MẤT ĐIỆN

“Sự giàu có của tôi không chỉ thể hiện qua tài sản, của cải mà qua cả những nhu cầu ít ỏi của tôi.”
~ J. Brotherton

Tôi tỉnh dậy trong cái lạnh tĩnh mịch. Trong căn nhà dân dã của tôi không có tiếng đồng hồ tích

tắc, cũng không có tiếng tủ lạnh chạy rì rầm. Ở miền biển Oregon này thường hay mất điện: cứ một phút một lần, một tiếng một lần hoặc ba tiếng một lần. Sau đó, những âm thanh thân thuộc lại xuất hiện: tiếng lào xào, rì rầm, tích tắc, vù vù khi radio, tủ lạnh, đồng hồ, máy tính, ti-vi, máy sưởi và máy trả lời tự động hoạt động trở lại.

Tôi đã từng trải qua vô số lần mất điện, chịu cảnh không đèn đóm, không lò sưởi, không âm thanh. Nhưng tôi không thể nào sống thiếu cà phê sáng. Lẽ ra tôi đã có thể nhóm lửa trong cái bếp bằng đá ngoài hiên sau để đun nước nhưng trời lại đang mưa như trút nước. Lẽ ra tôi đã có thể sang nhà hàng xóm trên đồi, xem Jenn có sẵn cà phê trong lò ngoài trời hay không. Nhưng từng cơn gió đang quăng quật giữa các nhánh cây. Ít ra thì điện thoại cũng còn hoạt động được.

Tôi bèn gọi cho sếp của mình.

– Phải lâu lắm người ta mới sửa xong đường dây điện.

– Bà ấy trả lời. – Thôi anh cứ ngồi yên tại chỗ. Coi như hôm nay không làm việc gì cả. Ở nhà thờ Methodist có chỗ trú ẩn và thức ăn cứu trợ đấy.

Lần mò trong ánh sáng tù mù, tôi tìm thấy cái đèn lồng và túi ngủ ở phía sau tủ áo. Tôi đặt cái đèn lồng ở gian bếp, đánh diêm và thắp đèn lên.

Chúa ban phước cho ông Coleman đã phát minh ra cái vật kỳ diệu này. Cái ấm bằng kim loại nhanh chóng nóng lên. Có thể chẳng mấy chốc nữa mà tôi sẽ có món cà phê đây. Nhưng dùng vật gì để giữ thăng bằng trên cái nắp đèn hình nón này bây giờ? Tôi cố đun nước bằng cách đặt lên đó một cái chảo đáy dày, sau đó phát hiện ra nếu dùng một cái hộp đựng sốt cà chua sẽ tốt hơn. Sau khi rửa cái hộp và đổ đầy nước sạch vào đó, tôi đeo găng tay làm bếp vào và giữ cái hộp cố định trên nắp chụp đèn bằng hai chiếc đũa nhựa. Chẳng bao lâu, một tách nhỏ cà phê uống liền đã dậy hương. Đun thêm bốn lần nữa, tôi đã có thể thưởng thức một bữa cà phê sáng ngon mê ly và thậm chí còn dư nửa tách nhỏ nước nóng để rửa ráy. Tôi hứng thú với niềm vui giản dị khi được rửa mặt với nước ấm. Ít ra nó cũng giúp tôi chống chọi với cả ngày mất điện.

Tôi khoác cái áo choàng dày và đi đôi ủng da cừu. Gom vài cuốn sách trên tủ đầu giường, tôi cài khóa áo choàng, buộc lại dây ủng và chui vào túi ngủ. Tôi chỉnh lại ngọn đèn và rúc vào túi, bắt đầu đọc sách. Những đoạn văn đầy hình ảnh của quyển “Dưới ánh mặt trời vùng Tuscan” đưa tôi đến với vùng đất Cortona đầy nắng của nhà văn Frances Mayes trong khi bên ngoài cửa sổ, dòng thủy ngân nhiệt kế dừng trên vạch 10C một chút. Tệ hơn, căn nhà cũ kỹ của tôi lại lạnh giá và ẩm thấp. Tôi giở sách mà các ngón tay cứ tê cứng. Tôi ngọ nguậy ra khỏi túi ngủ để tìm đôi găng tay len. Tôi nghĩ trong đầu danh sách những bạn bè có lò sưởi củi. Chợt Jenn, hàng xóm của tôi, lái xe đến.

– Tôi đến nhà bạn trai của mình. – Cô ấy nói, thò đầu vào cửa nhà tôi.

– Nhưng chỗ đó cách đây đến hơn một trăm cây số và đường lầy lội, trơn trượt lắm! – Tôi e ngại.

– Những người may mắn sẽ có điện. Như tớ nè. Cậu cứ thoải mái đến nhà tớ ở, sử dụng lò sưởi củi của tớ, trừ khi tớ hết củi. Nhớ chăm cho con Lab và con mèo của tớ đấy. Chúng sẽ giúp cậu thấy ấm áp.

Quay trở ra xe, cô ấy còn nói thêm:

– À, nhà tớ còn rượu brandy đấy. Cứ tự nhiên đi nhé!

Thế là mong ước có một lò sưởi củi ấm áp trong tôi đã thành sự thật. Tôi đoán chừng tìm củi chắc cũng không khó lắm bởi chúng tôi sống giữa rừng, khắp nơi đầy những cành và nhánh cây rải rác. Tôi sục tìm khắp sân, mương rãnh và vệ đường nhưng chỉ tìm được mớ củi sũng nước. Tôi đành mất hàng giờ để chặt cành và vã mồ hôi khắp người.

Đêm đó, nhiệt độ xuống dưới không. Với duy nhất một ngọn lửa âm ỉ, tôi phải mặc mấy lớp quần áo và dùng đến ba cái túi ngủ mới đủ ấm. Lũ mèo và chó cuộn tròn quanh tôi. Và chúng tôi đã sống sót. Ngày hôm sau cũng diễn ra y như thế: tôi đi tìm củi, chặt cành, nhóm lửa bằng những mẩu giấy báo, thùng giấy cũ hoặc bất kỳ thứ gì có thể làm cháy mớ củi ướt. Bên ngoài cửa sổ, đám cây linh sam vùng vẫy trong gió. Trong lúc theo dõi cơn bão, món súp đậu lăng cay sôi trên bếp tỏa hương thơm lừng, bốc hơi đầy trong không khí.

Sáng ngày thứ ba mất điện, tôi tuyệt vọng vì không còn chút củi khô nào. Tôi quay về nhà, lục tìm trong các tủ, chạn và dưới gầm giường bất cứ thứ gì bằng gỗ có thể đốt được. Tôi tìm khắp trên tường, kệ, bàn. Giữa lúc tuyệt vọng, tôi chộp lấy một tấm bảng khắc chữ, một cái đồng hồ gỗ do chồng cũ của tôi làm bằng tay, một cái hộp nữ trang làm bằng gỗ củ tùng, những khung hình giảm giá, những miếng kệ gỗ trang trí lặt vặt.

Ban đầu tôi cũng cảm thấy tội lỗi khi đốt những cái muỗng và thố salad làm bằng gỗ tếch của mình, nhưng quả thật tôi cũng hiếm khi dùng đến chúng. Đến cái cán lăn bột của bà tôi cũng là một điều cấm kỵ, nhưng nó đã mốc meo và sứt mất một quai cầm. Tôi thậm chí phải tự đấu tranh rất nhiều khi nghĩ đến chuyện đốt cái kệ sách làm bằng gỗ óc chó của mình. Không đời nào! Thay vào đó, tôi đã gỡ những mảnh gỗ ướt trên cổng nhà của Jenn, cưa nhỏ thành những miếng vừa với chiều dài của cái lò và hong khô cạnh bếp. Ai mà biết được điện sẽ mất bao lâu cơ chứ?

Trước đây tôi vẫn có ý thanh lý đồ đạc trong nhà nhưng giờ đây, sự tuyệt vọng đã buộc tôi chuyển từ ý định sang hành động. Với mỗi món đồ gỗ, tôi lại chất vấn bản thân: “Mình có thích món đồ này không? Mình có cần nó không?”. Chẳng mấy chốc cạnh cửa ra vào đã có hàng đống đồ: đèn làm bằng củi rề, hộp làm bằng gỗ mía, kệ trồng cây đã mục ruỗng. Trong lúc dùng búa đập mạnh những món đồ ấy, tôi bắt đầu cảm nhận được một sức mạnh nội tại.

Tôi kéo những mảnh gỗ lên nhà Jenn. Sau khi nhồi nhét những món đồ kỷ niệm vào bếp lò, tôi bỗng thấy việc mất điện đã mang đến cho tôi sự can đảm và hài lòng khi được giải phóng khỏi quá khứ. Trong lúc ngọn lửa reo lách tách trong lò bắt đầu tỏa hơi ấm, tôi cởi áo choàng cùng mấy lớp áo len ra, ngồi vào cái ghế êm ái và nhấm nháp ít rượu mơ, cạnh bên là những con vật đang rúc vào mình. Một thố sô-cô-la nóng kiểu Thụy Sĩ đang sủi bọt trên bếp và tách cà phê của tôi bốc khói nghi ngút. Nhìn quanh gian nhà, tôi ngưỡng mộ cách trang trí đơn giản của Jenn. Nó cho thấy cô lúc nào cũng tràn đầy sức sống và tinh thần lạc quan. Tôi cầm lấy cây viết và viết tặng cô ấy một bài thơ cảm ơn, quyết định rằng Noel tới sẽ bảo bạn trai cô ấy mua cho cô ấy một cái cưa mini.

Sống trong tám mươi tư giờ không điện đóm đã giúp tôi biết trân trọng ánh sáng, sự ấm áp và bếp điện. Ngoài ra, tôi cũng thấy biết ơn vì đã có dịp trải qua kinh nghiệm đó. Tôi đã đốt hết thảy những kỷ vật đeo bám suốt cuộc đời mình. Chính nhờ việc mất điện, nhờ Jenn và nhờ ngọn lửa, tôi đã có thêm sức mạnh và cảm thấy ấm áp hoàn toàn. Tôi đã mất đi một số tài sản, nhưng bù lại, tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn.

~ Shinan Barclay

Thông tin thêm: TƯ VẤN TÂM LÍ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, TÂM LÍ GIAO TIẾP, KĨ NĂNG SỐNG, KĨ NĂNG GIAO TIẾP, TƯ VẤN TÂM LÍ QUA ĐIỆN THOẠI 

CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG  TƯ VẤN VÀ ĐÀO TẠO Ý TƯỞNG VIỆT

225/11 Nguyễn Đình Chiểu, P5, Q3, TP.HCM

Website: ytuongviet.org.vn – http://vietidea.edu.vn/Facebook: www.facebook.com/ytuongviet.centerĐT: (083) 92 91 003 – (083) 92 92 920

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *