STRESS CHUYỂN TRƯỜNG

tre_8-30910H kiên quyết phải bỏ học. Tâm trạng chán chường và mệt mỏi khi bắt đầu nhập học thường trực trong tâm trí của H. Không hẳn vì học kém, càng không phải là những áp lực học tập hay những điều kiện khác biệt trong môi trường học tập… Điều giản đơn chỉ vì bạn bè và một vài thầy cô giáo còn định kiến vì H vốn là dân từng học trường quốc tế chuyển sang… Thực tế diễn ra không ít với những trường hợp tương tự cũng chỉ vì sự kỳ thị hay một chút của những “ám thị” trong suy nghĩ…

          H bảo chỉ có đúng một tuần mà không biết bao nhiêu sự việc xảy ra làm cho H “bỗng dưng bị choáng”. Ngày đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm có vẻ “ép cung” khi yêu cầu H giải trình về việc không tiếp tục học môi trường quốc tế mà chuyển sang môi trường “bình thường”. Tiếp tục đó là những tiếng xì xào và những lời võ đoán của không ít bạn bè trong lớp: chắc là nhà nó hết tiền, hay là bị đuổi học, hay là học không nổi vì dốt tiếng Anh… Sự việc không dừng lại ở đó khi hai ngày sau trong khi kiểm tra kiến thức môn Sử đầu năm thì H lại lúng túng đến mức trở thành người làm ít điểm nhất lớp. Thế là chuyện cũ lại được đốt sáng như đống than còn le lói được khơi sáng… Nào là học trường quốc tế hình như chẳng có nhiều kiến thức, chắc vào đó chỉ là chơi không thôi, thì học sinh như thế nào mới phải đóng tiền nhiều để học quốc tế ấy chứ… Tất cả những tác động ấy dư sức “nặng” để làm cho H bị stress tạm và xuất hiện ý nghĩ bỏ học.

          Gặp gỡ H trong buổi chiều nắng nhạt. Chúng tôi yêu cầu H chia sẻ tất cả những bức xúc của mình trong việc chuyển trường. Chính H cũng không biết nguyên nhân vì sao mẹ phải chuyển trường cho nên H cũng có cảm giác căng thẳng. Tuy nhiên, H bảo rằng chính những lời trêu ghẹo và những suy nghĩ tiêu cực của bạn bè là một nguyên nhân chính làm H luôn cảm thấy quá tải về tâm lý. Giải tỏa tâm lý cho H, không thể không bắt đầu bằng nguyên nhân chính là phải tạo cho H sự tự tin cần thiết để hòa nhập cũng như xóa nhòa những cảm xúc tiêu cực từ những áp lực của sự “kỳ thị” nhất định trong suy nghĩ…

          Thực chất không thể không để cập đến những khác biệt nhất định cần phải hòa nhập và thích ứng khi chuyển từ trường quốc tế sang trường “bình thường”. Chắc chắn rằng phương pháp giảng dạy cũng là điểm cần đề cập ở đây. Không phủ nhận rằng môi trường quốc tế hoặc bán uqốc tế trong giáo  dục thì học sinh được chủ động và được đề cao sự tự lập, tự do. Khi vào môi trường mới chắc chắn cần thiết phải có sự điều chỉnh nhất định mà không ít học sinh cảm thấy không thể thích nghi. Một trong những vấn đề cũng khá quan trọng mà chính học sinh từng học ở trường quốc tế cũng cảm tấy bị căng thẳng khi lượng kiến thức của những học sinh từng học ở môi trường bình thường có vẻ “nhiều hơn” một cách tương đối so với học sinh từng học ở trường quốc tế. Với tiêu chí là lượng kiến thức phổ thông được giải quyết trong buổi sáng và tăng cường tối đa việc học tiếng Anh và những kiến thức khoa học bổ trợ vào buổi chiều cho nên chắc chắn cảm giác thua sút kiến thức sẽ có thể xảy ra dù trên thực tế “độ dày” của kiến thức không phải được đo bằng số lượng. Cũng không thể không đề cập đến một thực tế là những thói quen làm việc, học tập và sinh hoạt ở môi trường học quốc tế cũng có sự khác biệt nhất định và chính vì vậy thì những khó khăn nhất định có xảy ra trong quá trình học tập ở một môi trường mới…

          Tuy vậy sự khác biệt trên không đáng kể mà chính những suy nghĩ có phần cảm tính và đặc biệt là suy nghĩ thiếu khách quan của một vài thầy cô giáo và cả bạn bè cùng lớp là nguyên nhân chính yếu có thể dẫn đến sự căng thẳng của những học sinh chuyển trường. Điều này hoàn toàn có thể dễ dàng lý giải vì những suy nghĩ mang tính quy gán bao giờ cũng đẩy đối tượng vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi nếu như không muốn nói là lo âu và sợ hãi… Việc quy gán rằng năng lực kém mới phải chuyển trường hay có vấn đề về đạo đức hoặc thâm hụt về tài chính mới xa rời môi trường quốc tế… là những áp lực đích thực lên sự tải trọng về mặt tâm lý của trẻ. Cũng trên cơ sở này chắc chắn rằng không ít học sinh sẽ không thể thích ứng hay không thể “nhập” vào môi trường học mới từ đó dẫn đến những sự căng thẳng như đã nói và chắc chắn stress là người bạn đồng hành. Chán học vì không thể thích nghi, có ý muốn bỏ học vì cảm thấy mình không thể tiếp tục, suy nghĩ tiêu cực là nên rời xa hoặc “tự bế” là những “điểm đến” trong tư duy khi chính mình cảm nhận được sự mệt mỏi trong quá trình học tập…

          Giải quyết vấn đề cần nhất là sự chuẩn bị tâm lý đầu tiên cho trẻ em. Bên cạnh đó, nhất thiết cần phải có sự điều chỉnh ngay lập tức về suy nghĩ, hành vi và thái độ cho các thầy cô giáo cũng như các học sinh trong môi trường học đường. Dù bất kỳ nguyên nhân này hay nguyên nhân khác nhưng khi chính con người đã thực sự tích cực để có nhu cầu học tập, có những mong muốn phát triển thì đó là những tín hiệu rất tích cực mà mỗi người cần thực sự trân trọng. Chính những nhà quản lý giáo dục cần thực sự quan tâm đến vấn đề này để có những tác động thích hợp nhằm đảm bảo sự thích ứng tâm lý của những học sinh chuyển môi trường học tập. Đó cũng chính là tầm nhìn và cũng chính là thái độ thực sự nhân văn trong giáo dục nhằm tạo đầy đủ những điều kiện để mỗi con người sẽ thực sự phát triển và hoàn thiện chính mình một cách tốt nhất.

PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *