Hiện tượng vợ chồng đều đã từng dang dở để chắp vá với nhau dần dà không phải ít trong cuộc sống hiện tại. Khi tỉ lệ ly hôn của những cặp vợ chồng trẻ tăng lên đến 10 – 20% thì chuyện ở vậy của mỗi người không thể lúc nào cũng trở thành sự thật.
Chắp vá- một điều tưởng chừng hạnh phúc với những người đã từng một lần không may mắn nhưng ngay trong nội hàm của nó đã nhen nhúm những cơn sóng ngầm nhất định.
Sóng ngầm không hẳn ở người vợ hay người chồng mà vấn đề quan trọng hơn là ở những đứa con. Bỏ qua chuyện phản ứng một cách quyết liệt của những đứa con khi không đồng tình hôn nhân của cha – của mẹ, bỏ qua những phản ứng mãnh liệt biểu hiện ở phương diện hành vi vì chính kiểu hẫng hụt ngầm, phản ứng che giấu mới là điều đáng quan tâm vì tính chất đặc biệt của nó…
“Tình giám sát”
Thương mẹ, yêu mẹ nên Tâm chấp nhận cho mẹ mình đi bước nữa. Về với cha nghĩa là cậu con trai 12 tuổi đã chịu đựng và hy sinh. Dù rằng thỉnh thoảng con riêng của ba dượng mới ghé nhà nhưng chưa bao giờ Tâm cảm thấy thiện cảm với cô ấy.
Thua Tâm đúng một tuổi nhưng cô đanh đá không thể tưởng… Mỗi lần qua nhà ba mình, cô bé đã bắt đầu “cạnh tranh” bằng cách nói móc –nói mỉa. “Ba ba, anh Tâm có cái này đẹp quá, cái kia xinh quá hé… Ủa ba hay dì Lan mua cho anh Tâm xe đạp mới vậy…”.
Tâm cố gắng chịu đựng vì mẹ, hy sinh vì hạnh phúc của gia đình mới gầy dựng … Suốt ba năm trời chung sống, chưa bao giờ thấy Tâm khóc, suốt ngần ấy ngày chịu đựng, Tâm luôn cố gắng hy sinh để thực sự ngoan trong mắt ba dượng…
Dần dần tình thương dành cho con riêng đi vắng, không biết tự bao giờ ba dượng đã chuyển sang “tình giám sát” một cách nghiêm ngặt.
Gọi điện thoại thì ba cũng không cho, có người tìm thì ba cũng không muốn cho gặp trong nhà… Tâm dần dần trở nên lạnh lùng và ít nói… Tâm nhủ lòng là cố gắng chịu đựng nhiều hơn nữa dù trong lòng rất buồn bã và bất an.
Đỉnh điểm của cơn sóng xuất hiện khi một lần ba dượng nhậu say về đã để cơn giận dữ tràn lan khi quả quyết rằng Tâm mê gái giống ba của Tâm nên bỏ bê việc học để ông bị nhục trước mặt mấy chục người trong buổi họp phụ huynh…
Lời đay nghiến trong cơn say làm cho Tâm uất ức đến mức không thể kiềm chế được. “Trông cái mặt lầm lì nhưng nó giết người không hay, con của cô thì sao tôi dạy nổi, lù khù vác cái lu mà chạy nên mới mất dạy giống ai kia…”.
Tâm điên tiết dùng hết sức mạnh của mình xô ba dượng té ngã và kết quả là Tâm phải trở thành bạn của công viên…
Nhận diện ‘sóng ngầm’
Cơn sóng ngầm trong mỗi gia đình đều có những sắc thái khác nhau nhưng chính sự phức tạp cũng như độ chênh của những thành viên trong một gia đình “phối hợp” sau những biến cố cá nhân có thể làm cho sóng ngầm mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nhận diện cơn sóng ngầm không quá khó nếu như mỗi thành viên trong gia đình biết chú ý đến những biểu hiện xoay quanh sự gắn bó hay quan hệ gần gũi giữa các thành viên. Thông thường, khi trẻ về chung sống trong một gia đình mới thì chắc chắn rằng những hụt hẫng tâm lý hoàn toàn có thể xảy ra.
Hụt hẫng này có thể là hụt hẫng tự thân hay hụt hẫng hệ quả từ những phản ứng tự vệ. Hụt hẫng này cũng có thể là do sự khác biệt về môi trường sống, sự “chênh vênh” trong quan hệ với những thành viên mới hoặc cũ trong một môi trường mới.
Bên cạnh đó, chính thái độ hoặc cách đối xử của những thành viên “chủ chốt” trong gia đình mới làm cho trẻ cảm thấy bất an hay căng thẳng.
Ở một góc độ khác, sóng ngầm thường xảy ra khi những phản ứng tự vệ được sắp xếp đằng sau những mục tiêu cuộc sống của trẻ như kiềm chế cho hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng nội lực để từ từ “bung ra”…
Tâm lý của những trẻ nuôi giữ sóng ngầm thường cảm thấy bất an, cảm thấy không hài lòng khi bị dồn ép hoặc thường xuyên bị tấn công.
Một mặt là trẻ đã không hài lòng nhưng mặt khác thì trẻ chưa đủ lực hoặc chưa muốn giải quyết mâu thuẫn do nghĩ đến người khác. Xung đột nội tại này càng lúc càng làm cho cơn sóng ngầm mạnh mẽ hơn bao giờ hết nếu mọi sự bị đẩy quá ngưỡng.
Dấu hiệu nhận biết là trẻ thường xa cách với người rất thân với mình (mẹ ruột hoặc ba ruột). Mặt khác, trẻ có sự thay đổi khá lớn về hành vi, về cách quan hệ với những thành viên khác trong gia đình.
Lầm lì, ít nói, lặng lẽ, buồn bã, lạnh lùng hoặc có những phút hay lo ra, hay suy nghĩ lung tung… là những dấu hiệu cho thấy sự bất thường trong tâm lý trẻ. Sự hẫng hụt khá rõ rệt cũng như những đợt sóng ngầm bắt đầu bùng phát là thế!
HVS
Kỳ tiếp theo: Giải quyết ‘sóng ngầm’ bằng cơ chế