NGHIỆN TRÒ CHƠI TRỰC TUYẾN – ĐỪNG ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI


images737038_9Vấn đề nghiện game online ở lứa tuổi thanh thiếu niên không chỉ là vấn đề được xã hội Việt Nam quan tâm. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang xem nghiện game online là một vấn đề liên quan trực tiếp đến Sức khỏe tinh thần học đường được nghiên cứu và đưa vào nhiều giải pháp khác nhau. Nhiều quốc gia đã nghiên cứu trên diện rộng và đưa ra những con số báo động. Điển hình nhất, hai quốc gia có tỷ lệ nghiện game online vào mức cao nhất Thế giới là Hàn Quốc và Trung Quốc với gần hơn 10%, Singapore với tỷ lệ là 9% bao gồm cả học sinh tiểu học và trung học, ở Mỹ có 8.5% thanh niên nghiện game online, riêng thống kê của WTO thì tỷ lệ nghiện game online chung của Thế giới dao động trong khoảng 7% đến 10%.

Ở Việt Nam, nhiều công trình, cuộc khảo sát cũng đã được triển khai nghiên cứu về thực trạng này nhưng thật sự chưa có một công trình nào đưa ra một số liệu về tỷ lệ nghiện game online chính xác ở các cấp học giáo dục phổ thông. Trong công trình nghiên cứu về “Biểu hiện hành vi nghiện game online ở học sinh một số trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” * được tiến hành gần đây trên 420 học sinh tại bốn trường THPT nội thành Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả bước đầu cho thấy có 6.89% học sinh thuộc mẫu nghiên cứu được “quy vào” nghiện game online, trong đó, mức nghiện game online nhẹ có đến 5.2%. Trong quá trình tiếp xúc phỏng vấn học sinh có chơi game online không ít học sinh tự nhận là mình “nghiện” game online. Ở mức độ này các em bắt đầu  rơi vào giai đoạn không kiểm soát được việc chơi game online hay nói cách khác là dần mất khả năng điều chỉnh bản thân trong việc chơi game online. Trường hợp của em L.Đ.V (học sinh lớp 10, THPT Thanh Đa) cho thấy em nhận mình là nghiện game online nhưng không đến nỗi nghiêm trọng. “Em hay chơi game online sau giờ học về nhà muộn nên phải nói dối với ba mẹ là ở lại làm vệ sinh hoặc tham gia phong trào ở trường. Nhiều lúc em biết rằng khi đi chơi game online về là thế này cũng bị ba la mắng, thậm chí là ăn đòn… nhưng em vẫn cứ chơi để rồi bị la, bị đánh”. Hành vi này cho thấy em bắt đầu bất chấp những hậu quả từ việc chơi game online chơi lại và không cưỡng lại việc chơi game online. Việc rời khỏi game online trở thành một việc hết sức khó khăn, đôi khi phải cần sự dỗ dành nài nỉ từ người khác thì các em mới chịu tách khỏi trò chơi. Thông thường thì các em sẽ miễn cưỡng và có khuynh hướng mặc cả để được chơi lâu hơn.

Đặc biệt, học sinh rơi vào mức độ nghiện vừa chiếm 0.95%, gần chiếm 1/100 mẫu. Mức độ này người chơi không thể kiểm soát được hành vi chơi game online của bản thân và bắt đầu có những hậu quả nghiêm trọng mà cụ thể nhất là những hành vi lệch chuẩn. Em L.Đ.D (lớp 11) cho biết: “Mỗi ngày, em đều “luyện game” không dưới 5 tiếng đồng hồ. Sau giờ học ở trường, em xin tiền ba mẹ đi học thêm, học phụ đạo nhưng thật ra là dùng ấy để mà chơi game online. Em cứ viện cớ là đi học thêm, học nhóm ở nhà bạn mà những bữa cơm với gia đình cũng thưa dần.” Những em học sinh rơi vào mức độ này thì việc chơi game online đã thành thói quen và là một nhu cầu bắt buộc. Những lời nhắc nhở hay dỗ dành từ người khác không có tác dụng mà phải dùng đến những biện pháp kỷ luật để bắt các em rời khỏi máy tính. Biểu hiện nổi bật nhất là các em dần trở nên cách biệt với những người xung quanh và quan hệ gia đình, bạn bè trở nên nhạt dần, không quan tâm đến học hành và liên tục có nhiều hành vi chống đối. Đáng chú ý là tình trạng của em L.Đ.D (được phỏng vấn sâu) hiện giờ vẫn chưa được gia đình và nhà trường phát hiện ra. Ranh giới chuyển sang mức độ nghiện nặng của em đã rất mong manh.

nghien-game

Điều này, làm chúng tôi trăn trở hơn với con số 0.71% cho mức độ nghiện nặng. Tuy con số này không phải cao, chưa tới 1/100 nhưng nó có thể sẽ thấp hơn nếu như nhiều trường hợp giống em L.Đ.D được quan tâm và phát hiện kịp thời. Ở giai đoạn nghiện game online nặng, các em sẽ không kiểm soát được bản thân mà thay vào đó là game online sẽ kiểm soát các em. Việc rời khỏi trò chơi là một việc gì đó rất đau khổ, các em quên mất thời gian, quên hết mọi việc và bỏ rơi các mối quan hệ xung quanh, xuất hiện hàng loạt hành vi lệch chuẩn để thỏa mãn việc chơi game online. Tinh thần và sức khỏe lúc này có dấu hiệu của những khủng hoảng trầm trọng. Nhưng thực tế con số 0.71% cho mức độ nghiện game online nặng này có dừng lại ở đó? Và thực tế tình trạng của những học sinh này có được “hỗ trợ” kịp thời không? Câu hỏi của bài toán này thật khó mà tìm một đáp án chính xác. Với phạm vi và khả năng của đề tài nghiên cứu này, con số này vẫn chỉ mang tính chất tương đối và dự báo. Trên thực tế, khả năng số liệu thống kê này sẽ ra sao nếu được triển khai ở mức rộng hơn và có sự tham gia nhiều hơn của các nhà khoa học chuyên môn. Những số liệu chỉ mang tính tương đối và dự báo này có thể cao hơn là điều tất yếu nếu không tiếp tục có những giải pháp can thiệp thiết thực vào vấn nạn này.

Số lượng học sinh đang nghiện game online ở các cấp học và hậu quả thực tế của nó đang tác động đến các em như thế nào hiện nay vẫn còn đang rất mơ hồ mặc dù xã hội đã rất nhiều lần lên tiếng báo động. Nhưng mọi sự báo động hiện giờ đang dường chỗ cho một sự im lặng, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng “đánh trống bỏ dùi”. Phải chăng “nghiện trò chơi trực tuyến” sẽ lại là một vấn đề mang tính xã hội đi vào quên lãng khi mọi người xem nó không còn là một vấn đề thời thượng để đề cập hay bàn cãi đến nữa. Trách nhiệm ngăn chặn vấn nạn nghiện game online không thể quy vào cho bất kỳ một tổ chức, nhà trường hay gia đình nào. Mà điều quan trọng là mỗi cá nhân, chính quyền, nhà trường và gia đình nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của mình trong việc ngăn chặn vấn đề này ở học sinh và có những hành động chủ động thật sự cụ thể và thiết thực chứ không phải là “đánh trống bỏ dùi”. Một phụ huynh đã bối rối hỏi chúng tôi trong nước mắt: “Con tôi nghiện game online thì phải đưa nó đến đâu điều trị ngoài bệnh viện tâm thần?”. Chỉ có người cha người mẹ có con vướng vào con đường này mới thật sự cảm nhận được nỗi đau mà “game online” đem lại. Chỉ có họ mới thấu hiểu hết được rằng nghiện game online cũng nguy hiểm như những nghiện khác. Và họ là những người mong mỏi nhất những sự hỗ trợ, mong mỏi nhất có một trung tâm cai nghiện game online để không bối rối “trói con mình vào cột, dùng roi vọt mạnh tay để ngăn con không đi chơi game online”.

Trách nhiệm này cần được thực hiện một cách rốt ráo. Không thể bày ra rồi để đấy hay đánh trống bỏ dùi khi những nguy cơ tiềm ẩn cứ chực bùng phát một cách mãnh liệt và sâu sắc.

TS Huỳnh Văn Sơn – Chuyên viên Mai Mỹ Hạnh

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *