Một buổi tối, khi tôi đang lọ mọ trong bếp chuẩn bị cho bữa cơm tối cùng cha mẹ, chị Châu hai mắt đỏ hoe bước vào, tôi biết chị vừa khóc, chị thút thít nói với mẹ tôi:
Em tính đêm nay đi mà nhìn hai đứa con khóc em không cầm lòng được.
Mẹ tôi bảo: ừm! đi khi con còn nhỏ, bây giờ con lớn rồi, đi đâu cũng khó, vì con nó biết suy nghĩ nhiều, nỗi nhớ cũng nhiều theo.
Vậy nên, những cuộc chia xa thêm phần khó khăn.
Cứ đều đặn, những ngày gần tết, quê tôi kẻ bắc người Nam về rất đông, tết là dịp để đoàn viên và sum họp, nhưng từ mùng 6 tết, những chuyến đi xa lại bắt đầu, con xa mẹ, chồng xa vợ. Tất cả mong cầu một tương lai tươi sáng hơn.
Thấy chị quẹt nước mắt tôi bỗng chạnh lòng, tôi hiểu được chuyến đi lần này của chị, con chị đang còn tuổi ăn tuổi học, chồng mất cách đây bốn năm vì bệnh ung thư, nếu giờ chị không đi – bám víu vào đâu để nuôi các con trưởng thành nên người, bằng bạn bằng bè. Chị kể: con đi học, lúc nào chị cũng sợ con thua thiệt bạn bè nên từ đầu năm đã lo đóng đậu đầy đủ, quần áo các con được chuẩn bị tươm tất, cô giáo thấy vậy nên không đưa vào trường hợp đáng quan tâm trong lớp, phải đến khi chị tham gia họp phụ huynh cho con, tâm sự cùng cô, chính lúc đó cô giáo mới ngỡ ra.
Những cuộc chia xa, chưa bao giờ là dễ dàng, hai đứa con chị bảo:
Mẹ đi nước nào cũng được, nhưng mẹ đừng qua Trung Quốc, con sợ mẹ bị bắt lắm.
Những đứa trẻ mới chập chững đến trường, lo những nỗi lo của người lớn, chúng hiểu được để có những bộ quần áo đẹp, những chiếc áo ấm cả mùa đông thì mẹ chúng phải đổi đi cả quyền tự do bản thân, đôi khi chính điều đó ảnh hưởng đến cả mạng sống của mình. Nhưng người mẹ vẫn chấp nhận.
Ngày 20, sau một đêm, cả ngôi làng trở nên vắng lặng, tất cả thanh niên và những người có sức khỏe trong làng dường như dời đi, có ba sự lựa chọn: Thái Lan, Lào, và Trung quốc, những đứa bạn thời nối khố của tôi cũng đi, mấy đứa con gái thì qua Thái phụ nhà hàng, mấy đứa con trai chuẩn bị đôi bao tay để sang Lào làm phụ hồ. Sẽ chẳng bao lâu nữa những đồng tiền được gửi về, cả thôn xóm đang chuẩn bị cho việc xây dựng lại hội trường, cha tôi bắt loa thông báo:
Một lần, hai lần và ba lần, lần lượt một vài chị em phụ nữ tham gia, các mẹ các bà cùng nhau làm, vài đứa trẻ đang đến tuổi đến trường cũng tham gia vào. Vì trụ cột lao động chính không còn nữa.
8h tối, một mình tôi ghé nhà người thân, không nghe một tiếng động, một vài ánh sáng còn le lỏi, tất cả chìm trong không gian yên tĩnh, đó là cõi tĩnh của tâm hồn nhưng cũng là nỗi buồn sau những câu chuyện chia ly.
Rồi ngày sau, cuộc sống sẽ tốt lên từng ngày, mọi thứ sẽ trở nên đầy đủ, rất nhiều bộ quần áo đẹp được mua, tụi nhỏ sẽ háo hức cho chào đón sự trở về. Nhưng sau tất cả, tôi thấy chạnh lòng, vì những cuộc chia ly làm cho tâm hồn con trẻ sẽ không còn được ủ ấm và an toàn trong tình yêu thương.
Những cuộc chia xa, bao giờ cũng buồn và nhiều tiếc nuối.
Thảo Cỏ