Nghệ thuật chê con trẻ

Bảo Long lặng lẽ và để từng giọt nước mắt rơi rơi. Mẹ Long có thực sự quá đáng hay không??? Chuyện thật giản đơn thôi mà. Có cô ba đến nhà chơi, mẹ bảo Long thưa cô nhưng có lẽ hành động chào hỏi – thăm viếng không thực sự hấp dẫn bằng mấy con khủng long nên Long mải mê chơi.

Chẳng nói chẳng rằng, mẹ Long cứ mắng xối xả bằng những câu nói thật sự nhức tai: nào là cứng đầu, nào là con hư, nào là khó bảo, nào là làm xấu hổ cha mẹ và thậm chí còn nhiều từ ngữ thật khó hiểu với một đứa trẻ… hành động khóc của Long xem chừng như phản ứng tức thời…

Không thể la mắng trẻ để trừng phạt hay để góp ý cho trẻ một cách cảm tính. Điều này không phải bậc bố mẹ nào cũng làm được vì đa phần khi trẻ có hành vi chưa tốt thì hành động tức thời của bố mẹ là la mắng trẻ. Cách suy nghĩ ở đây thật giản đơn đó là la mắng để giáo dục trẻ.

Thực ra việc la mắng ngay lập tức cũng cần thiết nhưng chỉ nên sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Trường hợp khẩn cấp ở đây là lỗi của trẻ quá lớn nếu không ngăn chặn thì hậu quả tiếp theo sẽ rất tai hại. Mặt khác, nếu trẻ hay cãi chối thì việc la mắng trực tiếp sẽ giúp trẻ nghiêm túc thừa nhận. Việc chê trẻ không chỉ đơn thuần thực hiện bằng bản năng mà cần phải chú ý đến tính nghệ thuật của hành động này.

Trẻ con không dễ dàng chấp nhận những lời chê trách cho nên hãy chú ý đến những yếu tố tâm lý được xem như rào cản khi trẻ làm sai. Có những lỗi của trẻ nên được “để dành” rồi cha mẹ sẽ phân tích – khuyên nhủ sau, có những lỗi của trẻ nhất thiết phải được soi dưới hành vi mẫu của bố mẹ thì mới có thể hiểu được cái sai hay cái đúng trong tâm trí non nớt của trẻ.

Cũng không thể kể đến những lỗi lầm của trẻ phải được sửa sai trực tiếp bằng cách “cầm tay chỉ việc” nhưng điều quan trọng nhất là đừng chạm vào sự tự tôn của trẻ vì trẻ đã thực sự có cái tôi rất lớn từ năm trẻ lên 3. Những lời phê bình hay chê trách quá nặng nề không những không có giá trị khuyến khích – sửa sai cho trẻ mà còn dễ dàng làm cho trẻ cứng đầu hơn, khó chịu hơn và trở nên bướng bỉnh hơn…

Khi chê trẻ hay trách trẻ nhất thiết phải cho trẻ thấy viễn cảnh của hành động. Điều cần chia sẻ với trẻ là nếu con cứ tiếp tục thực hiện hành động này thì chắc chắn là con chưa ngoan, chắc chắn mọi người sẽ không thương yêu…. Ngay cả những câu nói rất giản đơn như nếu con còn la lớn thì búp bê cũng sợ con thôi, chú cún con cũng không dám gần con… Những câu “góp ý” rất nhẹ nhàng nhưng lại rất sâu sắc và có giá trị thay đổi hành vi ở trẻ thật lớn. Điều này tác động đến nhận thức cũng như thái độ và cả hành vi của trẻ. Đó cũng là cơ hội để trẻ tự điều chỉnh hành vi của mình để thích ứng và phát triển theo chiều hướng tích cực.

Phê bình trẻ nhất thiết cần phải dựa trên sự tỉnh táo của cha mẹ. Sự nóng giận hay sự nôn nóng quá mức sẽ đẩy cha mẹ vào sự thiếu kiềm chế… Hành vi của trẻ không những không được đổi thay mà tính cách của trẻ dễ dàng phát triển theo hướng lệch lạc. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ lại thiếu đi sự tự nhiên, mối thân tình trong quan hệ bị phá vỡ nhanh chóng. Chê người khác đã khó nhưng chê con trẻ còn thật sự khó hơn nếu như cha mẹ thiếu sự nghiêm túc nhưng ý nhị và sâu sắc.

HVS

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *