Lãng phí trong trường học là có tội

Trường học là nơi để học tập và giảng dạy. Vì thế, đầu tư cho người học và người dạy là điều đương nhiên. Nhưng đến đâu cũng thấy có sự lãng phí một cách đáng buồn. 

Một tiết học của thầy trò Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM với phòng học 3D. Một phòng học như thế này có tổng chi phí khoảng 400 triệu đồng – Ảnh tư liệu

Ở nhiều nơi máy tính trùm mền, đắp chiếu. Nhiều phòng học, phòng thí nghiệm không được sử dụng hoặc sử dụng chưa hết công suất.

Trong đợt khảo sát gần 50 trường tiểu học, trung học cơ sở khi thực hiện dự án gần đây cho thấy có những phòng thiết bị cứ để cho có, việc sắp xếp – bố trí nhân sự về chuyên môn còn lỏng lẻo.

Sự lãng phí này không chỉ làm hao tốn ngân sách nhà nước mà còn dẫn đến chất lượng giáo dục ngày một đi xuống. Đó là sự vô trách nhiệm, quan liêu, là tham nhũng theo hình thức mới…

Sự lãng phí này suy cho cùng là lãng phí tài sản của người dân, của phụ huynh học sinh, những người thụ hưởng giáo dục.

Để xảy ra như thế thì nhà quản lý, chuyên gia có tội với xã hội. Tội với người học khi không tạo điều kiện tốt nhất để họ học. Tội với người dạy khi không tạo ra những điều kiện và môi trường tốt nhất để giáo viên dạy. Tội với người dân khi có thể vô tư xài tiền thuế của họ. Tội với những nhà tài trợ, các dự án, các chính sách công bằng trong giáo dục khi có nhận mà không có cho, không được sử dụng hiệu quả.

Tội càng nặng hơn nếu biết mà không chịu thay đổi. Vấn đề là phải hết lòng, hết sức và xem đấy như nhiệm vụ cấp bách, xem như nhiệm vụ thường nhật trong nghĩ suy và hành động…

Đầu tiên, bên cạnh việc thống nhất quan điểm, phân tích các chức năng quản lý, mô tả công việc rõ ràng, kiểm tra và giám sát thực hiện… mỗi cơ sở giáo dục cần chịu trách nhiệm rõ ràng và cụ thể về tài sản của mình đang có.

Thứ đến, các đơn vị trường học hay cơ sở giáo dục các cấp cũng như cơ quan chủ quản cần thiết phải có cơ cấu đủ bộ phận tham gia, thực hiện theo quy trình được giám sát nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trong trường học.

Việc theo dõi, giám sát quá trình sử dụng cần được từng trường quan tâm và thực hiện để kịp thời ngăn chặn tình trạng lãng phí, phát huy tối đa hiệu quả của cơ sở vật chất trong nhà trường.

Ngoài ra, cần kiện toàn quy trình xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học sao cho chặt chẽ và đảm bảo chất lượng một cách tốt nhất.

Chú ý cải tiến những quy định chung về người trực tiếp sử dụng được có ý kiến, được tham gia và chịu trách nhiệm ngay từ đầu, tránh những sự lãng phí do không tương thích sử dụng…

Song song đó, các sở GD-ĐT phải là cơ quan luôn lắng nghe và nhận thức được về vấn đề sử dụng cơ sở vật chất hiện nay tại các trường THPT, tránh trường hợp hằng năm “khoán” về các trường những thiết bị dạy học không cần thiết hoặc kém chất lượng.

Việc phân bổ thiết bị về các trường phải dựa trên ý kiến, đề xuất của các trường một cách hợp lý.

Cuối cùng, việc thực hiện đấu thầu hay xét duyệt các dự án có tầm cỡ về cơ sở vật chất cần được thực hiện công khai, rộng rãi, đúng quy trình.

Đặc biệt, cần nghiêm túc thực hiện khâu khảo sát thực tiễn, kiểm định hiện có mới tính toán đến việc đầu tư… Bất kỳ sai sót nào cũng cần quy trách nhiệm rõ ràng cũng như xử lý nghiêm khắc theo Luật công chức, theo quy định ngành và quản lý nhà nước.

PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN
(phó chủ tịch Hội Tâm lý học VN)

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *