Nghệ Thuật Giao Tiếp Bằng Mắt Trong Cuộc Sống, Công Việc Và Tình Yêu

Thường xuyên giao tiếp bằng mắt không chỉ khiến bạn trông có vẻ hấp dẫn hơn rất nhiều trong mắt đối phương mà còn cải thiện chất lượng của sự tương tác đó.

Tại Sao Giao Tiếp Bằng Mắt Lại Quan Trọng

Giao tiếp bằng mắt tốt là kỹ năng mà mỗi người nên trau dồi, bởi nó mang lại những lợi ích to lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy người thường xuyên giao tiếp bằng mắt với người khác được xem là:

  • Vượt trội và quyền lực hơn
  • Ấm áp và xinh đẹp hơn
  • Thu hút và dễ mến hơn
  • Giỏi giang, khéo léo, có năng lực và có giá trị hơn
  • Đáng tin, trung thực và chân thành hơn
  • Tự tin và ổn định về cảm xúc hơn

Thường xuyên giao tiếp bằng mắt không chỉ khiến bạn trông có vẻ hấp dẫn hơn rất nhiều trong mắt đối phương mà còn cải thiện chất lượng của sự tương tác đó. Giao tiếp bằng mắt thể hiện sự thân mật trong cuộc nói chuyện và khiến đối phương có cái nhìn tích cực hơn về sự tương tác cũng như cảm thấy kết nối hơn với bạn.

Nói chung, giao tiếp tốt bằng mắt có thể nâng cao chất lượng của những tương tác trực tiếp; không có lĩnh vực nào trong cuộc sống mà việc được xem là hấp dẫn, tự tin và đáng tin hơn lại không có lợi cho bạn. Nhìn thẳng vào mắt người khác và thu hút ánh nhìn của họ có thể giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm việc, trình bày ý tưởng, diễn thuyết, tán tỉnh và làm kẻ thù khiếp sợ. Nó có thể giúp luật sư thuyết phục hội đồng xét xử, võ sĩ quyền anh áp đảo đối thủ và nhà lãnh đạo kết nối với các thành viên của mình. Thậm chí nó có thể giúp ca sĩ thu hút nhiều người hâm mộ hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ca sĩ giao tiếp bằng mắt càng nhiều với khán giả thì khán giả càng yêu thích âm nhạc của họ.

Tin vui nhất là kỹ năng giao tiếp bằng mắt là điều bạn có thể cải thiện khá nhanh chóng và dễ dàng. Trong phần này, ta hãy khám phá tại sao giao tiếp bằng mắt lại quan trọng trong việc hình thành mối quan hệ đến thế và tại sao nó lại khó thực hiện.

Tại Sao Giao Tiếp Bằng Mắt Lại Cực Kỳ Quan Trọng Trong Việc Tạo Kết Nối Tích Cực Với Người Khác

Tại sao giao tiếp bằng mắt lại ảnh hưởng lớn đến việc cải thiện nhận thức của người khác về bạn? Có 4 lý do chính sau đây:

  1. Đôi mắt vốn là để kết nối

Dễ thấy tại sao chúng ta bị thu hút bởi đôi mắt của người khác: nó là quả cầu tự do di chuyển trên gương mặt bất động, nhưng nó cũng thu hút sự chú ý của ta vì một lý do rất con người. Mặc dù mống mắt và đồng tử nằm trên lòng trắng, không loài nào trong số 220 loài linh trưởng có lòng trắng trong mắt, hoặc ít nhất là có lòng trắng có thể nhìn thấy rõ từ bên ngoài.

Lòng trắng trong mắt ta khiến mọi người dễ dàng thấy chính xác thứ ta đang nhìn và nhận ra khi ta nhìn sang hướng khác, trong khi động vật linh trưởng thường nhìn theo hướng xoay đầu của đối phương. Các nhà nhân loại học nghĩ đôi mắt đặc biệt của con người phát triển nhằm giúp ta đạt được mức độ hợp tác cao hơn, vốn hữu ích cho sự sinh tồn và xây dựng nền văn minh. Tất cả những điều đó nói lên rằng: đôi mắt của bạn là để giao tiếp bằng mắt với người khác.

  1. Đôi mắt thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của ta

Có thể bạn từng nghe qua câu nói này: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn.” Mặc dù nó không hoàn toàn đúng, nhưng đôi mắt tiết lộ rất nhiều về suy nghĩ và cảm xúc của ta một cách nhanh chóng.

Hãy nghĩ tới những biểu cảm liên quan đến mắt trong ngôn ngữ của ta xem. Ta bị quyến rũ bởi “ánh mắt mời gọi”, cẩn trọng với “ánh mắt láo liên” và sợ hãi “ánh mắt dữ dằn”. Ta bị thu hút bởi những người có “ánh mắt tử tế” và đôi mắt “long lanh”, “bừng sáng” hoặc “lấp lánh” trong khi ta tránh xa những người có “ánh mắt vô hồn”. Khi ai đó háo hức và hăng hái, ta nói họ “có ánh mắt tươi sáng”, khi họ chán nản, ta gọi mắt họ là “mắt buồn”. Những chuyện tình trong tiểu thuyết lẫn đời thực thường bắt đầu với “hai ánh mắt chạm nhau.”

Ta tin tưởng quan niệm rằng ta có thể đọc được người khác thông qua mắt họ là vì ngay cả khi ta giấu đi những suy nghĩ và cảm xúc thật của mình trong ngôn ngữ cơ thể và nét mặt, nó vẫn bị lộ ra qua đôi mắt. Người ta thường bảo “Đôi mắt không biết nói dối” (mặc dù những kẻ nói dối chuyên nghiệp thì có thể thật sự khiến đôi mắt nói dối thay mình). Đó là lý do tại sao những tay chơi bài thường đeo kính râm để che giấu phản ứng của họ trước đối thủ.

Khuynh hướng nhìn vào mắt để đoán suy nghĩ của người khác hình thành từ rất sớm. Khoảng 9-18 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu nhìn vào mắt cha mẹ để hiểu điều cha mẹ muốn nói khi nét mặt của họ không thể hiện rõ điều gì. Và ta tiếp tục làm vậy trong suốt cuộc đời. Cuối cùng, ta tin vào hoạt động giao tiếp bằng mắt khi tương tác vì đó là một dạng giao tiếp đồng thời. Các bạn không cần phải thay phiên nhau bộc lộ bản thân như nói chuyện. Nếu bạn từng chỉ dùng mắt để giao tiếp với bạn đời ở góc phòng, bạn sẽ biết giao tiếp này hoạt động ra sao.

  1. Giao tiếp bằng mắt thể hiện sự chú ý

Các nhà xã hội học nói rằng con người ngày nay khao khát sự chú ý. Mặc cho thực tế là đang “được kết nối” hơn bao giờ hết, con người vẫn khao khát những tương tác mặt đối mặt và muốn có một người thật sự lắng nghe họ. Ngoài việc sử dụng “những phản ứng ủng hộ”, chẳng hạn như gật đầu và đưa ra “sự công nhận thông tin” như “ừm” và “ờ” để thể hiện sự chú ý của bạn đến người mà bạn đang nói chuyện, giao tiếp bằng mắt cũng là một hình thức công nhận thông tin – một yếu tố rất quan trọng, cho đối phương thấy bạn nhận thức được điều họ nói. Hãy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy buồn thế nào khi nói chuyện với một người cứ nhìn quanh phòng để tìm người khác nói chuyện với bạn.

Ngày nay, khả năng giao tiếp bằng mắt khi nói là một công cụ đặc biệt hiệu quả; việc mọi người ngừng giao tiếp bằng mắt để kiểm tra điện thoại trong lúc nói chuyện đã trở nên phổ biến đến mức hành động dành cho ai đó sự chú ý hoàn toàn có thể thật sự giúp bạn chinh phục được họ.

  1. Giao tiếp bằng mắt tạo sự gắn kết thân mật

Khi tôi thực hiện một công việc hoặc có một cảm xúc và bạn quan sát tôi làm điều đó, một số tế bào thần kinh trong não tôi sẽ sáng lên, và chỉ thông qua việc quan sát tôi, cũng chính các tế bào thần kinh tương tự sẽ sáng lên trong não bạn. Điều này có thể xảy ra là nhờ “tế bào thần kinh gương” trong hộp sọ của chúng ta. Những tế bào này đặc biệt nhạy cảm với nét mặt và tất nhiên là cả ánh mắt. Đã bao giờ bạn có một cảm xúc mạnh mẽ sau khi nhìn vào mắt người đang trải qua nó chưa? Giao tiếp bằng mắt tạo ra những khoảnh khắc mà bạn có thể cảm thấy cảm xúc của người khác. Nó liên kết trạng thái cảm xúc của hai bạn và tạo ra sự đồng cảm và sự gắn kết thân mật.

Đó là lý do tại sao khi tương tác như những cá thể không hồn trên mạng internet, bạn rất dễ nổi giận hoặc ghét người khác, nhưng khi gặp trực tiếp và nhìn vào mắt họ, bạn thường cảm thấy được tính người trong họ và cơn giận của bạn tan biến.

Đồng điệu với người khác, chia sẻ cảm xúc, thể hiện sự chú ý, hình thành sự gắn kết: giao tiếp bằng mắt thật sự là một công cụ hiệu quả để kết nối với người khác.

Tại Sao Giao Tiếp Bằng Mắt Lại Khó Đến Thế?

Nhưng mặt khác… đồng điệu với người khác, chia sẻ cảm xúc, thể hiện sự chú ý, hình thành sự gắn kết… những việc này không hề dễ dàng – đặc biệt là đối với nam giới.

Trong khi người khác muốn nhìn vào mắt ta để họ có thể nắm bắt suy nghĩ và cảm xúc của ta, về phần mình, việc thể hiện những suy nghĩ trong đầu có thể khiến ta cảm thấy dễ tổn thương. Ta tránh giao tiếp bằng mắt khi ta không muốn người khác nhìn ta kỹ hơn và biết thêm về con người ta. Bản tính dè dặt này có thể hình thành từ nhiều nguyên nhân:

  1. Che giấu sự giả dối

Nếu cố tình giấu người khác sự thật, bạn có thể ngại nhìn vào mắt họ vì bạn sợ rằng đôi mắt bạn sẽ tiết lộ sự thật, và vì việc tạo sự gắn kết thân mật trong khi biết mình đang cố tình lừa dối người khác khiến bạn cảm thấy thật hổ thẹn. Đó là lý do tại sao mọi người sẽ thỉnh thoảng, dù không thường xuyên, tránh ánh nhìn của bạn khi họ đang nói dối bạn, tại sao mọi người nói những câu như: “Nhìn thẳng vào mắt tôi mà nói này!” và tại sao người giao tiếp bằng mắt liên tục được xem là đáng tin cậy hơn.

  1. Che giấu cảm xúc

Có những lúc bạn không phải cố che giấu một lời nói dối, mà chỉ đơn giản là muốn che đậy cảm xúc thật với người khác, chẳng hạn như khi bạn không nghĩ là phản ứng của mình trước việc đó sẽ được đón nhận. Tức giận, sợ hãi và ngạc nhiên là những cảm xúc thể hiện chủ yếu qua đôi mắt và là những cảm xúc khó che giấu nhất, và đó cũng là những cảm xúc ta thường muốn che giấu nhất.

  1. Bất an

Cuối cùng, một trong những lý do phổ biến cho việc mọi người tránh giao tiếp bằng mắt là do cảm giác bất an. Giao tiếp bằng mắt thúc đẩy nhiều sự tương tác hơn, và cảm nhận của bạn về bản thân có thể khiến bạn không muốn người khác nhìn mình kỹ hơn.

Những người có địa vị cao thường giao tiếp bằng mắt nhiều hơn khi nói chuyện với người khác, trong khi những người cảm thấy mình thấp kém sẽ ít giao tiếp bằng mắt và là người đầu tiên nhìn đi chỗ khác. Nếu một người đàn ông không thể nhìn vào mắt người khác trong lúc nói chuyện, thường là vì anh ta cảm thấy mình không ngang hàng với đối phương và không tin mình xứng tầm với người khác.

Nguyên nhân của sự thiếu tự tin này có thể là do cảm giác bất an về ngoại hình hoặc tâm trạng. Một nghiên cứu mà trong đó những sinh viên được cho xem các gương mặt nhìn vào họ với những ánh nhìn khác nhau – trực diện hoặc không trực diện. Sau đó, những sinh viên này đánh giá gương mặt mà họ cảm thấy dễ tiếp cận hoặc sẽ né tránh. Tiếp đến, họ thực hiện một khảo sát đánh gia sức khỏe tinh thần của họ. Những sinh viên đánh giá gương mặt có ánh nhìn trực diện là dễ tiếp cận thì ổn định về mặt cảm xúc hơn những người né tránh nó. Một nghiên cứu khác đặc biệt cho thấy người mắc chứng trầm cảm – vốn có thể gây hại đến sự tự tin của họ – ít giao tiếp bằng mắt hơn với mọi người.

Mọi người sẽ tránh giao tiếp bằng mắt khi nói lời mỉa mai, và nhìn trực diện khi đưa ra nhận xét chân thành, vì lời mỉa mai thường được nói bởi những người quá bất an nên không thể trực tiếp thể hiện ý kiến của mình.

Cách Tốt Nhất Để Cải Thiện Chất Lượng Của Việc Giao Tiếp Bằng Mắt

Mẫu số chung của cả 3 lý do trên cho việc tránh giao tiếp bằng mắt là cảm giác sợ bị từ chối. Nếu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thì giao tiếp bằng mắt đóng vai trò kiểm soát sự thân mật. Càng giao tiếp bằng mắt nhiều, bạn càng thể hiện được mình hơn. Vì thế, càng tự tin với những gì mọi người sẽ khám phá ra khi họ nhìn sâu hơn vào đôi mắt và trái tim bạn, bạn càng thoải mái khi nhìn vào mắt họ. Ngược lại, càng xấu hổ về điều người khác sẽ khám phá ra khi bạn cởi mở với họ, bạn càng nhìn sang hướng khác.

Dù ánh mắt của bạn có thay đổi thế nào thì cũng không quan trọng bằng việc bạn phải xử lý những vấn đề nội tại. Bạn có thể ép bản thân giao tiếp bằng mắt ngay cả khi bạn không muốn, nhưng giao tiếp bằng mắt tốt không nằm ở số lần bạn giao tiếp, mà là ở chất lượng của những lần đó. Mặc dù quan niệm “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” không đúng hoàn toàn, nhưng tôi nghĩ rằng có điều gì đó rất sâu sắc trong cách tính cách của ta thể hiện qua đôi mắt. Người có đôi mắt tử tế hầu như luôn là người tử tế. Người có đôi mắt long lanh hầu như luôn sở hữu sức sống đáng ganh tị. Và những người có đôi mắt vô hồn thường thì trong lòng họ cũng đã héo hon.

Do vậy, nền tảng của khả năng giao tiếp tốt bằng mắt thật sự xuất phát từ bên trong (thay đổi ngoại hình bên ngoài thông qua việc giảm cân hay cách ăn mặc cũng giúp ích, nhưng ngay cả những thay đổi này cũng cần có một sự thay đổi nào đó bên trong). Càng sống chính trực, bạn càng dễ nhìn vào mắt những người mà bạn gặp gỡ, rồi bạn sẽ giao tiếp bằng sự tự tin và một nụ cười thật sự.

Những Nguyên Tắc Để Giao Tiếp Bằng Mắt Hiệu Quả

Chỉ vì hoạt động giao tiếp bằng mắt thật tuyệt và là công cụ cực kỳ cần thiết để cải thiện chất lượng những tương tác trực tiếp của bạn với người khác, không có nghĩa việc giao tiếp bằng mắt nhiều là tốt hay mọi tương tác bằng mắt đều được thực hiện giống nhau. Bạn phải làm đúng – đúng thời điểm và đúng cách thức. Hôm nay ta sẽ khám phá cách để làm điều đó.

Chúng tôi sẽ bắt đầu với những kiến thức cơ bản về cách giao tiếp bằng mắt tốt trong tình huống trò chuyện thông thường. Sau đó, chúng tôi sẽ đề cập đến những mẹo giao tiếp bằng mắt trong những tình huống cụ thể. Hãy bắt đầu nào.

Những Nguyên Tắc Chung 

  1. Giao tiếp bằng mắt thúc đẩy giao tiếp bằng mắt

Có thể bạn ngần ngại giao tiếp bằng mắt với người khác bởi bạn không nghĩ họ muốn giao tiếp bằng mắt với bạn. Và dĩ nhiên, khi lần đầu bạn nhìn họ, họ sẽ nhìn đi chỗ khác. Nhưng họ làm vậy có thể là do họ đang suy nghĩ giống bạn; rằng bạn không thật sự muốn giao tiếp bằng mắt với họ. Mặc dù bạn đã chủ động, họ vẫn sợ bị từ chối. Hầu hết mọi người đều chờ đợi đối phương cho phép để cùng nhìn vào mắt nhau. Các nghiên cứu cho thấy khi một trong hai người bắt đầu giao tiếp bằng mắt nhiều hơn, người còn lại sẽ làm theo và tăng mức độ giao tiếp bằng mắt của mình.

  1. Nhưng đừng thái quá

Để giao tiếp bằng mắt hiệu quả, giao tiếp đó cần phải được chào đón và phù hợp. Khi hoạt động giao tiếp bằng mắt không được mong đợi, từ ánh nhìn bình thường, nó sẽ bị hiểu thành ánh nhìn chằm chằm, và mọi người cảm thấy không thoải mái khi bị nhìn chằm chằm như thế. Giao tiếp bằng mắt dẫn đến kích thích sinh lý – làm tăng hoạt động của vùng não trước trán và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, đẩy nhanh nhịp tim, hoạt động tiết mồ hôi và hơi thở. Điều này không chỉ xảy ra khi bạn trực tiếp nhìn vào mắt người khác mà còn xảy ra khi bạn nhận thấy người khác đang nhìn mình. Kích thích này có thể tốt – nếu bạn và một cô nàng xinh đẹp nhìn vào mắt nhau, điều này có thể tạo ra sự kết nối mạnh mẽ. Nhưng khi ai đó nhìn chằm chằm vào bạn theo cách đáng sợ như thể một con thú ăn thịt đang rình rập bạn ngoài hoang dã; nó sẽ kích hoạt “máy đo mối đe dọa” trong bạn.

Vì thế, giao tiếp bằng mắt tốt dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau. Như lời của Michael Ellsberg, tác giả cuốn The Power of Eye Contact:

“Để cảm thấy thoải mái khi giao tiếp bằng mắt, một người không thể áp đặt ý muốn giao tiếp lên đối phương; nó là một trải nghiệm chung. Lúc đầu các cặp mắt có thể chỉ chạm nhau chừng một giây; sau đó thì một người có thể thử giữ ánh nhìn trong vài giây, và khi được đón nhận, hai người có thể bắt đầu gia tăng tần suất giao tiếp bằng mắt cho đến khi họ cùng lạc vào một màn khiêu vũ ánh mắt tuyệt đẹp.”

Sau khi bạn đã cố gắng chủ động giao tiếp bằng mắt hai lần với đối phương, nếu họ không giao tiếp bằng mắt lại với bạn thì bạn nên bỏ cuộc.

  1. Khi nói chuyện với người không thân thiết, hãy ngả người về sau khi tăng giao tiếp bằng mắt

Khoảng cách thêm vào giữa hai bạn giúp cân bằng mức tăng giao tiếp bằng mắt, cho phép đối phương cảm thấy thoải mái và tránh sự thân mật tăng quá nhanh. Ngược lại, khi ai đó chia sẻ với bạn những vấn đề sâu sắc và cá nhân, hãy nghiêng người về phía trước khi bạn nhìn vào mắt họ để chứng tỏ bạn đang hoàn toàn chú ý đến họ.

  1. Mỗi lần chỉ tập trung nhìn vào một bên và thay đổi qua lại giữa hai mắt

Khi ngồi gần ai đó, bạn không thể nhìn đồng thời hai mắt của họ, và nếu cố làm vậy, ánh nhìn của bạn sẽ gây khó chịu. Có thể bạn chưa bao giờ dừng lại để nghĩ về chuyện đó, nhưng khi nhìn vào mắt người khác, bạn thường nhìn vào từng bên một. Có thể bạn có xu hướng tập trung nhìn vào một bên (phải hoặc trái), nhưng thật tốt khi bạn chuyển ánh nhìn qua mắt kia trong cuộc nói chuyện (điều đó trông tự nhiên hơn và cho thấy bạn chú ý và hứng thú hơn). Đừng chuyển ánh nhìn qua lại giữa hai mắt của đối phương quá thường xuyên – bạn không muốn mình trông như đang theo dõi trận đấu bóng bàn đâu. Hãy cứ nhẹ nhàng và tự nhiên.

Một số người bảo rằng vì không thể nhìn vào cả hai mắt của người khác một lúc, bạn nên nhìn vào sóng mũi họ. Nhưng đôi lúc đối phương có thể nhận ra điều này, khiến cho hành động của bạn có vẻ giả tạo.

  1. Đừng làm quá

Giao tiếp bằng mắt nhiều thì tốt… đến một mức độ nhất định. Bạn không muốn nhìn vào mắt người khác trong suốt cuộc nói chuyện. Khoảng mỗi 5 giây, hoặc sau mỗi câu, hãy rời mắt khỏi họ một chút rồi nhìn lại. Hãy tìm một nhịp điệu tự nhiên – đừng đếm nhẩm số giây trong đầu.

Nếu ngay từ đầu bạn không biết làm sao để tìm ra nhịp điệu đó, hãy thử “phương pháp tam giác”. Nhìn vào một trong hai mắt của đối phương, sau đó nhìn vào mắt còn lại, tiếp đến nhìn vào miệng, sau đó trở lại mắt bên kia, rồi cứ vậy. Khi bạn luyện tập phương pháp này và biết giao tiếp bằng mắt thế nào là tốt, bạn có thể để mọi chuyện xảy đến tự nhiên. Bạn cũng nên nhớ rằng việc ngừng giao tiếp bằng mắt và nhìn đi chỗ khác khi nhớ về một kỷ niệm, suy nghĩ điều gì đó hoặc sắp xếp suy nghĩ về điều muốn nói tiếp theo là bình thường và hợp lý.

  1. Khi ngừng giao tiếp bằng mắt, hãy nhìn sang hai bên, đừng nhìn xuống

Nhìn xuống khi ngừng giao tiếp bằng mắt thể hiện địa vị thấp, sự xấu hổ và/hoặc phục tùng. Đó không phải là thông điệp bạn muốn truyền tải. Thay vào đó, hãy nhìn sang hai bên.

  1. Cải thiện giao tiếp bằng mắt

Cải thiện giao tiếp bằng mắt là việc bạn có thể làm khá nhanh chóng và dễ dàng. Bạn chỉ cần luyện tập thôi. Hãy bắt đầu bằng cách giao tiếp bằng mắt nhiều hơn với gia đình; bạn có thể nhận ra mình có thói quen không nhìn vào mắt em trai khi nói chuyện. Sau đó, hãy tăng tần suất giao tiếp bằng mắt với bạn bè, rồi đến đồng nghiệp. Khi bạn bắt đầu cảm thấy thoải mái với việc giữ ánh nhìn của người khác, hãy giao tiếp bằng mắt với người bán hàng và người phục vụ. Cuối cùng, hãy bắt đầu giao tiếp bằng mắt với người lạ và người mà bạn mới gặp. Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ trở thành chuyên gia giao tiếp bằng mắt cho mà xem.

Các Mẹo Giao Tiếp Bằng Mắt Trong Những Tình Huống Cụ Thể

  1. Trong kinh doanh và buôn bán 

Khi phê bình/phản hồi nhân viên. Ngồi ngay phía đối diện khiến cuộc nói chuyện trở nên đáng sợ hơn và có vẻ giống buổi thẩm vấn. Thay vào đó, hãy ngồi cạnh nhân viên một góc 45 độ về phía tay thuận của bạn. Vị trí này giúp bạn tự nhiên hơn khi chuyển ánh nhìn từ mắt người đó sang tập tài liệu trước mặt bạn.

Khi cố gắng bán hàng. Nếu bạn là người bán, việc giao tiếp bằng mắt với người mua tiềm năng là rất quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ, nhưng cũng rất hữu ích nếu bạn chú ý khi họ giao tiếp bằng mắt với bạn. Họ sẽ thường làm vậy khi bạn nói điều gì đó đặc biệt thú vị, vì vậy hãy dừng lại và trình bày thêm về điểm đó.

Khi bạn thuyết trình. Hãy giao tiếp bằng mắt với mọi người trong phòng. Đừng chỉ giao tiếp bằng mắt với chủ tịch mà quên phó chủ tịch. Đừng quên giao tiếp bằng mắt với thư ký.

Trong buổi phỏng vấn xin việc. Khi phỏng vấn xin việc, giao tiếp bằng mắt là yếu tố quan trọng thứ hai chỉ sau cách ăn mặc khi nói đến những yếu tố ảnh hưởng không lời. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng người phỏng vấn “thường tuyển dụng và đánh giá những ứng viên duy trì mức độ giao tiếp bằng mắt trung bình hoặc cao hơn những người nhìn đi chỗ khác là đáng tin cậy và hấp dẫn.” Vì vậy, hãy đảm bảo mình giao tiếp bằng mắt tốt với nhà tuyển dụng bằng cách áp dụng những mẹo trên.

  1. Khi bạn muốn chiếm ưu thế

Giao tiếp bằng mắt nhiều hơn khi bạn nói so với khi bạn lắng nghe

Người có địa vị cao giao tiếp bằng mắt nhiều hơn khi họ nói, và ít giao tiếp bằng mắt hơn khi họ lắng nghe; hành động này thể hiện quyền lực. Những người địa vị thấp thì ngược lại, và điều này thể hiện sự phục tùng. Tỉ lệ giao tiếp bằng mắt khi nói/giao tiếp bằng mắt khi nghe cao được gọi là áp đảo về thị giác.

Hãy nhớ rằng trong hầu hết các tương tác, dù cho bạn thật sự có địa vị cao hơn người mà bạn đang trò chuyện, cách tốt nhất vẫn là giao tiếp bằng mắt ở mức ngang nhau khi nói hoặc lắng nghe. Bạn sẽ có lợi khi giao tiếp bằng mắt nhiều khi lắng nghe, vì nó khiến đối phương cảm thấy mình được quan tâm, đây là mấu chốt giúp bạn trở nên hấp dẫn, và từ đó tăng sức thuyết phục. Những người đàn ông Ronald Reagan và Bill Clinton nổi tiếng với khả năng khiến mỗi người họ gặp cảm thấy mình được chú ý hoàn toàn, và họ làm điều đó bằng cách nhìn thẳng vào mắt và thật sự lắng nghe đối phương.

Nhưng trong những tình huống cần thể hiện cấp bậc, và bạn là người cao nhất, hãy thử giao tiếp bằng mắt nhiều hơn khi nói và ít hơn khi lắng nghe.

Che giấu đôi mắt

Khi ai đó không để lộ mắt mình, cuộc nói chuyện và phản hồi giữa họ và người khác trở thành một phía. Người “không có mắt” này có thể biết đối phương đang nghĩ gì, nhưng đối phương thì không hề biết người này nghĩ gì. Đó là lý do tại sao các nghiên cứu cho thấy người không để lộ mắt có vẻ quyền lực và kiểm soát hơn – mặc dù sự mất cân bằng này có thể khơi gợi cảm xúc oán giận ở người mà họ tương tác. Đó là lý do tại sao cảnh sát đeo kính râm thì trông quyền lực, người đeo kính râm trong nhà thì khiến gây khó chịu.

Nhìn chằm chằm

Khi bạn không thể hoặc không muốn giấu đi đôi mắt, nhưng vẫn muốn đe dọa họ, bạn nên nhìn chằm chằm vào họ và chuyển ánh nhìn trước họ. Người giữ được ánh nhìn của mình thể hiện uy quyền và địa vị cao, trong khi việc nhìn sang hướng khác trước là dấu hiệu của sự phục tùng. Duy trì ánh nhìn thể hiện sự tự tin vốn đôi khi có thể giúp làm đối thủ nhụt chí, hoặc khiến một người muốn gây hấn phải lùi lại.

  1. Chạm ánh mắt với người đi đường

Trước hết, tại sao bạn lại muốn làm điều này?

Michael Ellsberg tranh luận rằng giao tiếp bằng mắt với người đi ngang qua bạn trên phố không chỉ là bài luyện tập cực hiệu quả cho việc giao tiếp bằng mắt với những người mà bạn quen biết và tạo cơ hội cho nhiều cuộc hẹn hơn, nó thậm chí còn thay đổi thái độ của bạn về cảnh vật xung quanh.

“Trước đây, tôi đi vòng quanh thành phố và chủ yếu xem những người tôi gặp phải là chướng ngại vật hoặc mối phiền phức. Nhưng khi tôi bắt đầu thói quen này – nhìn vào cửa sổ tâm hồn của hàng trăm người mỗi ngày – phong cảnh hoàn toàn thay đổi. Đột nhiên tôi nhìn thấy ngoài kia có rất nhiều cái hay cái đẹp, rất nhiều nỗi buồn, rất nhiều gánh nặng, rất nhiều niềm vui… Thành phố trở thành một bản nhạc cảm xúc – tất cả nhờ vào sự thay đổi đơn giản này.”

Theo Ellsberg, có một số bí quyết để giao tiếp bằng mắt thành công với người đi đường, và những bí quyết này đều xoay quanh thực tế là bạn không muốn hành động giao tiếp bằng mắt của mình khiến người khác cảm thấy bị đe dọa. Đầu tiên, Ellsberg khuyên bạn nên giữ nét mặt trung dung và ánh nhìn nhẹ nhàng – cơ mắt và cơ mặt phải thả lỏng – tránh nhìn chằm chằm. Thứ hai, bạn không muốn bắt đầu giao tiếp bằng mắt với người ở quá xa bạn; bạn nên thử giao tiếp bằng mắt với người đó khi bạn cách họ 4-5 bước. Cuối cùng, hãy chỉ nhìn vào mắt họ trong một khoảng thời gian rất ngắn – sau một bước chân hoặc đủ lâu để nhìn thấy màu mắt họ.

  1. Khi cố gắng tán tỉnh phụ nữ

Giao tiếp bằng mắt là một trong những cách tốt nhất để tạo sức hút với phụ nữ và có lợi trong mọi giai đoạn của một mối quan hệ:

Lân đầu chạm ánh mắt

Giao tiếp bằng mắt với phụ nữ. Mặc dù bạn có thể nghĩ sức hút của bạn là một hằng số, các nghiên cứu cho thấy sức hút của bạn với người khác bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như nét mặt và dĩ nhiên là cả việc bạn có nhìn về hướng họ hay không. Chỉ cần vừa nhìn trực tiếp vào một phụ nữ vừa mỉm cười là đã giúp bạn trông hấp dẫn hơn trong mắt nàng rồi. Khuôn mặt hấp dẫn nhất để thể hiện trước phụ nữ là khuôn mặt có đôi mắt nhìn thẳng, thả lỏng (đừng thể hiện sự căng thẳng, đặc biệt là quai hàm) và một nụ cười tự nhiên.

Nếu cô ấy bắt gặp ánh mắt của bạn, đừng nhìn sang hướng khác. Bạn nên nhớ rằng người giữ ánh nhìn lâu hơn sẽ thể hiện quyền lực; bạn không hề cố khẳng định sự vượt trội ở đây – giữ ánh nhìn chẳng qua là dấu hiệu cho thấy sự tự tin, yếu tố vốn thu hút phụ nữ.

Giải mã hành động giao tiếp bằng mắt của cô ấy. Khi bạn nhìn một phụ nữ, cô ấy thường nhìn đi hướng khác bất kể cô ấy có thích bạn hay không. Nhưng cách nàng chuyển hưởng ánh nhìn của mình nói lên rất nhiều rằng liệu nàng muốn làm quen hay không:

  • Nếu cô ấy nhìn xuống và sau đó nhìn lại bạn trong vòng chưa đến 45 giây sau thì rất có thể cô ấy thích bạn. Đây là dấu hiệu chắc chắn rằng bạn không cần phải tán tỉnh cô ấy – bạn chỉ cần đề nghị bắt tay và giới thiệu bản thân.
  • Nếu cô ấy nhìn sang hai bên thì cô ấy không chắc mình có thích bạn hay không. Hãy cười và giao tiếp bằng mắt một lần nữa để xem phản ứng của cô ấy.
  • Nếu cô ấy nhìn lên trên thì có nghĩa là cô ấy không thích bạn. Về cơ bản, cô ấy chán bạn.

 

Sau khi hai ánh mắt chạm nhau 

Khi bạn đã giao tiếp ánh mắt và bắt đầu nói chuyện với cô ấy, đừng ngừng hoạt động giao tiếp này vì nó vẫn sẽ tiếp tục giúp ích cho bạn.

Trong một nghiên cứu do tiến sĩ Arthur Aron thực hiện, những người lạ được đưa vào một phòng thí nghiệm và chia thành những cặp một nam một nữ. Những cặp đôi được yêu cầu nhìn vào mắt nhau trong vòng hai phút liền sau này báo rằng họ cảm thấy thu hút, có tình cảm và thậm chí là yêu đối phương. Một trong những cặp đôi đó còn kết hôn với nhau.

Vì vậy, giao tiếp bằng mắt có thể giúp tạo sự khởi đầu cho một mối quan hệ và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó. Hơn nữa nó còn giữ lửa cho tình yêu. Các nghiên cứu cho thấy những cặp đôi yêu nhau say đắm nhất giao tiếp bằng mắt nhiều nhất và duy trì hoạt động đó trong khoảng thời gian dài hơn.

  1. Khi diễn thuyết

Những diễn giả giao tiếp bằng mắt với khán giả được xem là đáng tin, có năng lực và tự tin hơn. Giao tiếp bằng mắt cũng giúp bạn phát triển sự thân thiết giữa bạn và khán giả, và mối quan hệ này tạo ra nét đặc biệt, dần dần giúp thông điệp của bạn thuyết phục hơn. Những người thường xuyên nhìn vào ghi chú thì có vẻ lo lắng (Họ có điều gì phải che giấu sao? Họ không đủ khả năng chuẩn bị đầy đủ sao?) và thường dễ bị phớt lờ.

Khi diễn thuyết trước một lượng lớn khán giả, tất nhiên bạn không thể giao tiếp bằng mắt với từng người. Một số người khuyên bạn nên giả vờ bằng cách nhìn qua đầu họ – nhưng bạn chẳng thuyết phục được ai bằng phương pháp này đâu. Bạn cũng không nên cứ nhìn xuống ghi chú rồi lại nhìn khán giả… Cuối cùng, đừng “lướt mắt” một mạch qua khán giả. Thay vào đó, bạn nên thật sự giao tiếp bằng mắt với họ.

Để làm điều được này, đầu tiên bạn cần nhớ nội dung bài nói chuyện của mình, và nếu bạn không thể nhớ hết, hãy viết ra các ý chính, nhờ đó bạn sẽ chỉ cần nhìn xuống vài lần để tìm ý. Giờ đây mắt bạn đã được tự do để nhìn khắp phòng, bạn có thể giao tiếp bằng mắt với khán giả theo nhiều cách, tùy vào số lượng khán giả:

Dưới 30 người. Khi bạn diễn thuyết trước một nhóm nhỏ, khoảng trong một bàn họp, đừng liên tục nhìn theo chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ quanh bàn, rồi dừng vài giây để giao tiếp bằng mắt với từng người. Mọi người sẽ bắt đầu đoán trước và sợ tới “lượt” của họ. Hãy luôn nhìn vào một người ngẫu nhiên và thay đổi trong suốt bài thuyết trình.

Trên 30 người. Hãy thử phương pháp tam giác; nó cũng giống với phương pháp được trình bày ở trên, nhưng đỉnh của tam giác là con người chứ không chỉ mắt và miệng của một người. Hãy tưởng tượng một hình tam giác vô hình giữa các khán giả. Bạn giao tiếp bằng mắt với người ở góc bên phải tam giác, sau đó là người ở góc trên, rồi đến góc bên trái. Sau đó lặp lại. Để xáo trộn nó lên và khiến các thành viên không dự đoán được, hãy thỉnh thoảng đảo ngược chiều của tam giác.

Từ 75-300 người. Chia khán giả thành 5 nhóm trong đầu, sau đó di chuyển ánh nhìn từ nhóm này sang nhóm khác, chọn một người khác nhau trong nhóm đó để giao tiếp bằng mắt mỗi lần.

Hơn 300 người. Nếu số lượng khán giả quá lớn, hãy tập trung giao tiếp bằng mắt với những người ngồi hàng đầu, đồng thời thỉnh thoảng nhìn ra sau.

Với mọi phương pháp thì bí quyết đều là hãy di chuyển ánh mắt từ người này sang người khác một cách ngẫu nhiên và tự nhiên. Bạn không muốn trông có vẻ bộp chộp kiểu như… “Anh/chị đây rồi! Hãy cảm nhận sức mạnh từ ánh mắt của tôi này! Và anh/chị nữa! Giờ tới lượt anh/chị!”

4 bí quyết khi diễn thuyết với mọi số lượng khán giả:

  1. Cởi mở với giao tiếp bằng mắt.Khi bạn đứng trên bục hoặc ở phía đầu phòng họp, hãy dành vài giây mỉm cười và giao tiếp bằng mắt với mọi người trước khi bạn bắt đầu nói. Điều này giúp bạn tạo được ấn tượng tốt ngay từ đầu.
  2. Đừng dán mắt vào màn hình Powerpoint.Đầu tiên, bạn nên giữ cho các slide cực kỳ đơn giản và sạch sẽ. Thứ hai, bạn nên thuộc nội dung trên slide để không phải nhìn lên slide và làm khán giả chán ngấy bằng cách đọc nó.
  3. Nhìn vào cả những gương mặt thân thiện lẫn khó chịu.Đừng chỉ giao tiếp bằng mắt với những gương mặt thân thiện trong đám đông. Hãy nhìn cả những gương mặt khó chịu, chán chường nữa. Việc giao tiếp bằng mắt với họ có thể thuyết phục họ nghe thông điệp của bạn. Nhưng sau khi nhìn vào gương mặt khó chịu một lúc, hãy nhìn vào những người đang ủng hộ bạn để duy trì năng lượng.
  4. Đừng quên giao tiếp bằng mắt với mọi người vào cuối buổi diễn thuyết.Ta rất trở nên vội vàng vào các phút cuối, nhưng đó lại là lúc bạn thật sự nên để lại ảnh hưởng. Hãy đảm bảo bạn nhìn vào mắt mọi người khi kết thúc bài diễn thuyết để làm nổi bật trọng tâm của nó.

Sources:

The Power of Eye Contact: Your Secret for Success in Business, Love, and Life by Michael Ellsberg
Handbook of Interpersonal Communication by Mark L. Knapp and Gerald R. Miller
Sex Signals: The Biology of Love by Timothy Perper
“Learning the Look of Love” by Cheryl Murphy
Communication Theory by C. David Mortensen

Tác giả: Brett & Kate McKay 

Dịch: https://www.ubrand.cool/courses/nghe-thuat-giao-tiep-bang-mat-trong-cuoc-song-cong-viec-va-tinh-yeu?sub=lesson3221

Nguồn: Artofmanliness

http://www.artofmanliness.com/2012/02/05/look-em-in-the-eye-part-i-the-importance-of-eye-contact/

http://www.artofmanliness.com/2012/02/12/look-em-in-the-eye-part-ii-how-to-make-eye-contact-the-right-way-in-life-business-and-love/

 Theo Tâm lý học tội phạm

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *