…

Thực chất cho thấy để tạo dựng sự độc lập cho con phải bắt đầu phân biệt một cách rõ ràng về tình thương yêu đích thực và sự ôm ấp quá đáng của nhiều bậc cha mẹ. Ngay trong cuộc sống thường nhật, các bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng thương con là phải ôm ấp con, chăm sóc con kỹ càng và tránh những nguy hại đến con mình. Thực chất cho thấy thương yêu con không hoàn toàn như thế mà các bậc cha mẹ có thể quan tâm một cách vừa phải trong những tình huống khác nhau. Có những tình huống để trẻ tự thử nghiệm, có những tình huống tạo điều kiện để trẻ giải quyết và chúng ta chỉ hướng dẫn khi cần, có những tình huống chúng ta sẽ là nhà quan sát từ xa để có thể đỡ khi trẻ ngã…

Kế đến, để tạo dựng sự độc lập cho con cần phải chú ý đến sự thay đổi thái độ của các bậc cha mẹ. Đó chính là một thái độ thương yêu nhưng tôn trọng, thái độ quan tâm nhưng biết kiềm chế, thái độ lo lắng nhưng có định hướng… Chính những biểu hiện này về mặt thái độ có thể giúp cho trẻ hiểu rằng cha mẹ tôn trọng mình, cha mẹ đòi hỏi mình độc lập, mình có thể thể hiện sự độc lập của mình, mình hoàn toàn có thể có sự dìu đắt của cha mẹ khi cần thiết trong quá trình tạo dựng sự độc lập. Đơn cử như việc cho trẻ ngủ riêng cha mẹ nên thực hiện từ sau khi trẻ bước vào tuổi mẫu giáo, trẻ tự múc ăn hay tự thực hiện những hành vi tự phục vụ cũng ở độ tuổi này, trẻ phải tự chăm sóc mình khi trẻ bước vào tuổi tiểu học, trẻ phải thực hiện việc học tập tự thân khi bắt đầu chính thức đi học và cha mẹ chỉ đóng vai trò là người nhắc nhở mà thôi… Tất cả dần dần sẽ giúp trẻ có được sự độc lập cần thiết trong cuộc sống.

Không thể không đề cập đến việc rèn luyện những hành vi độc lập của trẻ một cách thường xuyên. Đó là những cơ hội rất thường nhật mà người lớn hoàn toàn có thể tận dụng. Đơn cử như việc cho trẻ di chuyển từ cổng trường vào cửa lớp, cha mẹ không cần nắm tay trẻ sau một vài buổi dẫn dắt. Hãy chịu khó nhờ một người nào đó cũng là phụ huynh quan sát cháu và đảm bảo sự an toàn. Ngay cả việc cho trẻ đi siêu thị hay công viên và thậm chí là sân bay, hãy chịu khó và chịu cực một chút bằng cách để trẻ tự do di chuyển trong sự quan sát rất kỹ lưỡng và tinh tế, nhắc nhở cháu biết đâu là điểm hẹn thông qua việc nhớ những điểm tựa, dần dần sự độc lập của con mình sẽ được hình thành rất nhẹ nhàng và hiệu quả

Gầy dựng sự độc lập cho con cái bắt đầu từ quan điểm của các bậc phụ huynh và sự đầu tư rất khéo léo từ những hành động đơn giản. Điều này hoàn toàn có thể được thực hiện khi chính cha mẹ quan tâm và thương yêu cũng như đầu tư đích thực cho con mình những hành trang cần thiết trong cuộc sống. Sự độc lập trong nhận thức, sự độc lập về thái độ và cả hành vi của con cái không đồng nghĩa với việc con cái không tôn trọng hay không yêu thương cha mẹ mà đó là sự độc lập để con cái nên người vì chắc chắn rằng dẫu có sự bao bọc tuyệt đối đi chăng nữa thì cha mẹ vẫn không thể suốt đời “chăm chút” hay “che chở” con mình một cách toàn phần.

TS Võ Văn Nam – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *