Ảnh minh họa
Là cha mẹ, hẳn ai cũng muốn cho con mình một tương lai tươi sáng nhất. Bởi lẽ, thành công của con chính là niềm tự hào, là hạnh phúc của cha mẹ. Ngày nay, chỉ cần một cú click chuột, gõ vài từ khóa trên google là cha mẹ có thể tìm được rất nhiều thông tin, phương pháp nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với rất nhiều cách thức như thế liệu cách nào là phù hợp nhất với con mình với mục tiêu thành đạt đúng nghĩa? Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, lúng túng trước vấn đề này.
Quan niệm ngày ấy…
Một số phụ huynh cho rằng, con mình càng học giỏi thì sẽ càng thành công. Chính vì thế, ngoài việc học chính khóa, không ít học sinh còn phải học thêm ở nhà thầy cô, học anh văn, vi tính,… Đúng là việc học thêm đôi khi rất cần thiết để giúp các em có thể theo kịp bạn bè. Mong muốn con “hơn bạn hơn bè” cũng là mong muốn chính đáng của cha mẹ. Thế nhưng, lịch học dày đặc, cha mẹ quá kỳ vọng khiến các em cảm thấy mệt mỏi, áp lực. Không ít trường hợp đau lòng đã xảy ra như: các em bị stress, trầm cảm, sức học giảm sút, bỏ nhà đi, tự tử,… chỉ vì không chịu nổi áp lực của học tập, không muốn cha mẹ thất vọng về mình,… Thực tế cho thấy, một số học sinh dù kết quả học cao nhưng sau khi ra trường vẫn khó có thể thành công.
Một số phụ huynh lại chỉ chú ý phát triển trí thông minh – IQ cho con. Bởi lẽ, họ cho rằng IQ là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi người. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bạn trẻ tuy kết quả học tập tốt, chỉ số IQ cao lại loay hoay tìm cho mình một việc làm phù hợp. Bởi lẽ, họ khó hòa nhập, thích ứng được với môi trường mới. Việc thiết lập và phát triển mối quan hệ đối với họ là không hề dễ dàng,… Như vậy, kết quả học tập tốt, chỉ số IQ cao tuy ảnh hưởng đáng kể nhưng không phải là yếu tố ảnh hưởng đặc biệt đến sự thành công của một người.
Ảnh minh họa
Quan niệm ngày nay…
Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh rằng sự thành công của mỗi người phụ thuộc vào chỉ số thông minh: IQ, trí tuệ sáng tạo: CQ, trí tuệ cảm xúc: EQ, trí tuệ xã hội: SQ. Chính vì thế, để thành công, mỗi cá nhân cần được phát triển tất cả các chỉ số trên.
IQ – trí thông minh: có thể hiểu ngắn gọn là năng lực nhận thức vấn đề của mỗi cá nhân. Chỉ số trí thông minh có thể đo lường được thông qua các trắc nghiệm về trí thông minh. Đây là yếu tố rất quan trọng để một người có thể thành công trong cuộc sống. Chỉ số IQ thường được cho là có liên quan đến sự thành công trong học tập, trong công việc, trong xã hội. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy có sự liên quan giữa IQ và sức khỏe, tuổi thọ và cả số lượng từ mà người đó sử dụng.
CQ – trí tuệ sáng tạo: là một thành phần cấu trúc quan trọng của trí tuệ bên cạnh trí thông minh và có thứ bậc cao hơn trí thông minh. Trí tuệ sáng tạo thể hiện năng lực sáng tạo của con người. Bất cứ hoạt động trong lĩnh vực nào cũng không chỉ dựa vào những cái có sẵn mà phải phát triển nó lên. Tuy nhiên cách phát triển ấy ở mỗi người một khác, có thể là sự tiệm tiến, nhưng cũng có thể là những bước đột phá, những bước nhảy vọt. Khi đó, sự sáng tạo được thể hiện. Chính sự sáng tạo mới phân biệt giữa người này với người khác và chính nó là cốt lõi của trí thông minh. Xét cho cùng, chính trí thông minh sáng tạo mới làm nên lịch sử khoa học kỹ thuật và công nghệ, mới xây dựng được một kho tàng văn hóa nghệ thuật khổng lồ, mới thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại.
EQ – trí tuệ cảm xúc: là năng lực nhận biết, vận hành các xúc cảm của mình, của người khác và các thành tố cần chú ý ở đây là: tự biết mình, tự quản, nhận biết các quan hệ xã hội và quản lý kiểm soát các quan hệ xã hội. Bốn thành tố này được tất cả các phiên bản chính của lý thuyết chấp nhận dù rằng có thể gọi tên khác nhau. “Với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”.
SQ – trí tuệ xã hội: là năng lực hoàn thành các nhiệm vụ trong hoàn cảnh có tương tác với người khác. Năng lực đó được dựa trên sự nhận thức và sự thể hiện những cảm xúc, thái độ trong những hoàn cảnh nhất định. Biểu hiện đầu tiên của trí tuệ xã hội là khả năng nhận thức về người khác. Sự đồng cảm giúp cho bản thân chủ thể cảm thông chia sẻ với đối tượng mà họ tương tác. Từ đó, giúp họ thiết lập mối quan hệ một cách dễ dàng hơn. Biểu hiện tiếp theo của trí thông minh xã hội là khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội. Trí tuệ xã hội được hiểu là năng lực hoàn thành các nhiệm vụ trong hoàn cảnh có tương tác với người khác. Muốn hoàn thành các nhiệm vụ trong hoàn cảnh có tương tác với người khác, trước tiên người đó phải thiết lập được mối quan hệ và duy trì mối quan hệ với các thành viên khác trong nhóm đó, tổ chức đó. Biểu hiện thứ ba của trí tuệ xã hội là khả năng tự nhận thức bản thân. Một người được xác định là có trí tuệ xã hội sẽ thể hiện thông qua khả năng tự nhận thức bản thân cá nhân nhận biết được cảm xúc của bản thân và các ảnh hưởng của chúng, biết được điểm mạnh và các giới hạn của bản thân, có một hiểu biết rõ ràng về khả năng và giá trị của bản thân. Từ hiểu biết đó người ấy sẽ biết cách thể hiện bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh, với vị trí vai trò của mình trong khi tương tác với các cá nhân khác để đạt được hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ. Biểu hiện cuối cùng của trí tuệ xã hội là khả năng tự điều chỉnh, thay đổi. Đây chính là khả năng quản lý tốt trạng thái bên trong, các nguồn lực và sự bốc đồng của bản thân. Nhờ khả năng tự điều chỉnh này mà các cá nhân mới thiết lập và duy trì bền vững các mối quan hệ xã hội và thành công trong việc tương tác với các cá nhân khác để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi người trong cuộc sống. Phát triển SQ cho trẻ là sự đầu tư có đích đến. Nói khác đi, phát triển trí tuệ xã hội là yêu cầu cơ bản, là yêu cầu rất quan trọng để trẻ có thể thành công trong tương lai sau này. Ở góc nhìn này, SQ mang tính chất tổng hợp, mang dáng vóc thực tiễn và tầm ảnh hưởng của nó vừa khái quát, vừa cụ thể và dễ dàng mang tính thích ứng cao.
Như vậy, trí thông minh, trí tuệ cảm xúc hay trí tuệ xã hội đều có vai trò nhất định đối với sự thành công của mỗi người. Vì thế, điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần xác định rõ và có phương pháp đầu tư thông minh để bé yêu của mình phát triển trí tuệ tốt nhất. Lẽ đương nhiên, sự đầu tư nhằm phát triển trí tuệ xã hội cho con em mình – SQ là một sự đầu tư có điểm đến vì đấy mới là nền tảng thực sự dẫn tới sự thành công của một con người, một tổ chức.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn