Đây là kỷ nguyên mà sự tĩnh lặng trở thành nhu cầu thiết yếu của con người.
Tác giả: Pico Iyer
Translated by Linh Huỳnh
Reviewed by Vi Phan Thi
Xem bài nói chuyện của Pico Iyer tại Ted:
https://www.ted.com/talks/pico_iyer_the_art_of_stillness?language=vi
Tôi là một người du hành suốt đời. Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã tính ra rằng du học ở Anh còn rẻ hơn là học tại trường tốt nhất gần nhà ba mẹ tôi ở California. Thế nên, từ năm 9 tuổi tôi đã bay qua bay lại cực Bắc đôi ba lần một năm chỉ để đến trường. Tất nhiên, bay càng nhiều tôi lại càng thích được bay, nên ngay khi vừa tốt nghiệp phổ thông, tôi làm các công việc lau dọn để được hưởng thụ mỗi mùa của tuổi 18 ở một lục địa khác nhau. Rồi thì, cái gì đến sẽ đến, tôi trở thành một nhà văn du ký, giờ thì công việc và đam mê hòa làm một. Và tôi thực sự bắt đầu cảm thấy nếu đủ may mắn được đi dạo quanh những ngôi đền sáng rực ánh nến ở Tây Tạng hay lang thang dọc theo bờ biển Havana cùng với âm nhạc vang lên dịu dàng bên tai bạn có thể đem những âm thanh đó, cùng với bầu trời xanh cô ban cao vời vợi và những lớp sóng vỗ trên mặt đại dương xanh thẳm về chia sẻ với bạn bè ở quê nhà, cũng như mang lại những điều kỳ diệu và tinh tế cho cuộc sống chính bạn. Ngoại trừ, như các bạn đều biết một trong những thứ đầu tiên bạn học được khi đi đây đi đó là không nơi nào kỳ diệu trừ phi bạn biết cách nhìn cho đúng. Đưa một người đàn ông cáu giận lên Himalayas ông ta chỉ biết than phiền về đồ ăn. Và tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để phát triển cái nhìn thêm thấu đáo và tinh tường kỳ lạ là, không đi đâu cả, chỉ cần ngồi tĩnh tâm. Và tất nhiên, tĩnh tâm là cách nhiều người trong chúng ta đạt được những gì họ khao khát và mong muốn nhất trong cuộc sống xô bồ hiện đại Một khoảng lặng. Nhưng đó cũng là cách duy nhất tôi tìm được để chắt lọc những mảnh ghép kinh nghiệm và hiện thực hóa quá khứ và tương lai. Thế là, điều ngạc nhiên xảy đến tôi phát hiện không đi đâu cả kể ra cũng thú vị như du lịch Tây Tạng hoặc Cuba. Và nhờ không đi đâu cả, ý tôi là không có gì đáng nể hơn là dành vài phút mỗi ngày, vài ngày mỗi mùa hay thậm chí, như nhiều người khác, vài năm trong đời chỉ để ngồi tĩnh tâm đủ lâu để dò tìm cái gì thúc đẩy bản thân nhất hồi tưởng về nơi chứa đựng niềm hạnh phúc đích thực và nhớ rằng đôi khi sống một cuộc sống và sống một cuộc đời là hai con đường trái ngược nhau. Tất nhiên, đây là điều các nhà thông thái đến từ mọi nền văn hóa
02:57
qua hàng thế kỷ muốn nhắn nhủ chúng ta. Ý tưởng này không hề mới. Hơn 2000 năm trước, các nhà khắc kỷ nhắc nhở ta rằng Cuộc sống không từ kinh nghiệm mà thành cuộc sống là cách vận dụng chúng. Thử tưởng tượng một cơn bão đột nhiên quét ngang qua thị trấn bạn và nghiền nát mọi thứ thành đống vụn. Một người đàn ông bị ám ảnh cả đời. Nhưng người khác, có thể chính em trai gã, lại cảm thấy được giải thoát, và quyết định bắt đầu xây dựng một cuộc sống hoàn toàn mới. Cùng một sự kiện nhưng phản ứng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Không có gì là hạnh hay bất hạnh, chỉ là một cách suy nghĩ, chính là điều Shakespeare muốn nói thông qua tác phẩm Hamlet. Và đây hẳn là kinh nghiệm du lịch bao nhiêu năm của tôi. Hai mươi bốn năm trước, tôi thực hiện một chuyến đi thay đổi tư duy triệt để xuyên qua Bắc Triều Tiên. Chuyến đi đó chỉ có mấy ngày. Tôi chủ yếu chỉ là ngồi tĩnh tâm quay trở lại nhìn trong tâm tưởng, thấu hiểu và tìm một chỗ trống cho nó trong suy nghĩ, việc đó kéo dài tận 24 năm rồi và có thể sẽ kéo dài đến suốt đời. Nói cách khác, chuyến đi cho tôi nhìn những cảnh đẹp kỳ thú, nhưng chỉ có ngồi tĩnh tâm mới cho phép tôi biến chúng thành những suy tư thấu đáo lâu dài. Và đôi khi tôi nghĩ, rất nhiều chuyện trong cuộc sống diễn ra trong đầu, trong ký ức, trong trí tưởng tượng hay trong tư duy và suy đoán đến nỗi nếu tôi thật sự muốn thay đổi cuộc đời mình tôi tốt nhất bắt đầu thay đổi tư duy. Một lần nữa, những điều này không hề mới mẻ; chính thế mà Shakespeare, các nhà khắc kỷ đã nói hàng thế kỷ trước, nhưng Shakespeare đâu có phải đối mặt với 200 email mỗi ngày. (Cười) Các nhà khắc kỷ, theo tôi được biết, cũng đâu có “on” facebook. Chúng ta đều biết, trong cuộc sống luôn đòi hỏi của mình thứ luôn bị đòi hỏi lại chính là bản thân chúng ta. Bất kể ở đâu, không quản đêm ngày, ông chủ, người gửi mail rác, cha mẹ đều có thể bắt được ta. Các nhà xã hội học phát hiện ra rằng những năm gần đây người Mỹ làm việc ít giờ hơn 50 năm trước, nhưng chúng ta cảm giác như làm nhiều hơn. Ngày càng nhiều thiết bị tiết kiệm thời gian ra đời, nhưng có vẻ như, thời gian ngày càng thu hẹp lại. Chúng ta cũng càng ngày càng dễ dàng liên hệ với mọi người ở tận một góc xa xôi nhất trên hành tinh, nhưng thỉnh thoảng, trong quá trình đó chúng ta mất đi liên hệ với chính mình. Và một trong những ngạc nhiên lớn nhất của một người du hành như tôi là phát hiện rằng thường những người dễ dàng đi khắp nơi chính là những người không tính đi đâu cả. Nói cách khác, ngay cả những người tạo ra công nghệ đã vượt qua nhiều hạn chế trước kia lại là những người cần giới hạn nhất, kể cả khi đó là công nghệ. Tôi từng được đến trụ sở chính của Google, và tôi được tận mắt nhìn những gì nhiều người được nghe kể; như nhà cây trong nhà, những bạt lò xo, nhân viên ngồi không 20% thời gian trả lương để cho trí tưởng tượng bay cao bay xa. Nhưng cái tôi ấn tượng nhất là khi ngồi đợi lập tài khoản số, một người dùng Google (Googler) kể tôi nghe về chương trình anh ta đang khởi động về giảng dạy nhiều Googler khác đang tập Yoga trở thành một hướng dẫn viên Yoga, người khác thì tâm sự về cuốn sách anh ta đang viết về nội bộ bộ máy tìm kiếm, và những phương thức mà khoa học qua thực nghiệm chỉ ra rằng ngồi tĩnh tâm, hay thiền, không chỉ đem lại sức khỏe tốt, suy nghĩ rõ ràng hơn mà còn phát triển trí thông minh cảm xúc. Tôi có một người bạn khác ở thung lũng Silicon, một trong những đại biểu hùng hồn nhất cho nền công nghệ tiên tiến nhất, và trên thực tế là một trong những người sáng lập tạp chí Wired, Kevin Kelly. Kevin đã viết một cuốn sách mà không hề có sự trợ giúp của công nghệ, không điện thoại, không máy tính, không ti vi trong nhà. Và như nhiều người ở thung lũng Silicon, anh ta cũng cố gắng quan sát cái người ta gọi là nghỉ lễ Sabat Internet, nghĩa là, 24 hoặc 48 tiếng một tuần họ sẽ hoàn toàn thoát mạng, để tập trung thu thập cảm giác về phương hướng và cân đối họ cần khi lại lên mạng. Có một thứ mà Internet không thể cho chúng ta là cách sử dụng công nghệ hợp sáng suốt nhất. Khi nói về lễ Sabat, hãy nhìn lại Mười điều răn của chúa – chỉ có một từ được bổ nghĩa bằng tính từ “thần thánh”, và đó là Sabat. Tôi cầm một cuốn sách thánh Do Thái, cuốn Ngũ Thư — chương dài nhất trong đó, viết về Sabat. Chúng ta đều hiểu được rằng nó thực sự là một thứ xa xỉ xa xỉ nhất, một khoảng trống. Trong nhiều bản nhạc, nó là điểm dừng điểm nghỉ tô điểm cho vẻ đẹp và hình dáng của tác phẩm. Là một nhà văn, tôi thường thêm nhiều khoảng trống trên trang giấy để độc giả có thể tiếp nhận tư tưởng và thấm nhuần từng câu chữ đồng thời cho trí tưởng tượng không gian để thở.
08:25
Hiện nay, trong cuộc sống thực tại nếu có nguồn lực nhiều người sẽ tìm một nơi trên đất nước làm ngôi nhà thứ hai. Tôi chưa bao giờ có nguồn lực đó, nhưng đôi khi tôi nhớ rằng bất cứ khi nào tôi muốn tôi có thể có một ngôi nhà thứ hai trong thời gian hơn là không gian bằng cách nghỉ một ngày. Làm thế cũng chẳng dễ gì, vì cứ tới lúc đó tôi lại dành hết thời gian để lo lắng về những chuyện sẽ đổ dồn lên đầu tôi vào hôm sau. Đôi khi tôi nghĩ, thà nhịn ăn thịt, từ bỏ sex, kiêng rượu miễn là không cần check mail mỗi ngày. (Cười) Và mỗi mùa, tôi lại đi ở ẩn 3 ngày dẫu cho một phần trong tôi thấy có lỗi với người vợ bơ vơ ở nhà hay là mặc kệ những email khẩn cấp từ ông chủ, hoặc là bỏ lỡ một bữa tiệc sinh nhật của bạn bè. Nhưng ngay khi tôi đến nơi thực sự yên tĩnh, tôi nhận ra rằng, nhờ đến đó mà tôi có những điều mới mẻ, sáng tạo và thú vị để chia sẻ với vợ, ông chủ và bạn bè. Ngược lại, tôi chỉ biết trút nỗi bực dọc và sao nhãng lên họ. Không hay chút nào.
09:39
Năm tôi 29 tuổi, tôi quyết định làm lại cuộc đời trong tư tưởng không đi đâu cả. Một buổi tối, trên đường từ cơ quan về nhà đã quá nửa đêm, tôi đang trên taxi, đi ngang qua quảng trường Thời Đại, đột nhiên, tôi nhận ra mình đã chạy đua quá nhiều, đến nỗi không thể nào bắt kịp cuộc sống của mình. Cuộc sống của tôi lúc bấy giờ đẹp như trong giấc mơ ngày bé của một cậu bé. Những người bạn và đồng nghiệp thú vị, một căn hộ xinh xắn ở đường số 20 Park Avenue. Công việc đầy hấp dẫn, viết về các vấn đề trên thế giới, dẫu vậy, tôi không thể tách bản thân ra khỏi chúng, để nghe suy nghĩ của chính mình – hay biết mình thực sự hạnh phúc. Thế là, tôi từ bỏ cuộc sống như mơ này, để đến Nhật Bản, sống trong một phòng đơn trong một hẻm nhỏ ở Kyoto. Đất nước này có một sức hút kỳ lạ và mạnh mẽ lôi kéo tôi. Khi còn nhỏ, chỉ nhìn vào một bức họa của Kyoto, tôi cảm giác như mình nhận ra nơi đó; biết đến nó trước khi tận mắt nhìn thấy. Các bạn cũng biết, nó là một thành phố xinh đẹp bao quanh bởi đồi núi với hơn 2000 đền, chùa. nơi người dân đã ngồi tĩnh tâm hơn 800 năm qua. Và ngày khi chuyển đến đó, cuộc sống tôi vẫn tiếp tục như cũ với vợ, con cái trong một căn hộ hai phòng ở nơi chỉ có trời mới biết, không xe đạp, không xe hơi tivi phát những kênh tôi không hiểu, và tôi vẫn phải nuôi gia đình bằng công việc viết du ký và làm báo, hiển nhiên, đây không phải là lý tưởng cho thăng tiến trong công việc cũng như hứng thú văn hóa hay chuyển hướng xã hội. Nhưng tôi nhận ra, nó cho tôi một phần thưởng quý giá, đó là những ngày trọn vẹn, những giờ trọn vẹn. Tôi không đụng đến điện thoại, gần như không cần phải nhìn đồng hồ, và mỗi buổi sáng thức dậy, một ngày trải rộng ra trước mắt như một đồng cỏ vô tận. Và khi cuộc sống ném cho tôi những cú đá xoáy, tất nhiên, không chỉ một lần, như khi một bác sỹ đến phòng tôi, mang vẻ mặt như đưa đám, hay một chiếc xe đột nhiên bẻ hướng ngay trước xe tôi trên đường cao tốc. Tôi biết, từ tận xương tủy, đấy là thời gian dành để không đi đâu cả duy trì tôi nhiều hơn là toàn bộ thời gian tôi dành để chạy quanh Bhutan hay đảo phục sinh.
12:17
Tôi sẽ luôn là một người lữ hành cuộc sống mưu sinh của tôi là nó — nhưng một trong những nét đẹp của việc du hành là sự tĩnh lặng được hòa quyện vào trong từng chuyển động và biến động của thế giới. Có một lần, tôi lên máy bay Ở Frankfurt, Đức, ngồi cạnh một người thiếu nữ Đức và chúng tôi sa vào một cuộc trò chuyện thân thiện khoảng chừng 30 phút, rồi thì cô quay đầu đi và ngồi im suốt 12 tiếng đồng hồ. Cô ấy không một lần bật màn hình, không lôi sách ra đọc cũng không nhắm mắt ngủ, cô chỉ ngồi im lặng, và thỉnh thoảng, sự tinh tế và bình tĩnh từ cô truyền sang cho tôi. Gần đây, tôi để ý ngày càng nhiều người dùng những phương pháp tỉnh táo để mở một khoảng trống trong cuộc sống của họ. Nhiều người đến những khu nghỉ mát lỗ đen nơi họ bỏ ra hàng trăm đô la một đêm chỉ để giao cho nhân viên tiếp tân điện thoại và máy tính khi đến nơi. Nhiều người tôi biết, trước khi đi ngủ, thay vì cuộn những dòng tin nhắn hoặc kiểm tra kênh Youtube, thường chỉ bật đèn lên và nghe nhạc nhẹ, và họ ngủ ngon hơn thức dậy cũng tràn trề sức sống. Tôi may mắn được một lần được lái xe lên những ngọn núi cao, rậm rạp phía sau Los Angeles, nơi nhà thơ, ca sĩ và ngôi sao quốc tế vĩ đại Leonard Cohen sinh sống và làm việc trong nhiều năm như một thầy tu chính cống ở trung tâm Thiền núi Baldy. Tôi không mấy ngạc nhiên khi bản thu âm của ông được phát hành ở tuổi 77, mang một cái tên không mấy thu hút, “Những ý tưởng cũ” vươn lên đứng đầu trên bảng xếp hạng ở 17 quốc gia trên thế giới, và lọt vào top 5 ở 9 nước khác. Bên trong chúng ta, có cái gì đang kêu gào cảm giác thân thuộc và sâu sắc đến từ những người như thế. Những người dành thời gian và mặc rắc rối để tĩnh tâm. Và tôi nghĩ nhiều người trong chúng ta có cảm giác, tôi chắc có rồi, rằng chúng ta đang đứng cách một màn hình khổng lồ chừng 5 cm, âm thanh hỗn tạp, hình ảnh lố nhố và biến đổi theo từng giây, và đó là khung cảnh của cuộc sống. Chỉ khi lùi lại, bước ra sau vài bước, và đứng nguyên tại chỗ chúng ta mới hiểu được ý nghĩa sau màn và có cái nhìn cục bộ. Có một số người làm điều đó thay ta nhờ không đi đâu cả.
14:53
Tóm lại, trong thời đại gia tốc không có gì đáng mừng hơn được giảm tốc. Trong thời đại đầy những cám dỗ làm ta sao nhãng không có gì quý giá bằng sự tập trung. Trong thời đại chuyển biến không ngừng, không gì khẩn thiết bằng ngồi tĩnh tâm. Vậy nên, bạn có thể tiếp tục kỳ nghỉ đến Paris, Hawaii, hay New Orleans; tôi cá là bạn sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhưng nếu bạn muốn về nhà tươi trẻ, tràn đầy sức sống và tình yêu với cả thế giới này, tôi nghĩ bạn có thể xem xét đến việc không đi đâu cả. Cảm ơn.