PV: Thưa PGS.TS tâm lí Huỳnh Văn Sơn, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới gần, một trong những yếu tố quan trọng giúp các thí sinh làm bài tốt là tâm lí ổn định. Bước vào phòng thi tại kỳ thi lớn như ĐH, CĐ các thí sinh sẽ không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng, dưới góc độ phân tích tâm lí ông có chia sẻ và lời khuyên gì gửi tới các sĩ tử?
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Việc thi cử dễ có thể tạo ra những áp lực dù với người lớn hay học sinh. Điều quan trọng là biến áp lực ấy thành động lực hay giảm thiểu áp lực ấy để tránh những sự cố đáng tiếc…
Hãy nhận thức rằng đây là một trong những cú vượt vũ môn để chúng ta cho mình cơ hội… Và hãy làm hết mình vì nó thay vì cứ yếu đuối,do dự hay không hết sức. Nhưng cũng hãy nhớ rằng đấy không hẳn là cơ hội duy nhất. Vì vậy, hết mình nhưng không tạo sức ép là điều cần làm dù không dễ.
Ngoài ra, bản thân mỗi sĩ tử cần tự tin vào chính mình để hướng đến một sự tập trung cao độ, sự hết lòng – hết sức trong hoạt động thi cử của chính mình. Nếu bạn tin vào bản thân bạn thì kết quả khả khá thú vị hay thậm chí là kỳ tích sẽ xuất hiện…
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn
PV: Nhiều phụ huynh khuyên con của họ rằng, càng gần tới ngày thi phải tập trung cao độ, học và đọc sách liên tục, ghi nhớ công thức này kia để đảm bảo cho lúc làm bài được tốt nhất. Sự lo lắng của phụ huynh là có cơ sở nhưng ở mức nào đó theo ông thí sinh có cần thiết phải học trong giai đoạn cận kề này không?
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng sự đề nghị ấy được thông cảm nhưng lo lắng ấy là không có cơ sở. Liệu rằng bao nhiêu học sinh hoàn toàn không hiểu về tầm quan trọng của kỳ thi? Liệu rằng bao nhiêu lo lắng theo kiểu ấy của phụ huynh sẽ có kết quả?
Nói thế để thấy rằng, mỗi đứa trẻ hay mỗi học sinh được phép học và ôn luyện theo kiểu của mình. Nếu đó là học sinh “nước đến chân mới nhảy” thì hãy động viên, khuyến khích, giao nhiệm vụ sau khi chấp nhận sự thoải mái tương đối. Nếu đó là học sinh làm việc có kế hoạch và có kỹ năng quản lý thời gian, đặt mục tiêu thì hãy tôn trọng trẻ… Nếu cần chỉ nhắc nhở thật khéo và đề nghị đừng quên ôn nhẹ nhàng…
PV: Gặp một đề khó hoặc lạ thí sinh thường lúng túng, rơi vào trạng thái tâm lí hoảng loạn, mất định hướng và dẫn đến không hiểu đề hỏi gì. Ông có chia sẻ gì ở trường hợp này?
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Hãy nhận thức đấy là việc thi tuyển. Thi tuyển nghĩa là kết quả khá hơn sẽ có cơ hội cao hơn… Và vì thế hết mình làm bài thay vì lo lắng. Thứ nữa, hãy hiểu rằng cái mới hay cái khó thì sẽ là cái khó chung của nhiều người chứ không hẳn riêng mình.
Thứ ba, đừng bị sức ép bởi sự ào ào hay sự liên tục viết của bạn bè mà thay vì vậy hãy bình tĩnh, xem xét và tìm phương án đầu tư thông minh cho bài thi hoặc phương án giải quyết yêu cầu lạ này.
Thứ tư, hãy thư giãn vài phút (nhắm mắt, suy nghĩ về một điểm tựa, hít thờ sâu…) để lấy lại sự quân bình và có thể tìm hướng đi phù hợp cho mình.
Thứ năm, hãy hồi tưởng, tập trung nhớ… và nên nhớ rằng không có cái mới nào là mới toanh hay không có con đường nào không tìm ra lời giải.
Thứ sáu, hãy hiểu và thực hành ngay sự bù trừ của cuộc sống bằng cách tập trung câu hỏi khác hay yêu cầu khác để được tối đa về kết quả hay điểm thưởng.
PV: Những rắc rối trong phòng thi thường rất hay gặp như từ giám thị (có thể là sợ giám thị), thí sinh cùng phòng hỏi bài, đe dọa…, rơi vào trường hợp này ông có lời khuyên gì tới thí sinh?
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Xin chia sẻ là những áp lực có thể đến từ hai phía như giám thị làm căng hay phong thái : “chặt chem.” “lạnh băng”… Nhưng cũng có những áp lực do chính mình tạo ra hay mình nghĩ là giám thị “ác” chứ không hẳn thế.
Trong trường hợp căng từ phía nào đi nữa, hãy nghĩ đến điều tích cực sau:
Thứ nhất, đó là nhiệm vụ cần làm, đó là phong cách của họ…
Thứ hai, chúng ta không có lỗi gì hay không có mưu đồ gì thì sợ gì nào?
Thứ ba, tìm ngay một điểm tự để đánh lừa não và cảm xúc: một ánh mắt dễ thương của ai đó, một khẩu hiệu trong phòng thi, viết ngay một câu châm ngôn cho mình, nghĩ về cha mẹ hay bạn bè, nghĩ về cổng trường đại học mình ước mơ, mỉm cười với chính mình hay nở nụ cười tươi với đồng đội thì mọi chuyện sẽ hóa giải…
Còn nếu người cùng phòng mà đóng vai cá thì mình đóng vai thẳng thôi: Giám thị ơi, cứu em với…
PV: Thí sinh thường có tâm lí chán nản khi một trong 3 môn mình thi không tốt, thường bỏ bê các môn còn lại. Dưới góc độ người nghiên cứu tâm lí lâu năm ông có lời khuyên gì?
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Hãy hiểu rằng nếu không có bước không thành công, chúng ta sẽ khó có thể đạt đỉnh ở lần sau… Vậy thì tại sao không kiên định với chính mình? Kiên định sẽ làm chúng ta hết lòng, hết sức để đạt kết quả tốt.
Thứa nữa, nếu chứng minh là mình có thực lực, liệu có nên dễ dàng bỏ cuộc không? Đừng nói ta sẽ phục hận mà hãy phục thù ngay hôm sau, ngay buổi chiều bằng cách tập trung cao độ.
Ngoài ra, cũng nên nhớ đến những điểm tựa như giọt nước mắt của mẹ, mồ hôi của ba, bàn tay còm cõi của bà để làm hết mình nhằm cứu vãn “danh tiếng”.
Bên cạnh đó, cũng cần quyết tâm để hướng đến cột mốc điểm sàn thay vì cứ nghĩ đến điểm chuẩn. Cơ hội là ở đây cơ mà…
Cuối cùng, hãy nhắc nhở bản thân là có thể ta chưa thành công nhưng ta vẫn phải thành công ở một bước đi kế tiếp… Và môn kế tiếp chính là môn cần thành công.
Nếu nhận thấy mình quá yếu đuối, đừng vội xem đáp án môn đầu tiên hay môn thi vừa xong mà mình cảm thấy không làm tốt… Gọi điện chia sẻ ngay với người thân và nhà tham vấn để xốc lại tinh thần…
Cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện này.