Những mẩu chuyện ngày Tết khiến bạn chẳng muốn dời nhà nửa bước

Tết là dịp mà mỗi khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống đều đáng giá nghìn vàng mà mỗi thành viên trong gia đình đều trở thành ‘đại gia’ nếu biết trân trọng.

… Hồi ấy ngu ngơ và khờ khạo, chỉ ước giá mà tóc của bà nội có thể bạc trắng như ông Bụt trong ‘Cây tre trăm đốt’ là có thể phát tài! Sau này lớn lên mới thấy ngày ấy sao mà dại…

Ba năm rồi đều cùng mẹ sắp cơm cúng tất niên, chuẩn bị riêng một mâm nhỏ ở bàn thờ bà. Ngắm nụ cười hồn hậu và mái đầu bạc trắng của bà trong tấm di ảnh mà ứa nước mắt…

… Loay hoay, lúi húi một hồi cũng xong xuôi. Lúc ra quầy thanh toán, thằng Út níu áo mẹ ngơ ngác: ‘Mẹ ơi, nhà mình ai cũng có quà. Quà mẹ đâu hả mẹ?’.

Mẹ khựng người ra, nhìn cô thu ngân mà mặt đỏ rần rần, vơ đại gói hàng trước mặt rồi xua tay cười chống chế: ‘Mẹ thích gói K’nor này thôi, Út à!’.

… Có bận, bố mua bộ chén uống trà bằng gốm mà nói bớt giá hẳn một nửa để mẹ đỡ xót tiền.

Năm ngoái, bố mất vì tai nạn. Năm nay cái Tết đìu hiu. Hôm rồi mang bộ chén uống trà đi rửa, mẹ cầm cái chén xoay xoay rồi bần thần: ‘Ông này kì ghê! Có ai thèm la đâu mà lúc nào cũng phải nói bớt giá cơ chứ!’, đoạn tất tả quay lưng bỏ vào bếp. Nhấc cái chén lên vẫn thấy nguyên giá tiền còn in ở đáy mà bố chưa kịp bóc.

Ra là ngày ấy, mẹ biết cả rồi! Chẳng thấy mẹ nói gì nữa, chỉ thấy từ bếp vọng ra mấy câu hát ngân nga của mẹ. Bài hát mà ngày xưa bố vẫn thường hay mở…

.. Dạy tới dạy lui, cuối cùng ông cũng soạn được cái tin ‘Chúc mừng năm mới’ gửi cho mấy ông bạn già trong hội người cao tuổi. Dạy ông cách gửi tin hàng loạt mà ông gạt đi, bảo như thế sẽ không thành tâm. Thấy ông đeo kính lão, lọ mọ ngồi dò chữ, soạn từng cái tin, nhưng nét mặt hỉ hả rạng ngời cũng đành tặc lưỡi, kệ.

Đêm giao thừa, đang chén chú chén anh với đám chiến hữu, giật thót người bởi tin nhắn gửi đến từ ông. Dòng tin chỉ vỏn vẹn: ‘Đích tôn, chúc mừng năm mới!’.

… thằng Út nhớ chị nhảy câng câng, còn ba hứng khởi quyết định mua nguyên dàn máy hát mới để chào đón anh rể. Phải hơn tháng nữa chị hai mới về, mà ngày nào ba mẹ cũng sốt ruột, thay phiên nhau gọi điện hỏi chuyện. Chị Hai than trời qua điện thoại: ‘Ba mẹ gọi chi mà gọi lắm?’.

Ba mẹ thật thà cười: ‘Gọi chớ! Chỉ sợ vợ chồng bay lại đổi ý không về!’.

… Dượng đôi lần muốn chuyện trò thân mật nhưng liếc thấy thái độ hờ hững lại tần ngần rồi thôi. Hôm rồi sắm ít đồ Tết mà bận công chuyện, đành gửi người bạn chuyển hàng qua nhà. Lúc về thấy Dượng hớn hở khác thường, vừa tỉa cây vừa huýt sáo vui vẻ. Gặng hỏi mẹ: ‘Ủa? Ổng vừa trúng số sao mà phấn khởi quá vậy mẹ?’.

Mẹ cười, lắc đầu nguây nguẩy: ‘Còn phải hỏi nữa sao!’, đoạn chỉ tay vào thùng hàng gửi đến. Trên đó vẫn kẹp mảnh giấy mà hồi chiều viết vội: ‘Nhờ anh chuyển đồ đến BA EM!’.

… Hỏi ba có còn buồn chuyện mẹ? Ba ừ hứ, chẳng tỏ thái độ gì, phăm phăm bỏ ra vườn quẩy nước. Dăm ba người họ hàng sốt ruột mai mối, ba chỉ chặc lưỡi cười: ‘Tính tau khó chiều, lấy ai cơ chứ? Lấy lại tội người ta!’. Riết rồi chẳng ai buồn thúc giục nữa.

Hôm bữa về nhà, phụ ba dọn dẹp, mở ngăn kéo ba ra thấy cả cuốn album ảnh cưới mà ba mẹ chụp cùng nhau hồi nào. Cuốn album được ba bọc lớp nilong ngoài bìa cẩn thận. Trong tấm hình đẹp nhất, mẹ mặc váy cưới trắng tinh, miệng cười rạng rỡ, bàn tay nhỏ nhắn nằm gọn trong tay ba, được ghi thêm dòng chú thích nguệch ngoạc: ‘Vợ à, anh vẫn còn thương em…’

… Bà mải vui vầy con cháu, vô tư nạt ông: ‘Thủ đô đẹp lắm, chừng nào chán thì tôi về!’.

Một tuần sau, bà chán thủ đô và nằng nặc đòi về thật! Bà về, xách theo mấy bộ quần tây và áo sơ mi để ông có đồ diện đám cưới và họp cán bộ hưu trí. Ông vui ra mặt, nhưng chẳng phải vui vì những món quà. Lúc dọn dẹp căn bếp, bà la hốt hoảng: ‘Sao ông không ăn hết cá kho đi mà để nó thiu cả ra thế này!’ Ông chẳng buồn thanh minh, chỉ nhìn bà cười ngượng nghịu: ‘Không có bà, làm sao tôi ăn được!’

(Ảnh: Trà Trang)

Theo Hoàng Anh/Baodatviet.vn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *