Có một người thầy bên cạnh việc công tác quản lý và giảng dạy, ngày đêm vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học. Tinh thần nghiên cứu khoa học của ông cũng đã lan tỏa đến nhiều thế hệ học trò.
Đó là PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng khoa Tâm lý học – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.Niềm đam mê cháy bỏngHẹn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn trong một ngày cuối năm, ông bảo: “Sẽ tranh thủ, vì cũng đang bận nghiên cứu nhiều đề tài”.“Mỗi người có một niềm đam mê riêng, và thật khó để so sánh niềm đam mê nào lớn hơn. Cải thiện kinh tế, giảng dạy, viết sách, nói chuyện… đều có thể trở thành niềm phấn khởi. Nhưng với tôi, thật khó lý giải vì sao, niềm đam mê nghiên cứu đề tài khoa học và tham gia các nhiệm vụ khoa học, dự án… là một niềm đam mê cháy bỏng trong tôi”, ông Sơn tâm tình.Ông Sơn nhớ lại: “Năm 1995, khi giải thưởng Eureka hình thành và bắt đầu phát triển, là sinh viên đạt danh hiệu thanh niên tiên tiến thành phố, tôi cho rằng việc hết mình vì học tập là một nhiệm vụ. Tôi chuẩn bị cho mình hành trang tốt nghiệp với tâm thế, ý chí và cả sức khỏe. Quyết định dồn sức sau bốn năm học, tôi thực hiện đề tài khoa học không hẳn có nhiều tài liệu quen thuộc. Và kết quả thật mỹ mãn, cô hướng dẫn khoa học (TS Nguyễn Thị Bích Hạnh – đã mất, PV) rất hài lòng, cô khuyến khích tôi nên cố gắng học tập và tham gia nghiên cứu. Thật may mắn, giải thưởng đề tài khoa học xuất sắc lúc đấy (chỉ chấm quyển luận văn điểm 10) là phần thưởng thật sự thú vị… từ giải thưởng Eureka. Không những thế, cũng chính đề tài này đã giúp tôi đoạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 1996. Điều này làm tôi đã cảm thấy mình có động lực nhiều hơn”.Cũng từ bước ngoặt ấy, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của vị PGS.TS này tăng cao hơn bao giờ hết. Giữa những thách thức của cuộc sống, những lo toan thường nhật, những bận bịu trong công việc hằng ngày… đối với ông Sơn, niềm đam mê nghiên cứu của mình vẫn cháy bỏng.Cũng từ đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Eureka ấy, ông Sơn cùng TS.Nguyễn Thị Bích Hạnh viết bài đăng tạp chí khoa học, tập san khoa học. “Từ hứng khởi ban đầu tôi tiếp tục học tập nâng cao trình độ, quyết chí viết báo khoa học độc lập, chuẩn bị tư liệu để học tập nâng cao trình độ, làm đề tài khoa học các cấp. Có những phần thưởng mang giá trị động viên để tạo ra sức mạnh đặc biệt. Và phần thưởng từ giải thưởng Eureka hay giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Bộ là một phần thưởng đặc biệt như thế”, ông Sơn chia sẻ.Truyền lửaÔng Sơn bắt đầu trở thành giảng viên hướng dẫn khóa luận sau khi tốt nghiệp thạc sĩ. Với những kinh nghiệm đã trải qua của mình, ông Sơn đã truyền lửa nghiên cứu khoa học đến học trò. Ông Sơn bảo: “Thật hạnh phúc khi có nhiều học trò cũng có niềm đam mê tương tự. Những sinh viên đã tiếp bước tôi và còn làm được hơn thế rất nhiều”. Với ánh mắt ánh lên sự tự hào, ông Sơn liệt kê ra nhiều gương mặt xuất sắc. Đó là cựu sinh viên Nguyễn Thị Thu Huyền đã đoạt giải nhì Eureka với đề tài Việc phát triển tưởng tượng cho trẻ mẫu giáo. Cô gái này từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học ở nước Anh. Hay Nguyễn Minh Phụng, người cũng từng đoạt giải nhì Eureka, giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải thưởng sáng tạo trẻ… khi dấn thân làm nghiên cứu về hành vi người có HIV. Rồi Mai Mỹ Hạnh, một sinh viên từng tốt nghiệp loại giỏi, hiện là thạc sĩ Tâm lý học, cũng là người đã đoạt giải luận văn xuất sắc với đề tài Nghiện game online của học sinh THPT của giải thưởng Eureka, đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Rồi có cả nhóm sinh viên Quang Thục Hảo, Đặng Mạnh Cường, Nguyễn Thị Trúc Linh, Trần Thái Hòa, Nguyễn Thị Hằng đã đoạt giải nhất Eureka năm 2012 với đề tài Xây dựng đĩa CD cho trẻ em mù tuổi vị thành niên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Đề tài này cũng đoạt giải nhì giải thưởng tài năng trẻ toàn quốc, giải nghiên cứu sáng tạo do Trung ương Đoàn trao tặng…Không khó để nhận ra trong những câu chuyện mà PGS.TS Huỳnh Văn Sơn kể đều phảng phất nội dung về nghiên cứu khoa học. Ông Sơn cười nói: “Không còn gì hạnh phúc hơn trong cuộc đời người làm nghề giáo khi thấy được các thế hệ học trò cũng đồng cảm với đam mê của mình, để rồi họ đã và đang tiếp nối niềm đam mê nghiên cứu khoa học”.Có cả những trường hợp từng là học trò của ông, sau khi được “truyền lửa nghiên cứu khoa học”, lại tiếp tục hướng dẫn những thế hệ học trò khác, và đạt được nhiều thành công.“Là người quản lý chuyên môn của ngành Tâm lý học, tôi hiểu mình còn nhiều nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, hướng dẫn sinh viên là một cái duyên nên tôi thực hiện nó bằng niềm vui của chính mình trong cuộc sống nghề nghiệp. Hai năm hoặc ba năm một lần, tôi mới hướng dẫn luận văn, đề tài khoa học hoặc sẽ hướng dẫn trong những trường hợp đột xuất. Tôi biết chữ duyên sẽ tạo ra chữ nợ là như thế. Cái duyên với nghiên cứu khoa học còn đấy dù đôi chút còn băn khoăn về việc chia chuyên ngành, tổ chức vòng sơ khảo, sự ào ạt của một số bạn trẻ nhầm chuyên ngành khi thi, kỹ năng nghiên cứu về chuyên ngành còn yếu, giám khảo chuyên môn sâu chưa thật chuẩn ngành. Tôi vẫn tin rằng những cuộc thi về nghiên cứu khoa học chính là môi trường tốt hướng đến sự tiếp lửa. Đó là lửa đam mê, lửa nghề nghiệp mà lửa nghiên cứu khoa học và tìm tòi cái mới là lửa cháy mạnh mẽ và rất khát khao”.Chỉ vài ngày mới đây, niềm đam mê nghiên cứu khoa học không mệt mỏi của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn lại được đền đáp. Ông có thêm niềm vui và hạnh phúc trào dâng khi có hai đề tài do chính ông hướng dẫn được vào vòng chung kết giải thưởng Eureaka 2016. Trong đó, đề tài Nâng đỡ cảm xúc cho trẻ bị lạm dục tình dục đã gây ấn tượng đặc biệt với nhiều người về tính nhân văn của nó. Sau khi đoạt giải thưởng, đề tài vẫn đang được nhiều phụ huynh và chuyên viên quan tâm. Đặc biệt nhất, đề tài nghiên cứu Xây dựng cẩm nang tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường do ông Sơn hướng dẫn đã đoạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ.Có không ít ý kiến cho rằng, bộ sưu tập giải thưởng của một người làm công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học, với ông Sơn là đã trọn vẹn. Thế nhưng với vị PGS.TS này thì: “Có lẽ cái được nhất đó là ý tưởng được sẻ chia cùng cộng sự và sinh viên, và đam mê được thỏa mãn chứ chưa nghĩ nhiều đến việc giải thưởng hay danh hiệu khi đồng hành cùng các em. Việc xây dựng hình ảnh nổi tiếng hay có hào quang của vài nhà giáo, nhà nghiên cứu ứng dụng hay diễn giả không quá khó. Thế nhưng đầy đặn về khoa học và vẫn tỏa sáng trong nghề nghiệp trên bình diện đại chúng mới thực sự là thách thức…”.
Xuân Phương
Nguồn: thanhnien.vn