MÊ GAME ONLINE – HỘI CHỨNG THỜI ĐẠI SỐ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lướt qua tất cả những tụ điểm internet siêu tốc và một số nơi khác có thể chơi game online thì số lượng các bạn trẻ vẫn chiếm đa số. Trẻ- bởi vì trong số này rất nhiều bạn là sinh viên và ở độ tuổi dưới 30 là chủ yếu. Đây là một điều khác hẳn với đối tượng chơi game online ở một số nước trên thế giới (Theo ISDA- Hiệp hội phần mềm kỹ thuật số toàn cầu thì có 29.7% người chơi dưới 18 tuổi, 28.7% từ 18-35 tuổi và 41.6% người chơi từ 36 tuổi trở lên). Thoả mình trong game, các bạn trẻ này có thể ngồi say sưa hàng vài tiếng đồng hồ trước màn hình khi trận chiến chưa kết thúc. Không biết đối thủ là ai, các tay chơi game online có thể đóng vai một cách vô tư với một nhân vật nào đó trong game để thỏa chí anh hùng. Chỉ cần thỏa thuận vai với mạng, nhiều khi những tay chơi có thể giết chết người anh hùng trên màn hình mà người đóng vai ấy lại chính là người bạn thân đi cùng mình.

Để có hàng vài tiếng đồng hồ chắc chắn những bạn trẻ này không bận rộn cho lắm, những bạn trẻ này không bị những áp lực của vật chất, của thời gian làm việc, của những mối quan hệ bủa vây. Điều cũng khá lạ lẫm là không phải những tay chơi có hạng trong lĩnh vực computer chơi game online mà khá nhiều bạn vốn là “tay ngang”. Chỉ cần một “nick” để chơi trực tiếp hoặc hẹn chơi nhóm là bắt đầu. Tất cả đều đến vì thích, đến vì muốn giải tỏa, đến vì thích thử sức và đến vì tò mò… Các game đang hot hiện nay đều là những game có sức hút kỳ lạ bởi vì nó mô phỏng cuộc điều tra, cuộc chiến dữ dội hoặc một trận thư hùng, một chuyên án độc đáo.

Xét trên phương diện giải trí, game online là một trò chơi, kiểu chơi khá hấp dẫn có thể làm cho các bạn trẻ tập trung thính thị và chú ý trong trò chơi. Chính những yếu tố này làm cho một số nhà nghiên cứu còn đổ xô đi tìm tác dụng phát triển trí não của game với người chơi. Trước hết, game online cũng là một trò chơi và trò chơi này được xem như một kiểu giải trí khá lành mạnh (nếu nội dung game an toàn). Khi tham gia vào trò chơi này, các ban trẻ được thỏa mình trong đó, được đồng hóa mình với nhân vật trong game dẫn đến sự thoải mái về mặt tinh thần. Nói theo Phân tâm học, khi chơi game, các đối tượng chơi sẽ đươc giải phóng một phần những cái “ấy”, cái “tôi” trong nhân cách và từ đó dễ vượt qua những cơn buồn phiền, những xung đột và thậm chí là stress tạm. Nhu cầu đồng hóa là một nhu cầu có thật bởi vì lúc chơi, người chơi có thể quên cái “mình” của mình mà hóa thành cái tôi của nhân vật để được sống cùng. Lúc này năng lượng được giải phóng và những xung động sẽ dễ cân bằng theo sự giải tỏa. Tất cả kiểu cảm xúc và cung bậc của tình cảm như: hỉ, nộ, ái, ố … đều được thể nghiệm.

Bên cạnh sự đồng hóa, thì nhu cầu tự khẳng định và nhu cầu được chấp nhận, được tôn vinh cũng sẽ được thỏa mãn. Được hóa thân thành một anh hùng với võ công thượng đẳng, được trở thành một hiệp khách cứu giúp người khác, được chém giết một cách vô tư … thì cá nhân sẽ cảm thấy mình được ve vuốt, tự họ cảm nhận là “đã quá đã”… Chính lúc này, những giận hờn, mâu thuẫn được tan biến và con người dễ trút bỏ những lo âu, phiền muộn để sống và làm việc. Tuy vậy, cũng chính ở đây lại xuất hiện một vấn đề “tréo ngoe”. Không phải tay chơi game nào cũng muốn làm người anh hùng mà có khá nhiều tay chơi chỉ muốn mình phải là một thám tử, một ma đầu khét tiếng. Hai mặt của game lại xuất hiện. Thông thường, nếu những người yếu đuối, có quá nhiều bức xúc dồn nén trong cuộc đời khi chơi game có thể chọn đúng mình hoặc chọn nhân vật đối lập thì những xung năng sẽ được giải tỏa. Thậm chí, nếu chọn nhân vật đối lập, họ sẽ thông cảm và đồng cảm dần dần với “đối thủ” thực của mình trong thực tế.

Có thể phân tích về mặt trái của game ở nhiều góc nhìn nhưng trước hết đó là ở nội dung của game. Một số bạn trẻ có xu hướng thích chơi game phải ác, phải độc. Đó là những game mà bản thân người chơi không thể kiểm soát được chính mình. Một hình ảnh tươi mát, một tính cách quái dị, một lối sống kỳ bí sẽ dễ dàng ăn sâu vào suy nghĩ và sự định hướng cuộc sống của cá nhân người chơi. Số tuổi còn rất trẻ, người chơi vẫn đang trong giai đoạn ổn định dần dần nhân cách nhưng sự tác động quá mức sẽ dễ dàng làm cho cá nhân chơi bị ảnh hưởng. điều này cũng rất dễ dẫn đến sự nhận thức sai về giá trị sống, xác định phong cách sống quái lạ và tính ích kỷ, tự tôn sẽ dễ hình thành vô cùng. Sự đồng hóa với nhân vật cũng ăn sâu vào tiềm thức một cách khá nhanh chóng từ đó người chơi sẽ dễ “thức” và “ngủ” với nhân vật. Đó là kiểu nói chuyện rất lạ kỳ, là kiểu hành vi, phong cách quái quái, là những thói quen lạ lạ nhưng lại quen quen, là kiểu xử lý rất kỳ bí… trong lúc thức. Đó còn là tiếng thét hoặc tiếng khóc vỡ òa  hoặc hành động vung tay vung chân đập gần vỡ mũi của một cậu sinh viên 18 tuổi khi ngủ cùng em trai của mình…

Không cần biết tiền đâu, không cần biết có học hay không, không cần biết đã hẹn vói ai… mà cứ chơi thỏai mái là quan trọng. Chính thói quen này dẫn đến sự trượt dài trong lối sống. Nói dối, cắp tiền, bỏ học, … sẽ là những hệ lụy quá hợp lý. Đây lại cũng chính là một kiểu “nghiện” tiêu cực không thể hãm phanh. Đặc biệt hơn nữa, nếu cứ bị nhập vai quá mức mà không thoát ra được, chứng ảo tưởng hoặc đa nhân cách sẽ dễ xuất hiện. Sự ảo tuởng có thể dẫn đến những hành vi kinh khủng và quái đản trong quan hệ người- người; chứng đa nhân cách sẽ làm hòa tan cái tôi cá nhân vốn có vì người trong cuộc nhiều lúc cũng không biết mình là ai và tại sao mình lại hành động càn dở như vậy.

Một trong những game đang được quan tâm rất nhiều trong thời gian qua và đã khởi động khá lâu đó là “Võ lâm truyền kỳ”. Đây là một game khá hot về những trận thư hùng, những chiêu võ học tuyệt đỉnh và những nhân vật rất độc đáo. Game này còn được cả một ca sĩ tham gia và quảng cáo hộ. Đây cũng là một xu thế khá quan trọng cần phải được nghiên cứu. Phân tích trên mặt quảng cáo, điều này có thể có lợi cho cả hai phía. Đương nhiên là không thể cấm nhưng cần phải nhìn nhận vấn đề đúng thực chất của nó để có những chiến lược thích ứng. Độ tuổi chơi game online cũng là một vấn đề cần phải quan tâm, kiểm soát trong chừng mực nội dung của các game là một việc làm khá cần kíp. Một số bạn trẻ nói chung và sinh viên nói riêng khi chơi game cũng cần phải hiểu thực sự những tác động ngược, cũng cần phải có kỹ năng tự kiểm soát mình trong một chừng mực.

Việc nghiện game online không phải là vấn đề đơn giản cho nên tùy từng mức độ “nghiện” mà những biện pháp “cai” cũng sẽ phải được xác lập một cách tương ứng. Để giải quyết vấn đề, cần phân biệt hai dạng nghiện một cách tương đối để đưa ra những biện pháp tác động.

Thứ nhất, với dạng nghiện nhẹ, liệu pháp thay đổi nhận thức – hành vi này có thể được áp dụng trong trường hợp người mê game online vẫn còn có khả năng ý chí và thực sự muốn điều chỉnh hành vi – thói quen của mình. Những hành động cần thực hiện ngay như việc thay đổi chế độ sinh hoạt thậm chí là đảo lộn chế độ sinh hoạt, việc kèm cặp để phân tích  – chia sẻ (mà không phải cấm đoán hay giám sát) là điều rất cần thiết. Ngoài ra, những biện pháp khác cũng đóng một vai trò quan trọng như động viên – khen thưởng, tạo áp lực trong những hoạt động mới sẽ có thể làm cho vấn đề được xoa dịu và thay đổi. Tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là giúp chủ thể cai nghiện đặt ra mục tiêu và từng bước nhỏ cam kết thay đổi.

Thứ hai, với một số đối tượng “nghiện sâu” thì việc cai tập trung là điều cần làm. Ở một số quốc gia phát triển như Mỹ, Xinhgapo, Thái Lan… những trung tâm cai nghiệm gameonline hay những trung tâm trị liệu tâm lý luôn có một lượng người (đặc biệt là những bạn trẻ từ 12 đến 25) đến tham gia. Những liệu pháp hệ thống sẽ được ứng dụng trong trường hợp này. Không những việc thiết kế một nhóm liệu pháp tâm lý mà những liệu pháp này còn được thực hiện một cách rất tuần tự theo những phác đồ trị liệu. Việc tiêu hao năng lượng, chuyển đổi khoái cảm, định hướng hành vi tập trung theo mục tiêu, thay đổi hành vi từng bước một là những liệu pháp rất cần thiết trong tiến trình trị liệu hệ thống cho chứng nghiện game online.

PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *