Mặt nạ và mặt thật của con người

Có lẽ từ lâu đời nay, một trong những bài toán khó có thể giải mã một cách rõ ràng đó là giải mã bản chất thật nhất của con người. Cũng chính vì lẽ đó, không ít người phải khổ sở khi giao tiếp và trò chuyện với người khác. Thông thường, không ít người chuẩn bị cho mình nhiều “bộ mặt” khác nhau để xuất hiện trước người khác. Vì sao ư? Có quá nhiều điều khác nhau cần được lý giải…

H là một trong những cô gái có khá nhiều mặt nạ khác nhau… Vốn tốt nghiệp ngành Báo Chí nên H cũng tỏ ra khá có đẳng cấp trong chuyện giao tiếp cũng như thiết lập các mối quan hệ xã hội…H đến với Lập trong một hoàn cảnh cũng rất chủ động … Vào vai một nhân viên văn phòng trong khu cao ốc cho thuê rất ngọt khi vốn dĩ H là nhân viên của một công ty quảng cáo… Câu chuyện bất bình vì sếp có những hành vi quan tâm hơn mức bình thường thôi thúc H chuyển công tác… Thế là mối tình nảy nở từ đây!

Không những “đến” với anh ấy bằng một khuôn mặt ngây thơ và đầy duyên dáng… H còn làm cho anh ấy hiểu thật rõ về sự sáng trong của mình khi những thông tin gì vui chơi H cũng tỏ ra không hiểu biết… Những quán cà phê “đình đám” ở Sài Gòn, là nơi để H tròn xoe đôi mắt khi được anh ấy chở đến. Những quán ăn uống đều là nơi H bảo rằng luôn luôn mới lạ… Tình cờ đến một quán nhậu cũng khá có tiếng với nhiều người cũng thuộc dân bợm, cậu tiếp tân bước ra cười chào sau khi H yên vị và đặt câu hỏi khá thân thiện: “Chị vẫn uống bia đen như cũ nhé?”. H tỏ ra tím tái khi mặt nạ của mình bị rơi và sự đau đớn bộc lộ một cách rõ nét trên khuôn mặt… Lập cũng ngớ người đến mức như bất động… Chiếc mặt nạ mà H mang từ lâu sao mới đẹp làm sao?

Thực ra không thể trách H hay trách nhiều người trong cuộc sống này phải “võ trang” cho mình bằng nhiều chiếc mặt nạ khác nhau. Điều đơn giản trong ý nghĩa tích cực của vấn đề là “mặt nạ” giúp mỗi người tự bảo vệ chính mình cũng như tạo ra sự thích ứng cần thiết trong cuộc sống – giao tiếp và quan hệ … Vì sao phải đeo mặt nạ, những lý do khác nhau ở suy nghĩ của mỗi cá nhân. Khi phải gặp gỡ những người chưa quen biết, sao có thể vô tư và thoải mái hết cỡ? Việc vũ trang mặt nạ cho mình hoàn toàn có lý để có thể phòng thủ hay thậm chí là tạo sức hút. Khi gặp những đối tượng khác nhau, chắc chắn việc che chắn “mặt thật” của mình bằng những chiếc mặt nạ khác nhau mang tính đa sắc sẽ vô cùng cần thiết để đảm bảo sự tương hợp ban đầu. Những ngỡ ngàng tâm lý, những rối rắm không đáng có, những vách ngăn tâm lý có thể được giảm đi khá nhiều nếu mặt nạ tạo ra sự thuận lợi ban đầu thì tại sao không?

Lẽ đương nhiên, việc chọn cho mình mặt nạ cũng không phải là “vấn đề” mà vấn đề là sử dụng mặt nạ vào mục đích gì. Đóng “giả” rằng mình thế này hay thế khác – chọn cho mình mặt nạ để tạo ra hiệu ứng hiểu “lầm” để xây dựng cho mình một hình ảnh thật tốt nhưng “trống rỗng” thì quả thật là không nên. Rõ ràng vấn đề quan trọng là mục đích sử dụng mặt nạ mới chính là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị tích cực hay những ảnh hưởng tiêu cực của mặt nạ trong cuộc sống… Thực tế minh chứng rằng nếu việc sử dụng mặt nạ tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong giao tiếp theo hướng “tôn” lên những điều “không” thành “có” sẽ là điều khó có thể chấp nhận…

Khuynh hướng phản đối việc sử dụng mặt nạ vẫn có thể âm ỉ hoặc thậm chí ồn ào trong suy nghĩ và quan điểm của mỗi người. Vấn đề quan trọng ở đây lại là mức độ sử dụng mặt nạ hay hoàn cảnh sử dụng mặt nạ. Nếu mặt nạ chỉ là sự tươi tắn – nhẹ nhàng, mặt nạ chỉ là sự bí ẩn – đầy sức hút thì việc sử dụng hoàn toàn là hợp lý. Sao lại có thể kết luận là tiêu cực toàn phần sau khi rủ bỏ tất cả những mâu thuẫn trong cuộc sống hay bỏ qua tất cả những trận cãi vã để xuất hiện thật thân tình bên nhau… Sao có thể giữ mãi bộ mặt nghi ngờ hay đằng đằng “sát khí” khi gặp một người mà mình vẫn còn tiếp tục công tác – làm việc??? Thế nhưng nếu có quá nhiều mặt nạ đến mức không cho người khác hiểu chính mình hay thậm chí chính người trong cuộc cũng không biết đâu là mặt thật của mình thì sự nguy hiểm sẽ trùng trùng… Chính chiếc mặt nạ đa dạng quá mức sẽ làm mất hẳn niềm tin nơi người khác dành cho mình, quan hệ luôn luôn bị đặt vào tình trạng bị báo động vì tính “khéo léo” vượt khung…

Nếu hiểu theo nghĩa tích cực thì việc sử dụng mặt nạ sẽ không đáng trách nhưng phải đâu ai cũng có thể “choàng” cho mình chiếc mặt nạ dễ thương?  Một số bạn trẻ được sinh ra trong một gia đình mà sự khéo léo như là một tiêu chí quan trọng. Phải cố gắng khéo léo để làm vừa lòng mọi người – phải luôn biết “thể hiện” mình một cách tốt nhất có thể có trong những quan hệ khác nhau là tiêu chuẩn căn cơ. Thậm chí, một số bạn trẻ có thể nhìn thấy cả sự “giả giả” mà những người thân của mình đối xử với nhau… “Thấm” trong môi trường phải liên tục cố để khéo, ráng để khéo nên mọi chuyện dần trở thành sự thật…

Không loại trừ trường hợp một số cá nhân đã từng gặp thất bại trong cuộc sống do chính mình trải nghiệm hoặc thậm chí là người trong cuộc cho nên nhu cầu tự bảo vệ chính mình chuyển hướng “cuộc chinh phục” là điều rất bình thường. Quá thật cho nên bị “lừa’, quá “thẳng” cho nên thất bại trong buồn chán… thôi thúc một số bạn trẻ quyết chí đổi thay cách ứng xử…Từng “rơi đài” khi quá mức phê bình đồng nghiệp, từng bị “tẩy chay” chỉ vì băng băng vượt lên phía trước khi mọi người cứ thủng thẳng nên nỗi ám ảnh này thật khó quên. Cố để chọn cho mình chiếc mặt nạ thật khéo ứng với từng hoàn cảnh, từng đối tượng để tạo ra sự an toàn, tạo ra sự thích ứng, tạo ra hiệu quả chinh phục là một hệ quả tất yếu…

Lẽ đương nhiên như đã phân tích, mặt nạ không phải là vấn đề quá xa lạ với mọi người trong cuộc sống. Nhu cầu an toàn hay nhu cầu chinh phục là những nhu cầu rất chính đáng. Tuy nhiên, sự khéo léo hay tinh tế cũng chỉ nên ở trong một chừng mực nhất định. Mặt nạ chỉ có thể là yếu tố trang điểm chứ không thể làm nên cốt cách của con người. Điều quan trọng nhất vẫn là sự chân thật – sự hết lòng một cách tỉnh táo trong những mối quan hệ khác nhau để đạt đến một mục đích nhất định… Giả hay thật, mặt nạ hay không là sự lựa chọn của mỗi người nhưng chắc chắn cuộc sống sẽ thật thú vị nếu như những nét chấm phá của chiếc mặt nạ chỉ điểm tô làm đẹp hơn cuộc sống – quan hệ chứ không làm “biến màu” hay “biến chất” của những giá trị sâu xa…

TSTL. Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *