“Nhà trường phải là chỗ dựa cho trẻ”

Đó là mong muốn của PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn – Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM về nền giáo dục Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ trước nạn xâm hại tình dục hiện nay.

Ông đánh giá thế nào khi những sự việc bị phát giác liên tiếp xảy ra trong khoảng thời gian gần đây?

– Tôi cho rằng, đó như một giọt nước làm tràn ly và báo động tình trạng vô cùng cấp thiết về cách bảo vệ con trẻ trong những môi trường tưởng như “an toàn” và “bình yên” nhất với các em. Đã đến lúc cần xem xét vấn đề dưới góc độ tâm lý và cả pháp luật. Dưới góc độ tâm lý các em cần có những ca khám lâm sàng để đưa ra kết luận chính thức về tình trạng “bị hại”. Dưới góc độ pháp luật những đối tượng đã có ý đồ “làm hại” các em cần có những phán quyết để họ nhận ra những gì mình gây ra với một thế hệ, không những vậy còn ảnh hưởng đến cả tương lai các em.

Điều quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ cần nhận ra là hãy quan sát con, trò chuyện với con về những vui buồn của mỗi ngày đi học chứ không phải điểm số hay những nhận xét bằng lời (hiện nay) hoặc thứ hạng của những ngày trước đó…

Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho việc ngày càng nhiều trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục như hiện nay?

– Một trong những nguyên nhân có thể đề cập ngay là: Nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, dẫn đến mất cảnh giác. Phần lớn trẻ em bị xâm hại đều có hoàn cảnh khó khăn, không nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình. Vì vậy, khi bị xâm hại, các em không có người chia sẻ, thêm việc tự ti, mặc cảm nên không tố cáo hành động của người xấu.

Chương trình giáo dục của nhà trường, đặc biệt là tiểu học, hiện chưa đưa các nội dung về việc phòng chống xâm hại dẫn đến việc trẻ chưa nhận thức được vấn đề này. Những hiểu biết hạn chế và chưa có kỹ năng làm cho nguy cơ bị xâm hại sẽ gia tăng

Đó còn chưa kể, thói quen của người Việt thường nghĩ rằng, mình có thể thân thiện, yêu thương cũng như có những hành vi: Bẹo má, đụng vào vùng kín của trẻ là bình thường… Thế là tiềm ẩn những nguy cơ khi hành vi yêu thương và lạm dụng còn mù mờ ở cả bản thân đứa trẻ và người lớn hơn hay người cố tình xâm hại. Khi mọi sự xảy ra, cũng chính tâm lý thôi coi như xui… làm cho mọi sự cứ tồn tại kiểu im ỉm. Việc chúng ta nhân nhượng và im lặng sẽ để lại hậu quả cho những đứa trẻ khác

Vậy theo ông, vai trò của giáo dục học đường trong việc trang bị kiến thức cho các em học sinh tự bảo vệ bản thân như thế nào?

Khi gia đình vẫn còn đang “xem nhẹ” việc nói chuyện với con về giới tính, tự bảo vệ bản thân thì phía nhà trường cần thể hiện được vai trò, cầu nối và nơi cung cấp kiến thức đáng tin cậy cho các em trong việc tiếp cận để tự bảo vệ bản thân. Hơn bao giờ, phòng tham vấn học đường với những nhà tâm lý – giáo dục có chuyên môn về giáo dục giới tính và bảo vệ bản thân trẻ cần được phát huy tối đa.

Thêm nữa, nội dung kiến thức về giáo dục giới tính cần sinh động, ngôn từ dễ hiểu, giúp các em chủ động – trao đổi và tiếp thu kiến thức. Hãy thẳng thắn, khoa học và cụ thể khi nói chuyện hay giáo dục trẻ, đặc biệt cần giúp trẻ nhận ra đó là vấn đề nên tìm hiểu, tìm hiểu nghiêm túc và biết ứng dụng để bảo vệ chính mình

Hiện nay các em học sinh đang được học kiến thức về giới tính, cách bảo vệ bản thân ở những chương trình học nào? Những chương trình này liệu đã đủ chưa?

– Có thể nói, hiện nay vẫn chưa có một chương trình học chính thống về giáo dục giới tính, cách bảo vệ bản thân dành cho trẻ. Những kiến thức trẻ được được học còn chung chung và ở dạng tổng quát, không đi sâu vào việc hình thành kỹ năng, hành vi…

Thực tế cho thấy, giáo dục lối sống ở tiểu học hay những tên gọi có liên quan đã được tổ chức và có lồng ghép hay dành thời lượng nhất định triển khai về các vấn đề này ở lớp 5. Tuy nhiên, giáo viên thì còn e ngại và không phải thầy cô nào cũng tự tin và triển khai theo mục tiêu. Đặc biệt, nội dung phòng chống xâm hại vẫn chưa được quan tâm nhiều…

Chỉ có rất ít trường mời được các chuyên gia và các giáo viên phụ trách bộ môn sinh học hoặc sức khỏe là tự chuẩn bị hệ thống thông tin cần thiết cho trẻ về giới tính, cách bảo vệ bản thân. Nhưng có thể thấy, những chương trình này cũng chỉ “nhỏ giọt”.

Quan điểm giáo dục trẻ em về tình dục tại Việt Nam hiện nay đã cởi mở, đi đúng hướng và giúp các em nhỏ tự bảo vệ mình hay chưa? Cần điều chỉnh ra sao về các chương trình học thưa ông?

– Một thực tế có thể nhận thấy là, quan điểm giáo dục trẻ về tình dục tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự cởi mở, vẫn còn nhiều “e dè”, “khép kín” khi trao đổi với các em, nhiều giáo viên né tránh những câu hỏi nhạy cảm từ các em….

Nói chuyện về giới tính cho trẻ em cần nhất vẫn là thái độ nghiêm túc khi đối diện vấn đề giới tính nhưng đừng quá trầm trọng và căng thẳng. Kế đến vẫn là sự chia sẻ chân tình và cụ thể, sau nữa là tỏ ra thân thiện để cùng nhau bộc bạch mà không phải chỉ là dạy bảo… Đương nhiên, sự dí dỏm để nhìn nhận và trò chuyện về các vấn đề tế nhị ấy được xem như một thủ thuật để hướng đứa trẻ dậy thì đi đúng quỹ đạo của cuộc trò chuyện về giới tính… Điều này thách thức các thầy cô phải làm chủ kiến thức về giới tính, có quan điểm hiện đại và có kỹ năng tâm tình – chia sẻ mang tính khoa học… Thách thức ấy đòi hỏi thầy cô phải trẻ lại, phải vượt lên phía trước và khắc phục cả những dấu vết của tính ỳ về suy nghĩ và tuổi tác của chính mình…

Việc xem xét và điều chỉnh chương trình học cũng rất cần thiết. Cụ thể đừng dạy những gì trẻ đã xảy ra trước khi học hay dạy học theo đuôi sự phát triển. Hơn thế nữa, hãy dạy trẻ có thái độ tích cực và hành vi đúng thay vì cứ cho trẻ biết nhiều là đủ…

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *