SỞ THÍCH VÀ SỞ TRƯỜNG – NÊN ƯU TIÊN GÌ KHI HƯỚNG NGHIỆP

Sở thích và sở trường có thể nói là hai yếu tố trọng tâm thường được học sinh bang khuâng nhiều nhất khi lựa chọn nghề nghiệp. Sở thích với ngành nghề là động lực thúc đẩy con người vượt qua những trở ngại khó khăn để đạt được sự thành công. Sở trường tạo ra những tiềm lực khiến con người dễ dàng gặt hái thành công và toả sáng hơn trong nghề nghiệp. Tuy nhiên, đến với một nghề mà không có niềm đam mê, chỉ có năng lực thì liệu có đủ sức mạnh tinh thần để đi đến sự thành công. Hoặc chỉ có sở thích mà bản thân thật sự không có năng kiếu, không có đủ năng lực thì liệu bản thân có thể thi đậu, học tốt và phát triển được nghề nghiệp trong tương lai? Một trong hai hay cả hai yếu tố này có đủ để cân nhắc, cân đối khi học sinh quyết định chọn một nghề cho mình.

Có thể nói sự phù hợp nghề là một vấn đề hết sức quan trọng và cơ bản trong lý luận về nghề. Nó cũng là cơ sở rất quan trọng để xem xét để đánh giá hiệu quả của công tác hướng nghiệp hay giáo dục hướng nghiệp.Để có thể chọn nghề phù hợp hay sự phù hợp nghề diễn ra, cần quan tâm đến khái niệm miền chọn nghề tối ưu. Chính miền chọn nghề tối ưu sẽ là một trong những lý luận rất cơ bản để việc hướng nghiệp cần quan tâm và đạt đến như một yêu cầu cơ bản. Miền chọn nghề tối ưu cần thỏa mãn ba điều kiện là: phù hợp với hứng thú của cá nhân, phù hợp với năng lực của bản thân, phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất của xã hội.

Hứng thú là thái độ đặc biệt của con người đối với sự vật hiện tượng nào đó, vừa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, vừa đem lại cho họ những khoái cảm trong quá trình hoạt động. Sở thích hay hứng thú với nghề nghiệp là động lực quan trọng nhất trong việc nắm vững tri thức, mở rộng học vấn, làm giàu nội dung của đời sống tâm lý của học sinh. Hứng thú khiến cho con người làm việc chăm chỉ, quên mệt mỏi, là nhân tố kích thích hoạt động, kích thích khả năng tìm tòi, sáng tạo ở con người. Chính vì vậy, một khi học sinh đã thật sự yêu thích nghề thì đó là một điều kiện quan trọng dẫn đến sự phù hợp của việc chọn nghề. Tuy nhiên, nó không thể là yếu tố duy nhất và quyết định nhất. Bởi “thích” không thể đủ để khiến học sinh đạt được mục đích dễ dàng trong tương lai của mình. Học sinh thích ca hát, thích trở thành một ca sĩ nhưng liệu niềm đam mê ấy có đủ khiến em trở thành một nghệ sĩ chân chính. Học sinh nghiêng về thiên hướng ngôn ngữ, văn chương, không giỏi tính toán những con số, những phương trình phản ứng liệu em có thể trở thành một bác sĩ, nhà hoá học… Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò ý chí của con người, sự nỗ lực rèn luyện phấn đấu nhưng sự thành công ấy có dễ dàng và các em có thể phát huy hết thế mạnh của bản thân để sống thành đạt và hạnh phúc. Trường hợp của Hồng Nhung, Nhung vốn vĩ rất thích trở thành một bác sĩ nhi khoa nhưng em không có nhiều năng khiếu về các môn tư duy lôgic, em đã thi ba lần vào Đại học Y Dược mà vẫn không đậu và hiện giờ vẫn đang chuẩn bị ôn thi cho lần thứ tư. Thật sự không hiếm trường hợp như Nhung, không thể trách em vì đó là niềm đam mê nhưng tương lai em sẽ đi về đâu khi mà lần thứ tư này vẫn không đậu? Trong thực tế, không hiếm những sĩ tử như Nhung và cũng không hiếm trường hợp thi hoài rồi thì cũng đậu nhưng đậu rồi việc chống đỡ với sự học căng thẳng, nặng nề mà năng lực mình không đáp ứng thì đó là quá trình con gian nan hơn việc thi đầu vào. Lật ngược vấn đề, nếu nghề đúng với năng lực, hoàn toàn trong khả năng có thể đáp ứng được yêu cầu về mặt học tập, chuyên môn, nghiệp vụ trong tương lai nhưng lại không hứng thú, không đam mê thì liệu có đủ sự kiên trì vượt qua những thách thức và sống hết mình với nghề mình đã chọn. Vì lẽ đó, không thể tuyệt đối hoá sở thích hay tuyệt đối hoá sở trường, sự lựa chọn phải được cân nhắc dựa trên sự hài hoà và cân bằng giữa hai yếu tố trên.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn trong một buổi hướng nghiệp

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn trong một buổi hướng nghiệp

Tuy nhiên, theo một đề tài nghiên cứu* thì hiện nay học sinh có xu hướng là chỉ mới chọn nghề theo hứng thú cá nhân và hiểu biết về nghề, trong khi đó, một yếu tố khác quan trọng hơn là chọn nghề theo những dự báo về loại hình nghề nghiệp mà xã hội đang cần hoặc đang thiếu trầm trọng thì các em không chú ý đến. Đây chính là nguyên nhân khiến có hàng trăm ngàn học sinh đổ xô vào những ngành đang trong tình trạng “cung cao hơn cầu” như: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh,… mà không biết rằng, một con số cũng tương tự là hàng năm, hàng trăm ngàn sinh viên của các ngành này khi ra trường đang chịu cảnh thất nghiệp hoặc làm trái nghề. Trong khi đó, xã hội đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc những ngành ít “nhàn hạ” hơn như: cầu đường, cấp thoát nước,… thì những ngành này lại không được quan tâm đón nhận khiến lượng “cung” luôn luôn thấp hơn lượng “cầu”.

b2871e22-8c0c-4937-810d-4b448bab867f

Chính từ thực tế chọn lựa một số khuynh hướng ưu tiên khi chọn nghề của học sinh như phân tích ở trên đã đặt ra một vấn đề khác trong công tác hướng nghiệp, việc chọ nghề không chỉ theo sở thích và năng lực mà còn cần cung cấp cho học sinh những chỉ báo trong tương lai về nhu cầu của xã hội đối với từng loại ngành nghề, những nghề nào đã đủ nhân lực, những nghề nào đang dư nhân lực và những nghề nào đang thiếu hụt ở mức tương đối và mức trầm trọng. Trên cơ sở của những chỉ báo này, kết hợp với việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ về các loại nghề cũng như việc định hướng giúp học sinh hiểu biết hơn về bản thân, chắc chắn cán cân nhân lực trong nền kinh tế sẽ được cân bằng một cách hiệu quả.

Chọn nghề phù hợp đòi hỏi nhiều yêu cầu khác nhưng nếu được đặt trong yếu tố về hứng thú, năng lực và nhu cầu xã hội thì việc chọn nghề sẽ giảm thêm được nữa sự cảm tính, sự tổn hao của cá nhân – xã hội. Quan trọng nhất là người chọn nghề tự tin, thoải mái để có thể thực hiện tốt lựa chọn của mình. Sự phù hợp chỉ là trên lý thuyết nếu như cá nhân chọn nghề không tích cực hoạt động và trải nghiệm. Không thể có sự phù hợp khi chọn nghề nếu như cá nhân không biết định hướng và có ý chí.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *