Yêu sớm ở những bạn trẻ chưa đến độ tuổi vị thành niên, phản ứng bồng bột khi yêu, bị cha mẹ phản đối là những vấn đề đang nổi cộm trong xã hội thời gian gần đây.
Lớn sớm, yêu vội Cụm từ “ yêu sớm ” từ lâu đã trở thành đề tài được nhắc đến nhiều trong các cuộc hội thảo, tranh luận về đời sống, tình yêu của giới trẻ. Nhiều bài báo đã nêu lên thực trạng có phần đáng e ngại, nhiều chuyên gia đã chia sẻ hậu quả có thể xảy ra không chỉ về tâm lý mà còn cả sinh lý, sức khỏe, nhiều cha mẹ lo lắng nhưng vẫn chưa thực sự hiểu và định hướng cho con một cách đúng đắn. Điều đó đã khiến cho đề tài “lớn sớm, yêu vội” vẫn luôn là sự tò mò với các cô – cậu học trò và cũng là nỗi niềm của các bậc phụ huynh. Không ít người phải lắc đầu trước những câu chuyện một cô bé học sinh bỏ nhà theo “tiếng gọi trái tim”, hay cậu bé trộm tiền bố mẹ để mua quà tặng “xịn” cho bạn gái… để rồi giật mình khi đọc các số liệu thống kê như: tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi thành niên lên đến 18 – 20%, trong đó có 60 – 70% là học sinh, sinh viên độ tuổi 13 – 19 tuổi, kèm theo đó vô vàn hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe (Theo Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại hội thảo “Sống thử: nên hay không?” ở Hà Nội). Ở lứa tuổi vị thành niên, khi nhận thức chưa sâu sắc, tâm lý còn những bồng bột của “tuổi mới lớn”, các bạn trẻ thường có phản ứng nhất thời trong tình yêu. Sẵn sàng bất chấp sự phân tích của bố mẹ, muốn chứng tỏ “cái tôi” của mình, nhiều bạn trẻ cho rằng “yêu là dâng hiến tất cả cho nhau”, để rồi đôi khi sự thiêng liêng của tình yêu biến thành mù quáng. Trong một số trường hợp bị gia đình phản đối nhiều bạn trẻ đã có những hành động bột phát đáng để chúng ta suy ngẫm về cách ứng xử, kĩ năng sống của giới trẻ hiện nay. Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ clip chàng trai tên T.N quỳ gối trước mặt mẹ người yêu ngay giữa phố Bà Triệu (Hà Nội) khi bị mẹ cô gái phản đối chuyện tình cảm thu hút nhiều bình luận trái chiều. Có ý kiến cảm thông, có ý chế giễu, nhưng mặt khác đặt ra câu hỏi liệu người mẹ đã có cách ứng xử hợp lý và hiệu quả với con gái chưa, chàng trai quỳ xuống bảo vệ bạn gái là hành động bồng bột, nhất thời hay muốn chứng tỏ tình yêu non trẻ của mình? Đoạn clip đủ để người đọc đặc biệt là các bạn trẻ và phụ huynh suy ngẫm về tình yêu sớm, về phương pháp giáo dục giới tính dành cho trẻ vị thành niên. T.N và bạn gái “Không nên yêu sớm khi còn học” Khi được hỏi về chuyện yêu sớm ở lứa tuổi vị thành niên, bạn Xuân Hưng (19 tuổi, Đại học Phương Đông) nêu ý kiến: “Theo mình, không nên hành xử ngay giữa phố như bạn T.N và bác gái mẹ bạn P.L trongclip gây sốt vừa qua. Nếu là bạn T.N, mình sẽ cùng người yêu và mẹ về nhà rồi giải thích, hoặc chọn một nơi nào đó để nói chuyện chứ không quỳ giữa phố gây ồn ào chốn đông người như thế! Chưa kể, các bạn đó đều trong độ tuổi đang đi học cấp 3, yêu sớm sẽ ảnh hưởng đến chuyện học hành. Còn người mẹ trong clip quá tức giận khi con gái không nghe lời nên có phản ứng hơi quá. Nhưng đây lại là phản ứng thông thường của các bậc phụ huynh với đứa con yêu sớm”. Bạn Xuân Hưng Dương Hòa (21 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa ra hướng giải quyết khi bị bố mẹ phản đối chuyện yêu: “Nếu bố mẹ phản đối tớ sẽ thuyết phục để bố mẹ tin rằng mình vẫn có thể cân bằng giữa học tập, sinh hoạt và tình yêu, chỉ có yêu không biết kiểm soát, yêu theo trào lưu, ảnh hưởng đến công việc và học tập mới là không đúng. Áp dụng “mưa dầm thấm lâu”, để bố mẹ hiểu được người kia và thấy được người kia tốt và xứng đáng với mình”. Tìm ra cách hợp lí nhất để ứng xử trong chuyện tình cảm với các bên luôn là điều khó khăn với nhiều bạn trẻ và đôi khi bế tắc trong cách giải quyết mâu thuẫn có thể gây ra những nỗi đau vô vàn. Rất nhiều những vụ việc các đôi nam nữ chọn cái chết để được bên nhau khi gặp phải sự phản đối của bố mẹ đã khiến cho dư luận bàng hoàng. Gần đây nhất là vụ đôi bạn trẻ ôm nhau tự tử trong phòng trọ tại Hà Nội khi tuổi còn quá trẻ cùng những lá thư tuyệt mệnh với nguyện vọng “để hai người không bao giờ phải xa nhau”. Đằng sau những phút nông nổi đó và biết bao nỗi đau đớn cho những người thân trong gia đình. Đằng sau những hành động bột phát là bao vấn đề về kĩ năng sống, bản lĩnh sống, mà để rồi sau khi mọi chuyện xảy ra người ta chỉ còn biết nói “Giá như….” Bạn Hoa Lê (SN 1993, Vĩnh Phúc) bày tỏ: “Thế hệ bố mẹ với chúng ta bây giờ có những suy nghĩ khác nhau, nếu yêu sớm, từ ngày học sinh thì 90% sẽ bị bố mẹ phản đối. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ còn bồng bột không tìm cách thuyết phục bố mẹ mà hành động theo ý mình gây ra những mâu thuẫn không đáng có!”. Bạn Hoa Lê Clip bạn trai quỳ gối trước mặt mẹ người yêu cũng khiến nhiều bậc phụ huynh phải giật mình suy ngẫm về phương pháp giáo dục tâm lý cho con ngay khi còn đang độ tuổi vị thành niên. Làm thế nào để con nhận biết được hướng đi đúng? Làm thế nào để cha mẹ trở thành người bạn của con? Bác Kim Khánh (60 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Sau khi đọc bài báo liên quan đến clip chàng trai quỳ gối ở đường Bà Triệu, nhìn hành động của người mẹ trong clip tôi thực sự cảm thông. Hẳn là người mẹ ấy đã nhiều lần khuyên ngăn con nhưng người con dường như bất chấp không nghe. Và đỉnh điểm là việc phát hiện con nói dối đi chơi. Bảo con không nghe thì “giận cá chém thớt” mắng người yêu của con. Tâm lý thông thường của rất nhiều bậc phụ huynh nóng tính. Nếu là tôi, thì có lẽ sự kiềm chế cảm xúc tốt hơn. Tôi sẽ đưa con gái và cả bạn trai nó về nhà để hỏi lại sự việc, phân tích, giảng giải rồi đưa ra nguyên tắc riêng của mình. Ồn ào ở nơi công cộng cũng là việc không nên làm, gây ảnh hưởng tâm lý đến các con và ngay chính bản thân mình”. Cô Nguyễn Mừng Trong khi đó, cô Nguyễn Mừng (50 tuổi, Hải Dương) chia sẻ: “Độ tuổi học cấp 3, trẻ có những rung động như một điều tất yếu. Ngăn cấm thái quá sẽ khiến cho các cháu phản ứng lại và đôi khi là hành động liều lĩnh. Ở độ tuổi này, các cháu còn suy nghĩ chưa chín chắn, hay bồng bột phản ứng. Chính vì vậy, với con gái của mình, tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi chuyện dần dần và định hướng khéo, nêu ví dụ có bạn này từng xảy ra chuyện kia… để con biết đường tránh. Cảm xúc tuổi học trò dần trôi theo thời gian. Quan trọng là chuyện học hành”. “Đừng làm quá chuyện yêu” Chia sẻ về vấn đề yêu sớm giới trẻ và phản ứng của cha mẹ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội VN, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý – Giáo dục, trường ĐHSP TP.HCM) cho hay: “Việc một số bậc cha mẹ phản ứng chuyện trẻ yêu đương đang là vấn đề dẫn đến sự ứng xử lệch pha từ hai phía. Một số bậc cha mẹ có xu hướng trở nên quá đáng nên thiếu kiềm chế dẫn đến những hành động và lời nói thiếu kiểm soát. Cần nhận thức rằng việc trẻ em dậy thì và có nhu cầu rung động giới tính là chuyện đương nhiên. Việc cảm thông cho trẻ và có những tác động mang tính định hướng thực sự cần thiết hơn những tác động hay sự can thiệp quá thô bạo như cấm đoán, chia rẽ, ngăn cách, đánh đập, mắng chửi,… PGS. TS Huỳnh Văn Sơn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn Về phía các bạn trẻ, đành rằng nhu cầu yêu là có thật nhưng cũng đừng trở nên quá quắt. Đừng nghĩ đó là cuộc đời mình hay đó là mối quan hệ có thể đánh đổi tất cả… Nếu có suy nghĩ thế thì dễ trở nên chủ quan và sai lầm trong ứng xử. Việc cha mẹ không đồng ý tất nhiên có những lý do… thay vì chống đối, qua mặt thì nên đấu tranh hòa hoãn và xem đấy như một cơ hội thử thách. Cũng cần nhìn nhận vấn đề theo hướng nếu cha mẹ phản đối chuyện yêu trực diện hoặc có những lời lẽ hay hành động thiếu kiểm soát thì nên tránh đối đầu trực diện. Sự thái quá trong hành vi như đối đầu, cãi cọ, đôi co… chỉ đem đến những mâu thuẫn trầm trọng hơn và thậm chí khó có thể hòa giải về lâu về dài. Nhưng xung đột nếu xảy ra không thể đương đầu thì né tránh không làm giảm đi sự chịu trách nhiệm. Và chịu trách nhiệm không đồng nghĩa với chuyện ứng xử quá trẻ con hay gồng mình quá mức hoặc thể hiện bản lĩnh non hay bồng bột theo kiểu ngây ngô… Một lời xin lỗi chừng mực, tránh đi… có thể là cách phản ứng mang tính tạm thời. Một lời xin lỗi tiếp theo và mong bạn mình cảm thông sẽ là hành vi ứng xử tiếp theo mang tính văn hóa…” Từ những câu chuyện “tình yêu bọ xít”, yêu sớm, yêu vội của giới trẻ hiện nay, nói lên không ít vấn đề về ứng xử của giới trẻ trong chuyện tình cảm. Trong nhịp sống hiện nay, có lẽ tình ái không còn là “sợi dây vấn vít”, “Yêu là chết ở trong lòng một ít” nữa, mà tình yêu cũng là một bài học mà gia đình, nhà trường nên để tâm, bạn trẻ nên chú ý, để trang bị cho mình những kĩ năng, bản lĩnh cần thiết nhất, bảo vệ cho bản thân và tình yêu của mình! |