Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ‘sốc’ khi nghe tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn

Có thể nói trong mối lương duyên giữa nhạc sĩ và ca sĩ, đã có nhiều cặp đôi trở thành những cặp đôi hoàn hảo.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển 'sốc' khi nghe tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn

Chính ca sĩ đã làm cho bài hát trở nên trọn vẹn hơn, chuẩn xác hơn. Nhưng chính nhạc sĩ lại mới là người có thể tạo ra những sản phẩm đích xác để ca sĩ bay cao, bay xa… Và khi duyên nợ đến, nhạc sĩ lại đo ni đóng giày khi viết các tác phẩm, để chính ca sĩ được quan tâm, được chú ý, được giúp đỡ ấy lại là người được trao tặng những vũ khí mới sắc bén, đầy quyền năng… Và nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và PGS.TS Huỳnh Văn Sơn có thể nói đi theo hướng này khi chỉ một lần gặp nhau qua bài hát từ dự án Ai cũng có thể.

Cảm xúc từ nhạc sĩ

Có mặt cùng với đoàn phỏng vấn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển về MV của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn trong nhạc phẩm do chính ông sáng tác mới thấy phần nhận xét rất mực đặc biệt và đầy tình cảm mà ông đã dành cho giọng hát mới phát hiện của PGS Sơn dù đó chỉ là MV thuộc dự án Ai cũng có thể.

Nhạc sĩ cho biết: “Tôi bất ngờ vì PGS Sơn sở hữu một giọng hát rất chuẩn mực Nam bộ. Giọng hát này không mang tính gọt dũa mà rất tự nhiên. Cái tự nhiên này có thể xuất phát từ chất giọng hay cũng có thể là trời phú về phát âm. Hơn nữa, giọng hát này đầy cảm xúc và độ luyến láy mang tính vừa phải, tròn và đầy… Dù không muốn so sánh, nhưng phải thừa nhận là tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe lối thể hiện tự nhiên và đầy cảm xúc của PGS Sơn trong bài hát của tôi. Bản thu âm đầu tiên đã làm cho tôi liên tưởng đến một vài ca sĩ đã thể hiện bài hát này của tôi và cách thể hiện của PGS Sơn hơn hẳn”. Nhạc sĩ bật bài hát của một ca sĩ chuyên nghiệp hát bài Đêm gành hào nghe điệu hoài lang, sau đó khen anh Sơn hát hay hơn ca sĩ này nữa, cảm xúc đầy đủ, truyền cảm cho người nghe.

Không chỉ là sự sẻ chia về yếu tố giọng hát, nhạc sĩ còn cười thật tươi khi nói về phần hồn của bài hát. Ông nói: “Có một sự thật là bài hát này tôi viết dưới âm hưởng dân ca Nam bộ và dành cho người Nam bộ hát. PGS Sơn đã thể hiện cung bậc rất nhuần nhuyễn và thổi vào lời hát những rung cảm rất tương thích với cảm nhận của tôi lúc hát. Bài hát tôi viết trong một lần đi về miền tây khi nghe những âm thanh. Cảm xúc đã làm tôi xao động và ý tưởng hình thành nhanh chóng. Chính những cách ai oán, nức nở mang tính biểu cảm của PGS Sơn là yếu tố làm tôi cảm thấy có sự tương đồng và thật sự xúc động khi nghe ông hát”.

Phá cách của người thể hiện

Có thể nói nhiều MV làm về bài hát này nhưng với cách nhìn nhận của PGS Sơn thì anh muốn làm sao cho mới mẻ, và thể hiện được tính chân thật hay gần gũi của ý tưởng. Xuất phát từ sự trăn trở với tệ nghiện rượu, về sự kém hòa hợp của nhiều cặp vợ chồng hiện nay. Lấy bối cảnh sông nước miền tây, PGS Sơn muốn tái hiện câu chuyện bất hòa trong chuyện chăm sóc con cái chỉ vì những mâu thuẫn nho nhỏ dẫn đến chuyện nghiện rượu, xung đột, bạo hành. Chỉ với vài phút ngắn ngủi, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó mà đã đẩy gia đình đi đến một bi kịch: vợ bị bạo hành, bị người dụ dỗ, bỏ nhà ra đi, gà trống nuôi con, hồi ức về người xưa cảnh cũ với nỗi da diết, khắc khoải, dằn vặt khôn nguôi. PGS Sơn đã phá cách khi mạnh mẽ khẳng định chính người chồng vẫn có thể chờ đợi hay hối tiếc về những gì đã do chính mình tạo nên từ suy nghĩ cổ hủ hay những hành vi thiếu kiểm soát để tạo nên tiếng vọng kim lang hay tiếng ngân nga xề u ai oán.

PGS Sơn đã tạo nên câu chuyện quen thuộc và không quá giật gân. Nhưng đây lại phù hợp với “ý tứ” gốc của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu khi điệu hoài lang thể hiện nỗi niềm tâm sự của người chồng. Chính cách thể hiện chân chất và đậm đà của một người cha thương con, một người chồng gia trưởng – không biết lắng nghe, một người chủ gia đình trở thành gà trống nuôi con với những hình ảnh mang tính minh họa sắc nét làm cho người trải nghiệm dễ quấn lấy mình trong đấy. Sự hòa nhập cái tôi với cái ta, sự đồng cảm về giá trị nhân văn là những thông điệp khá đắt trong ý tưởng này.

Mở đầu cho một lương duyên

Không hẹn mà gặp, sự tương thích này đã làm cho nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lại cảm khái và hết sức vui. Ông nói, có lẽ sự trải nghiệm sự tinh tế và sự sáng tạo đã làm nên sự tương đồng về cảm xúc dẫn đến sự thăng hoa. Ông cho biết: Khi nhận được clip của PGS Sơn, tôi ấn tượng đầu tiên là về hình ảnh. Nhưng kế đến đó là lối thể hiện chân phương, cảm xúc. Và đặc biệt là hình ảnh người chồng đau đáu về một quá khứ buồn do chính mình tạo ra song song với sự khắc khoải về những phút giây hạnh phúc làm tôi đồng cảm.

Không có cuộc hẹn gặp nhau giữa nhạc sĩ và “ca sĩ” một cách trực tiếp. Nhưng mối lương duyên có thể sẽ nảy sinh. Nhạc sĩ bảo rằng thái độ làm việc của PGS Sơn rất nghiêm túc và rất có tình. Đó không chỉ là lời xin phép được hát bài hát của nhạc sĩ mà còn là sự cầu thị và trân trọng dù chỉ là một dự án. Nhạc sĩ cho biết tìm được cách hát chuẩn Nam bộ và yêu thích dân ca hay dòng nhạc âm hưởng dân ca cũng như thể hiện nó một cách chuẩn xác, cảm xúc và thậm chí rất thân thuộc như thế không dễ có. Ưu thế này không phải ai cũng có ngoại trừ chuyện có giọng hay rèn luyện.

Nhạc sĩ cười tươi và bảo: “Lâu nay tôi viết văn nhiều hơn nhưng nếu có bài mới, chắc là sẽ để PGS Sơn hát xem tới thế nào. Nụ cười ấm áp của một nhạc sĩ đậm chất dân ca, một nhà văn với lối kể cảm xúc, mộc mạc và dung dị, một nhà báo dày kinh nghiệm và một dịch giả bản lĩnh, say nghề. Chợt nhận ra, nhận xét ông dành cho PGS Sơn không phải là sự xã giao mà là sự chân tình của một người nhạc sĩ nhận ra có ca sĩ cảm được và thể hiện đúng phần hồn của đứa con tinh thần mình đã tạo nên và cuộc lương duyên dù chỉ là mới bắt đầu nhưng gợi mở nhiều cảm xúc mới cho cả hai người”.

Mời các bạn xem clip và phần nhận xét của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tại đây.

Tư liệu: Đêm Gành Hào

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *