Ảnh minh họa
Thuyết phục là việc làm cho người khác thay đổi hành vi và hành động theo hướng mình mong muốn, để đạt được mục tiêu của mình. Trong một xã hội mà con người có quá nhiều sự lựa chọn về sản phẩm, về những dịch vụ cho cuộc sống, việc lĩnh hội nghệ thuật thuyết phục ngày càng ảnh hưởng đến thành công của mỗi cá nhân.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta không thành công khi thuyết phục người khác. Trường hợp của Thành, dù dành nhiều thời gian chuẩn bị nhưng vẫn chưa có được thành công như Hoàng – đồng nghiệp của mình. Lý do lớn nhất là trong khi Hoàng tiếp xúc khách hàng với một thái độ rất tự nhiên, quan sát khách hàng một cách khéo léo đủ để nhận ra những sở thích của họ thì Thành lại giới thiệu sản phẩm với khách hàng một cách quá máy móc. Điều này khiến khách hàng có cảm giác giống như mình đang nghe một học sinh “trả bài”, một sai lầm mà Thành mắc phải nữa là anh quá chú trọng vào việc giới thiệu những sản phẩm của công ty mà quên mất việc lắng nghe những phản hồi từ khách hàng, khiến khách hàng có cảm giác “Mình đang bị lừa”.
Ngoài trường hợp của Thành, cũng có những trường hợp do không có sự tìm hiểu trước về đối tượng mà mình sẽ thuyết phục nên đã không có được sự thành công như mong đợi. Khi được mời phỏng vấn, Hương đã làm rất tốt những gì mình đã chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn từ việc giới thiệu bản thân, cho đến việc trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng. Hương thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy mình là một người nói năng tốt, có kiến thức và hiểu biết, có những thành công nhất định. Tuy nhiên, có thể nói phần trình bày của Hương lưu loát đến mức gần giống như thuộc bài. Mặt khác, Hương nói về mình quá nhiều nên nó gần giống một kịch bản PR cá nhân. Vẫn thấy đây là một ứng viên có khả năng nhưng vẫn chưa thể chinh phục được Hội đồng tuyển dụng nên kết quả thuyết phục bất thành. Chính vì vậy Hương đã không giành được vị trí mà mình ứng tuyển.
Nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng, chán nản khi sau một quá trình thuyết phục đầy nhiệt tình và nhiệt huyết lại chỉ nhận được những sự tán thành hờ hững, hay nhận được một cái nhíu mày, nhăn trán… Thế nhưng, hoàn toàn có thể trở thành một người thuyết phục hiệu quả nếu biết chú ý một số yếu tố chủ yếu để rèn luyện kỹ năng này. Việc tìm hiểu đối tượng sẽ thuyết phục đóng vai trò quan trọng bởi vì hiểu đối tượng của tôi cần gì, đối tượng của tôi đang ở trong hoàn cảnh nào… sẽ giúp có sự chuẩn bị tốt nhất và ứng xử phù hợp nhất khi đối diện với họ. Luôn tôn trọng đối tượng của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôn trọng họ bằng cách lắng nghe họ phản hồi, tạo cơ hội cho họ được nói bằng một thái độ cởi mở và chân thành nhất. Điều thật sự cần thiết là tạo ra sự tin tưởng ở đối tượng thuyết phục bằng ngôn ngữ mạch lạc, từ ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất, lập luận có dẫn chứng, tạo ra sự độc đáo và thú vị. Tốt nhất bạn nên đặt mình vào hoàn cảnh của họ, thấu hiểu những lo lắng của họ và biết cách chia sẻ, điều này tạo ra sự kết nối, sự đồng điệu, sự đồng cảm – yếu tố then chốt “lôi kéo” người khác về phía mình.
Thuyết phục bố mẹ, thuyết phục bạn bè hay thuyết phục nhà tuyển dụng tuy có những điểm khác nhau nhưng những yếu tố quan trọng nhất để giúp bạn đạt được những kết quả nhất định trong việc thuyết phục nằm ngay ở chính bản thân bạn. Hãy tin tưởng vào khả năng của mình và có sự chuẩn bị tuyệt vời cho việc thuyết phục.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn