Ngộ nhận trong tâm lý học: Hầu hết những người bị lạm dụng tình dục trong tuổi thơ ấu đều có những bất ổn nghiêm trọng về tính cách khi trưởng thành

Tâm lý học phổ cập đã đánh giá thấp sự hồi phục thời thơ ấu, thường coi trẻ em là những người mong manh, “dễ bị tổn thương” khi đối mặt với những bi kịch trong cuộc sống.

“Vết sẹo cuộc đời”, những từ như thế xuất hiện trong không ít những cuốn sách tâm lý học nổi tiếng viết về những nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Nhiều tài liệu còn khẳng định rằng tình trạng bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu gây ra những thay đổi vĩnh viễn về tính cách, bao gồm những vết thương tâm lý không bao giờ lành. Những cuốn sách tâm lý khác, như cuốn Tình trạng khẩn cấp về đạo đức của Jade Angelica, đều đề cập đến “vòng tuần hoàn của hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ em”. Theo những cuốn sách này, hầu hết hay rất nhiều người từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ trở thành kẻ lạm dụng khi trưởng thành. Một số cuốn sách tự rèn luyện thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em luôn để lại dấu vết đau thương của nó trong tính cách. Thiếu tự tin, khó gần, miễn cưỡng chấp nhận người khác trong những mối quan hệ và sợ quan hệ tình dục là những dấu hiệu phổ biến được lưu truyền của tình trạng bị lạm dụng tình dục.

Những thay đổi đặc biệt về tính cách bị gây ra bởi tình trạng bị lạm dụng tình dục lúc nhỏ được giới tâm lý học thừa nhận là sự thật hiển nhiên. Một tờ báo nổi tiếng (Megan) khẳng định rằng: “Nhiều chuyên gia nói, giống như một vết sẹo, những ảnh hưởng của tình trạng lạm dục tình dục không bao giờ biến mất, sẽ tiếp tục tác động đến nạn nhân bằng nhiều cách khác nhau, như gây ra nạn nghiện rượu, hay nghiện ma túy, thiếu tự tin, ly hôn và mất niềm tin vào cuộc sống”. Hay trong cuốn sách bán được hơn một triệu bản có tên Dũng cảm để quên của mình, hai tác giả Ellen Bass và Laura Davis đã chia sẻ với độc giả như sau:

Ảnh hưởng lâu dài của tình trạng bị lạm dụng tình dục khi còn bé có thể rất bao quát đến nỗi đôi khi thật khó để xác định chính xác được mức độ tác động của nó đối với nạn nhân. Nó xuất hiện trong toàn bộ cuộc sống: nhận thức về bản thân, mối quan hệ tình cảm, khả năng tình dục, cách nuôi dạy con, công việc, kể cả lối suy nghĩ của bạn. Nhìn đâu đâu bạn cũng thấy những ảnh hưởng của nó.

Thêm vào đó, nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood, như Gã cao bồi nửa đêm (1969), Màu tía (1985), Forrest Gump (1994), Antnowe Fisher (2002) và Dòng sông huyền bí (2003), cũng mô tả về nhiều nhân vật trải qua những thay đổi đặc biệt về tính cách bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ.

Cũng dễ hiểu khi nhiều người tin rằng mối quan hệ mật thiết giữa tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em với những thay đổi về tính cách là có căn cứ vững chắc. Trong một cuộc khảo sát 246 cư dân ở vùng Oregon, 68% đàn ông và 74% phụ nữ tán thành quan điểm cho rằng tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em luôn gây ra những thay đổi rõ ràng trong tính cách.

Sự thật là tình trạng bị cưỡng bức khi còn nhỏ, nhất là với mức độ nghiêm trọng, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng hầu hết những phát hiện trong các tài liệu nghiên cứu về những hậu quả lâu dài do tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em gây ra chỉ là những phát hiện truyền miệng. Rất nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh rằng những hậu quả do tình trạng này gây ra không kéo dài vĩnh viễn.

Năm 1998, Bruce Rind và đồng nghiệp của mình cùng nhau phân tích những tài liệu nghiên cứu về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em ở những sinh viên đại học. Trước đó, họ cũng đã thực hiện một cuộc phân tích tương tự về vấn đề này ở những người dân thường và cũng có những kết quả tương tự. Cuộc phân tích năm 1998 của họ đã được đăng trên Bản tin tâm lý của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, một trong những tập san tâm lý nổi tiếng. Vốn là một dạng phân tích liên quan đến nhiều chi tiết chuyên môn và tài liệu phức tạp, nên công trình của Rind và các đồng nghiệp có vẻ như không lôi kéo được sự quan tâm của nhiều người.

Rind và đồng nghiệp của mình đã tuyên bố rằng mối quan hệ giữa sự kiện bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu với 18 dạng của những vấn đề liên quan đến tâm lý khi trưởng thành (bao gồm cả trầm cảm, lo âu, ăn uống không điều độ) chỉ ở mức độ mờ nhạt, không đáng kể.

Hệ số tương liên trung bình của hai yếu tố này chỉ là 0,09, cho thấy mối tương quan gần như bằng 0. Hơn nữa, một môi trường gia đình tiêu cực, như cha mẹ luôn cãi nhau, thậm chí còn gây ra nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý hơn so với tình trạng bị lạm dụng trong quá khứ. Như Rind và đồng nghiệp của ông đã cảnh báo, những ảnh hưởng của tình trạng bị cưỡng bức trong thời thơ ấu rất khó phân biệt với những ảnh hưởng do một môi trường gia đình tiêu cực đem lại. Thú vị thay, họ phát hiện ra rằng mối quan hệ giữa tình trạng bị lạm dụng tình dục với những vấn đề tâm lý sau này không hề chặt chẽ hơn khi tình trạng bị lạm dụng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Công bố của Rind, đã gây ra làn sóng phản đối trên các phương tiện truyền thông và nhiều cuộc tranh cãi chính trị. Chương trình trò chuyện phát thanh về tính cách của tiến sĩ Laura Schlessinger (Tiến sĩ Laura) đã chỉ trích công bố này “là rác rưởi của khoa học” và “công khai cho rằng hành vi lạm dụng tình dục trẻ em là bình thường”. Một số thành viên Quốc hội, đáng chú ý nhất là Tom Delay của bang Texas và Matt Salmon của bang Arizona, còn chỉ trích Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ vì đã cho đăng một công bố khẳng định rằng tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em không nguy hiểm như mọi người thường tin. Ngay trong phòng học Quốc hội, Salmon cho rằng công bố này là “lời bào chữa cho những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em”. Cuối cùng, ngày 12-7-1999, công bố này của Rind đã bị Hạ nghị viện bác bỏ, trở thành một tuyên bố khoa học đầu tiên bị phủ nhận bởi Quốc hội Hoa Kỳ.

Nhiều lời chỉ trích từ công chúng cũng nhắm vào Rind và đồng nghiệp của ông, vì cho rằng những phát hiện của họ thiếu thuyết phục. Ví dụ, sinh viên có lẽ không phải là đối tượng lý tưởng đối với các cuộc nghiên cứu về tác động tâm lý tiêu cực của tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em, vì tỷ lệ những người bị bất ổn về tính cách đi học đại học ít hơn so với người bình thường khác. Cuộc tấn công này vào kết luận cho rằng nhiều người từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ không hề có những biểu hiện tâm lý bất ổn lâu dài nào khi lớn lên, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều phía.

Cũng chẳng có bằng chứng nào cho thấy những người từng bị cưỡng bức khi còn nhỏ cho thấy những đặc điểm tính cách khác thường. Trong một cuộc nghiên cứu lại những tài liệu khoa học năm 1993, Kathleen Kendall- Tackett và những đồng nghiệp của bà cũng chẳng tìm ra được bằng chứng nào cho cái gọi là “vết sẹo” của tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em. Mặc dù một số người từng bị cưỡng bức khi còn nhỏ có những vấn đề tâm lý khi trưởng thành, nhưng hầu hết chúng không kéo dài vĩnh viễn và không có những triệu chứng chung nào cho tất cả các nạn nhân. Thay vào đó, những nạn nhân khác nhau lại cho thấy những vấn đề tâm lý khác nhau.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng hoài nghi về những tuyên bố được thừa nhận rộng rãi về những nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Ví dụ, một bài báo năm 2003 của David Skuse và đồng nghiệp khẳng định rằng họ chỉ phát hiện ra một bằng chứng rất mờ nhạt về “vòng tuần hoàn của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em”, vốn là quan điểm phổ biến cho rằng những người bị lạm dụng thường trở thành kẻ lạm dụng khi trưởng thành. Theo nghiên cứu của họ, dưới 1/8 trong số 224 người đàn ông bị lạm dụng tình dục lúc nhỏ trở thành kẻ quấy rối tình dục khi trưởng thành. Nhưng vì tỷ lệ những kẻ quấy rối tình dục trong số những người bình thường chỉ là 1/20, nên phát hiện của Skuse và đồng nghiệp của ông làm tăng khả năng cho rằng những nạn nhân bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ sẽ trở thành kẻ lạm dụng tình dục khi trưởng thành. Nhưng thật ra, phát hiện của họ chỉ cho thấy rằng vòng tuần hoàn của tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em không phải là một thực tế hiển nhiên.

Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều chuyên gia trị liệu lại phản ứng với những phát hiện như thế. nhất là phát hiện của Rind và đồng nghiệp của ông bằng sự hoài nghi và phản đối. Tuyên bố cho rằng nhiều nạn nhân bị cưỡng bức lúc nhỏ vẫn có cuộc sống bình thường khi trưởng thành vốn không thuyết phục với những trải nghiệm mà họ có được từ phòng điều trị của mình. Vì thực tế là, chẳng có nạn nhân bị lạm dụng tình dục nào có cuộc sống bình thường lại cần đến sự hỗ trợ của những chuyên gia này cả.

Vì hầu hết mọi người, kể cả những người từng bị lạm dụng tình dục mà những chuyên gia trị liệu tiếp xúc mỗi ngày đều có những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, nên họ có thể rơi nhầm lẫn phát hiện ra mối tương quan ảo giữa tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em với những vấn đề tâm lý chung. Kết luận này chắc chắn là kết quả của một thực tế là những chuyên gia trị liệu đã bỏ qua hai ô quan trọng trong “Bảng Biểu Bốn Ô”, cụ thể là những ô của những người bị lạm dụng tình dục cũng như người bình thường không có những vấn đề tâm lý tiêu biểu (xem phần Giới thiệu). Nếu các chuyên gia tiếp xúc với số người không có vấn đề tâm lý cũng nhiều như những người có vấn đề về tâm lý trong phòng khám của mình mỗi ngày, chắc chắn họ sẽ nhận ra rằng tình trạng lạm dụng trẻ em không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra những vấn đề ấy.

Làm sáng tỏ sự ngộ nhận: Cái nhìn cận cảnh

ĐÁNH GIÁ THẤP KHẢ NĂNG PHỤC HỒI CỦA TRẺ EM

Các cuộc nghiên cứu mà chúng tôi tìm hiểu về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em và bệnh học tâm lý gần đây cho thấy một bài học giá trị nhưng không được đánh giá cao: Trẻ em có khả năng phục hồi sau những sự kiện lớn trong cuộc đời.

Tâm lý học phổ cập đã đánh giá thấp sự hồi phục thời thơ ấu, thường coi trẻ em là những người mong manh, “dễ bị tổn thương” khi đối mặt với những bi kịch trong cuộc sống.

Nhưng “ngộ nhận về tính dễ bị tổn thương của trẻ em” này lại đi ngược với những bằng chứng khoa học. Ví dụ, ngày 15 tháng 7 năm 1976, 26 học sinh tiểu học có độ tuổi từ 5 đến 14 trở thành nạn nhân của một vụ bắt cóc kinh hoàng ở Chowchilla, California. Cùng với người tài xế xe buýt, chúng bị bắt làm con tin trên xe buýt 11 giờ và bị nhốt dưới gầm xe tải suốt 16 giờ. Ở đó, chúng chỉ có thể thở nhờ vào một vài lỗ thông hơi nhỏ. Ấn tượng thay, người tài xế và bọn trẻ đã cố gắng trốn thoát, và tất cả đều sống sót mà không hề bị thương. Khi được tìm thấy, hầu hết tất cả những trẻ này đều bị sốc, một số thậm chí còn bôi đất bẩn vào người mình. Hai năm sau, mặc dù vẫn còn ám ảnh bởi những ký ức về tai nạn trên, nhưng hầu như tất cả bọn trẻ đều hồi phục rất tốt về tinh thần (Terr, 1983). Hầu hết các tài liệu trong tâm lý học phổ thông đều nói rằng ly hôn luôn gây ra một tổn thương nghiêm trọng về tâm lý kéo dài đối với trẻ em. Trên một trang web nói về ly hôn cho rằng “trẻ em thật sự rất khó phục hồi tổn thương tâm lý” và “ly hôn khiến cho cuộc sống của trẻ gặp nhiều khó khăn với hậu quả bị gây ra từ quyết định của cha mẹ mình”. Ngày 25-9-2008, tạp chí Time đã củng cố thêm cho những nhận định trên với một câu chuyện có tên “Ly hôn đã gây ra những gì cho trẻ nhỏ”, đi kèm với một cảnh báo rằng: “Cuộc nghiên cứu mới cho biết rằng sự tổn thương lâu dài còn nghiêm trọng hơn mọi người thường nghĩ”. Câu chuyện này bắt nguồn từ cuộc nghiên cứu suốt 25 năm do Judith Wallerstein thực hiện. Bà đã theo dõi một nhóm gồm 60 gia đình ly hôn ở California. Wallerstein tuyên bố rằng dù ban đầu, những trẻ ở các gia đình này có vẻ sớm phục hồi tâm lý sau cuộc ly hôn của cha mẹ mình, nhưng những ảnh hưởng của ly hôn vẫn tồn tại và kéo dài. Nhiều năm sau, những trẻ này sẽ gặp phải những khó khăn trong viêc gầy dựng nên một mối quan hệ tình cảm ổn định cũng như thực hiện được những mục tiêu trong công việc. Nhưng cuộc nghiên cứu này của Wallerstein không bao gồm nhóm những gia đình có một người hoặc cả cha lẫn mẹ phải rời xa con mình bởi nhiều lý do khác ngoài ly hôn, như bị chết vì tai nạn. Và kết quả là, những phát hiện của bà có lẽ phản ánh được những ảnh hưởng của tất cả mọi sự kiện bi thương, chứ không chỉ của ly hôn. Thật ra, hầu hết các cuộc nghiên cứu được thiết kế thiết thực hơn chứng minh rằng dù đa số trẻ coi ly hôn là sự kiện đáng buồn, nhưng chúng đều vượt qua được nỗi buồn này mà không có hoặc có rất ít tổn thương tâm lý lâu dài. Những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng 75% đến 85% trẻ đều đối phó khá tốt với sự kiện ly hôn của cha mẹ mình. Thêm vào đó, khi cha mẹ có những mâu thuẫn nghiêm trọng trước hôn nhân, thì những ảnh hưởng của ly hôn đối với con cái là không đáng kể. Đó có thể là vì chúng cho rằng ly hôn là cách tốt nhất để mình thoát khỏi việc chứng kiến những cuộc tranh cãi gay gắt của cha mẹ.

Nguồn: Sách 

50 Ngộ Nhận Phổ Biến Của Tâm Lý Học Phổ Thông

Tác giả Scott O. Lilienfeld – Steven Jay Lynn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *