Khi nhịp sống quá bận rộn khiến cho các thành viên trong gia đình ít có cơ hội ăn cơm cùng nhau, thì bữa cơm gia đình cũng trở nên dần vắng vẻ. Đối với những doanh nhân thành đạt việc có được bữa cơm đầm ấm bên gia đình ngày càng trở nên khó khăn hơn do sự bận rộn, áp lực công việc, gánh nặng kinh tế… Tất cả những điều này khiến cho bữa cơm của doanh nhân dần trở nên xa lạ. Và mọi trở ngại hạnh phúc cũng bắt nguồn từ đây…
Anh N một người kinh doanh khá thành đạt. Sau khi sinh em bé, vợ anh cũng bắt đầu thành lập công ty trong lĩnh vực đa truyền thông. Những ngày trở về nhà thiếu bữa cơm do vợ nấu, tìm bóng vợ không thấy, anh lặng lẽ xuống bếp nấu qua loa vài món. Bữa cơm cứ thiếu vắng dần… Dần dần những bữa cơm chiều được thay thế bằng những họp mặt, nhậu nhẹt, giao tiếp với đối tác. Khi vợ anh phát hiện anh đang bị một cô tiếp viên khéo léo vượn vờ thì chị mới giật mình. Chị sắp xếp công việc quay lại chăm sóc bữa cơm cho chồng. Nhưng bữa cơm vẫn không còn được như xưa vì cứ xen lẫn tiếng ghen tuông nghi ngờ của chị. Dù anh N có giải thích rằng cô tiếp viên chỉ đơn phương và việc đến quán chỉ đơn thuần là giao tiếp với đối tác. Chị vẫn cứ hằn học anh nên dần tình cảm vợ chồng bị rạn nứt. Chị bảo: “Thực ra chồng tôi cũng không hẳn là có nhưng tôi thực sự khó chịu vì cô ấy thuộc cả những món anh ấy thích…Ngày trước nấu gì thì anh ấy đều ăn, còn giờ cái gì cũng chê nấu không bằng nhà hàng!” Sau nhiều cãi cọ, vợ chồng chị cũng quyết định ly hôn.
Không có thời gian cho bữa cơm gia đình để bữa cơm trở nên trống vắng, thiếu thốn và vợ chồng lệch nhau về mặt cảm xúc. Nhưng đôi khi có thời gian bên nhau trong bữa cơm nhưng bữa cơm vẫn bị lệch đũa bởi áp lực công việc được dồn nén trút vào nhau. Chị L một phụ nữ tri thức biết chăm lo cho chồng con, đảm đang từ trong ra ngoài. Nhưng chị kể: “Do áp lực công việc nên lên mâm cơm là anh lờ đờ chẳng nói năng gì với vợ con. Những lúc vui vẻ thì anh ấy có thể nói suốt cả mấy giờ về công việc của anh ấy. Một tối, khi tôi đang dọn cơm, anh ấy bắt đầu ca cẩm cho tôi nghe về chuyện nhân sự mới, về đối thủ cạnh tranh với giọng điệu như tôi là người có lỗi vậy…” Giận quá tôi xẵng lại: “Suốt ngày cứ nói mãi chuyện kinh doanh chắc điên mất!” Anh giận chị suốt mấy tháng trời không ăn cơm nhà dù chị đã cố gắng nấu nướng, bày ra những món “khoái khẩu” cho chồng, vậy mà dường như chồng chị không bén mảng gì tới. Khi chị hỏi thì anh ấy nói bận công việc. Mâu thuẫn giữa vợ chồng không được giải quyết còn bị khoét sâu thêm bởi thiếu vắng những cơm xum họp.
Xã hội hiện đại, nhiều chị em đảm nhận những công việc và vị trí xã hội không thua kém nam giới nên đôi khi xem nhẹ bữa cơm gia đình. Nhiều nữ doanh nhân cho rằng, thay vì vất vả đi chợ, nấu nướng, chỉ ra nhà hàng là xong ngay. Một số nữ doanh nhân lại chuyển giao công việc đó cho người giúp việc vì: “Cả ngày đi làm về mệt, tối phải dành thời gian nghỉ ngơi. Cơm nước, giặt giũ nữa thì lấy đâu sức để hôm sau làm việc”. Đối với không ít nam doanh nhân có thói quen qua quýt bữa cơm gia đình để tranh thủ đi tụ tập với bạn bè, bia bọt và cũng không khó dẫn những chuyện tình cảm ngoài lề.
Thực chất chất kết dính và gắn bó mọi thành viên trong một tổ ấm chính là từ bữa cơm gia đình. Nhịp sống hiện đại khiến nhiều cặp vợ chồng thời gian ở cơ quan, gặp gỡ đồng nghiệp nhiều hơn ở nhà. Do đó, bữa cơm tối chính là tấm gương soi hạnh phúc trong từng mái ấm. Một gia đình hạnh phúc bữa cơm tối luôn đầy đủ mọi thành viên và tràn ngập tiếng cười. Chính vì vậy khi lệch đũa nếu muốn gìn giữ hạnh phúc không còn cách nào khác ngoài việc khi vợ chồng phải cùng nhau so đũa lại. Sau vài tháng giận nhau, nhờ sự can thiệp của chuyên gia tâm lý chị L và chồng cùng ngồi bàn bạc lại với nhau. Giờ giấc của từng bữa cơm, những bữa cơm trong tuần với chợ chồng con cái, bữa cơm cuối tuần bên nhà ông bà ngoại hoặc nội. Anh chị cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể trong công việc, cho hạnh phúc gia đình. Họ quyết định chỉ dành 15 phút mỗi tối cho công việc, còn sau đó dành cho chuyện riêng tư của họ, chuyện con cái, nhà cửa và họ trao đổi lại với nhau những giá trị tinh thần mà họ theo đuổi có bị thay đổi hay không. Chồng chị L cảm thấy rằng khi ngưng nói về công việc, bỏ hết mọi áp lực bên ngoài cửa, toàn tâm với bữa cơm gia đình thì anh bỗng cảm thấy thoải mái hơn để thể hiện tình cảm với vợ, với con. Thái độ trìu mến gắp thức ăn cho vợ con khiến cả nhà ngập tràn yêu thương và anh như có thêm năng lượng cho ngày làm việc mới…
Bữa cơm lệch đũa hiện diện trong đời sống hiện đại nhưng một điều hiển nhiên nếu như mỗi cá nhân không biết cách cân bằng giữa hôn nhân và công việc. Từ việc lệch thời gian, lệch thói quen sinh hoạt, sau mê công việc để lạc mất những bữa cơm đầm ấm bên người thân. Áp lực công việc khiến họ hiện diện trong bữa cơm với xác mà không hồn… Mọi mâu thuẫn, cãi cọ, muộn phiền đều được bày biện lên trong bữa cơm. Những món ăn dù ngon đến đâu dù trở thành nhạt nhẽo. Nhưng đôi khi con người nhận thấy lỗi lầm nhưng lại cứ đổ thừa cho hoàn cảnh, đổ thừa cho nhau, đôi đũa lệch thì kiếm một chiếc đũa khác gáng vào mà không chịu khó ngồi so lại. Hạnh phúc vỡ tan tìm kiếm lại thật không dễ dàng. Không phải sự kết thúc nào cũng diễn ra trong êm ấm, sự tổn thương để lại cho con cái, cho những người thân yêu đôi lúc lại năng nề rất nhiều lần so với chính sự tổn thương trong con người mình.
Càng thành đạt, con người ta càng có xu hướng vươn cao hơn nữa và cứ thế hạnh phục khó vẹn toàn nếu không kiểm soát kịp thời mục tiêu, công việc ở vị trí nào, thời gian nào? Gia đình ở nơi đâu trong trái tim ta? Dù là một người thành đạt và có địa vị cao đến đâu, khi trở về gia đình ta vẫn là một người chồng – người vợ, người cha – người mẹ, người con trong gia đình. Chính vì vậy, thực hiện đúng trách nhiệm là một điều quan trọng để gìn giữ và nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Đối với một nữ doanh nhân có thể không có nhiều thời gian để nấu những món ăn công phu cho chồng con, nhưng tận tay vào bếp nấu cơm, đợi chồng đi làm về, dù món ăn đơn giản cũng khiến không khí gia đình luôn vui tươi và hạnh phúc. Dù xã hội đã bình đẳng giới nhưng thật sự vai trò của phụ nữ luôn quyết định đến mái ấm hạnh phúc gia đình “đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm”. Nếu không thể nấu cơm cùng vợ, đàn ông có thể góp một tay vào việc nêm các gia vị vào bữa cơm. Đó là những lời động viên, khen ngợi, một sự quan tâm, ân cần… Mỗi bữa cơm, vợ chồng đều nêm một chút hương vị cho nó bởi chính tình yêu và sự cần nhau trong cuộc sống này thì không có hạnh phúc nào có thể vỡ tan.
Áp lực cuộc sống sẽ đẩy chúng ta dần xa hơn với mái ấm gia đình. Công việc dường như nhiều ra và thời gian dường như ngắn lại. Chính bữa cơm gia đình là sợi dây kết nối cảm xúc và tình cảm của mỗi cá nhân với người thân. Cuộc đời ý nghĩa là khi mỗi ngày đều được quây quần bên mâm cơm gia đình, được quên đi những mệt nhọc vất vả bên ngoài cánh cửa ngôi nhà. Những câu chuyện cuộc sống được chia sẻ, những mâu thuẫn hay buồn phiền cũng được cởi nút trong niềm chân thành. Bữa cơm giúp mỗi chúng ta giữ lửa cho mái ấm gia đình mình. Chính vì vậy, đừng để bữa cơm gia đình lệch đũa bởi một chút vô tâm hay một chút tham vọng trong công việc.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn