Theo TS Huỳnh Văn Sơn, việc cấm con sử dụng Facebook thể hiện sự bất lực của phụ huynh, nhà trường. TS Vũ Thu Hương không cho phép con sử dụng mạng xã hội khi dưới tuổi 15.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh học sinh cấp 2 bị ba nữ sinh khác đánh hội đồng ở Phú Yên. Nữ sinh liên tục bị bạn tát, đánh, đạp, nguyên nhân vì mâu thuẫn trên Facebook. Nạn nhân bị đánh còn đeo khăn quàng đỏ.
Đau lòng nhìn trẻ lớp 7 đánh nhau
Theo xác nhận của ông Phan Văn Như, Hiệu trưởng THCS Tây Sơn (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên), nữ sinh bị đánh trong clip mới học lớp 7, là học sinh của trường. Còn 3 nữ sinh đánh bạn đều thuộc địa bàn của huyện: THCS Đồng Khởi, THCS Phạm Văn Đồng và THCS Nguyễn Thị Định. Trong đó, hai em học lớp 8 và một em lớp 9.
Việc không ít học sinh dưới 15 tuổi đánh nhau gây xôn xao mạng xã hội khiến nhiều người đặt câu hỏi: Độ tuổi nào nên sử dụng mạng xã hội?
Độc giả Như Quỳnh viết: “Ngày không có Facebook thấy các em ngoan hơn hẳn. Bây giờ mới ở tuổi cấp hai mà các em đã đánh bạn như kẻ thù. Xem clip, tôi thấy đau lòng hơn khi nạn nhân bị đánh vẫn đeo khăn quàng đỏ, đang ở lứa tuổi măng non”.
Bạn Nguyễn Nam viết: “Bạo lực học đường do bố mẹ quá chiều con. Tại sao mới là học sinh lớp 7, lớp 8, phụ huynh đã cho con sử dụng Facebook để gây mâu thuẫn. Phụ huynh nên cân nhắc việc quản lý con em mình chặt chẽ, bởi nhà trường không thể là nơi gánh mọi trách nhiệm”.
Nữ sinh đeo khăn đỏ bị đánh hội đồng vì mâu thuẫn trên Facebook. Ảnh cắt từ clip.
Trao đổi về vấn đề này, cô Thùy Linh (giáo viên tại Hải Dương) bày tỏ: Độ tuổi sử dụng Facebook của con không quan trọng, quan trọng là cách quản lý của cha mẹ.
Cô Linh đề xuất, với trẻ em, cha mẹ hãy lọc danh sách bạn bè và giám sát con sử dụng Facebook. Phụ huynh hãy coi con như những người bạn thân thiết, có thể nắm rõ mật khẩu của từng tài khoản trên mạng xã hội.
Có nên cẩm trẻ em dùng Facebook?
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Riêng với con gái, tôi không cho phép cháu sử dụng Facebook trước khi tròn 15 tuổi”.
Theo TS Hương, khi sử dụng Facebook, con phải ký vào bản cam kết luôn giữ tình trạng kết bạn với cha mẹ. Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, lịch sự khi tham gia Facebook. Không sử dụng Facebook để công kích, chỉ trích bất kể ai hay chính sách gì của Nhà nước. Con sử dụng Facebook trong thời gian giới hạn theo quy định rõ ràng. Khi bị phạt, con phải chấp nhận khóa Facebook theo thời gian thỏa thuận với cha mẹ.
TS Huỳnh Văn Sơn – Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, hành động cấm con sử dụng Facebook thể hiện sự bất lực của gia đình và nhà trường. Điều đó cho thấy người lớn có tư duy một chiều “không dạy được thì cấm”. Hơn nữa, việc trẻ sử dụng mạng xã hội không vi phạm luật, không phải trẻ em nào sử dụng cũng… đánh nhau.
Theo TS Sơn, Facebook có thể dạy con trẻ rất nhiều điều, giúp con giao tiếp, mở rộng các hoạt động online. Ông đề xuất, từ đầu bậc THCS, trẻ có thể sử dụng kênh thông tin Facebook để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với bạn bè.
Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM cho rằng, việc độ tuổi nào nên cho con sử dụng Facebook tùy hoàn cảnh, cách giáo dục của mỗi gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ cần hướng dẫn kỹ lưỡng cho con về kỹ năng sử dụng.
Trong nhà trường, thầy cô dạy tin học phải là những người cập nhật nội dung hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội trong hoặc ngoài giờ lên lớp. Cha mẹ cũng cần “xóa mù” công nghệ thông tin để luôn đồng hành, kiểm soát con trong thế giới mạng.
“Hãy cho trẻ cơ hội tìm hiểu và trang bị kỹ năng để làm chủ thế giới mạng thay vì không ủng hộ hay bỏ mặc trẻ” là thông điệp TS Huỳnh Văn Sơn muốn nhắn nhủ.
Quyên Quyên