Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người có quá nhiều áp lực khiến họ căng thẳng và điều này tác động đến hôn nhân của họ. Nếu không biết cách giải quyết stress thì chính nó là yếu tố làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Có những bằng chứng rõ ràng về việc stress là một trong những nguyên nhân khiến hạnh phúc vợ chồng tan vỡ. Đó là chưa kể, khi phụ nữ bị stress, hậu quả sẽ để lại trên thể chất và tâm lý của người phụ nữ sẽ vô cùng sâu sắc và dai dẳng…
Một năm trở lại đây thị trường bất động sản trượt giá, chị H – trưởng phòng kinh doanh của một công ty bất động sản lao vào công việc nhằm gồng gánh nợ nần cho công ty. Cứ mỗi buổi chiều, khi trở về nhà, sự mệt mỏi được đón tiếp bằng những tiếng khóc thét của hai đứa con nhỏ, tiếng chó sủa ran… Đó là chưa kể người chồng cứ về trễ nên bao nhiêu gánh nặng đè ép lên vai của chị… Tích tiểu thành đại, chị điên tiết hét to trong một buổi tối anh chập choạng về nhà sau khi tiếp khách: “Đại gia thế quái nào mà tiền lương giờ không đủ mua sữa cho con,… Chỉ có biết đi nhậu nhẹt là hay”. Máu nóng trong người chồng đã lên đến tận đầu. Anh kết thúc sự hằn học của vợ bằng cách đứng dậy đá tung chiếc bàn, hậm hực bước ra cửa, phía sau là tiếng khóc rấm rứt của vợ và con. Thất bại trong công việc dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng càng nặng nề hơn. Sự căng thẳng khiến H càng chán nản, hay mệt mỏi, chẳng thiết ăn uống… chuyện gối chăn không thuận hòa, đối với chị thì việc gần gũi chồng bỗng chốc như một cực hình. Việc ly hôn diễn ra nhanh gọn trong nhiều hối tiếc của gia đình và bạn bè bởi lẽ mọi việc chưa được cứu vãn mà đã kết thúc.
Không thể “bắt mạch” cho nguyên nhân của căn bệnh trên đó chính là stress. “Virut” thời đại không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của mỗi cá nhân mà còn ám ảnh hạnh phúc của mỗi gai đình. Stress vốn là một thuật ngữ tiếng Anh dùng trong vật lý học để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu đựng. Ðến thế kỷ thứ 17, stress được dùng với nghĩa để chỉ một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động tới con người gây ra phản ứng căng thẳng. Stress được hiểu như là một tình trạng gây khó chịu hoặc gây thương tổn về cảm xúc, tinh thần, xảy ra khi cơ thể phản ứng lại những ảnh hưởng trái ngược bên ngoài và có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe thể lý dễ nhận thấy qua các dấu hiệu: tim đập nhanh, huyết áp cao, căng cơ, cảm giác khó chịu, và ưu phiền.
Một ví von thú vị miêu tả phản ứng stress của cơ thể hoạt động giống như thiết bị báo động ô tô. Nó được thiết kế để ứng phó với sự xuất hiện đột ngột của một nguy hiểm nào đó. Thay vì dùng tiếng động, hệ thống cảnh báo nội bộ thông báo bằng cách tạo ra những phản ứng hóa học trong cơ thể. Chúng được gọi là những kích thích tố của stress (Hormone stress), kích thích tố stress dần dà sẽ làm rối loạn đáng kể vô số những chức năng sinh lý ( hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa…) kể cả chức năng tình dục. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra sự bất hòa của không ít cặp chồng khi một trong hai đang đối diện với stress như trường hợp của chị H.
Stress không chỉ ảnh hướng đến thể chất mà còn tác động rất mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của con người. Stress làm thay đổi hoạt động nhận thức của con người bởi vì khi chịu tác động bởi những tác nhân kích thích, cơ thể hưng phấn liên tục kéo dài làm cho chủ thể cảm thấy căng thẳng đầu óc, cảm thấy quá tải hoặc quá sức chịu đựng, luôn bị thời gian thúc ép, các giác quan mất độ nhạy cảm, tư duy giảm sút, trí nhớ kém, thậm chí quên cả những điều đã nhớ.
Trong đời sống hôn nhân, ảnh hưởng của stress đến cảm xúc và đời sống tình cảm của vợ chồng là rất lớn. Bởi vì khi bị stress, cá nhân có hai dạng phản ứng xúc cảm: thứ nhất, phản ứng xúc cảm thụ động là không làm gì mà chỉ chờ cho nó qua đi, sự phản ứng xúc cảm thụ động này lâu dài có thể làm cho cảm xúc bị chai sạn, khô khan. Thứ hai, sự thay đổi cảm xúc trở nên rõ nét hơn , phát sinh những cảm xúc tiêu cực điển hình như: dễ bị kích thích (bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh), lo sợ, bất an, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường, … Chính những phản ứng xúc cảm này làm cho mối quan hệ với những người xung quanh trở nên khó khăn nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với mình.
Stress xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam và mức độ chịu đựng tùy thuộc ở khả năng của từng người. Đặc biệt là phụ nữ ít có cơ hội giảm stress cho bản thân hơn so với đàn ông. Trog khi đàn ông có những cơ hội thư giãn tương tự như phụ nữ thì chính đàn ông có thể xả lòng sau những buổi nhậu “giải lao” hay “xả căng thẳng” hoặc tụ tập cà phê – tán gẫu… Đó cũng có thể là thói quen không quá chú ý đến tiểu tiết và sự di chuyển cảm xúc dễ dàng … Phụ nữ thì không dễ dàng như thế.
Chị N vốn vĩ là một người phụ nữ thông minh, lanh lẹ và ứng xử rất khéo léo nên rất được lòng của nhà chồng. Vợ chồng chị đều làm cho một công ty nước ngoài nhưng chị đã lén chồng vay tiền mua chứng khoán, khi chứng khoán ngày càng tuột dốc, chị không dám nói với chồng. Không đủ trả tiền lãi ngân hàng vì lãi suất gần đây đang tăng cao. Do tinh thần sa sút nên chị N không tập trung vào công việc ở công ty, vì vậy chị càng gặp thêm sức ép từ sếp của mình do không hoàn thành công việc. Càng ngày, chị N càng bi quan, chán nản, hay mệt mỏi, cáu gắt vô cớ với chồng con. Chị bỗng nhiên trở nên khó chịu với mẹ chồng, hay khiêu khích em chồng từ những việc rất nhỏ nhặt trong gia đình. Khi chồng chị đề nghị ly thân một thời gian để cả hai cùng suy nghĩ lại mối quan hệ thì chị đã tìm cách tự tử nhưng rất may được cứu chữa kịp thời. Hiện giờ chị đang được tiến hành trị liệu tâm lý vì được chẩn đoán là rơi vào tình trạng stress bệnh lý. Trong đời sống hôn nhân hiện đại, vợ chồng cần lưu tâm đến biểu hiện stress của nhau để có thái độ ứng xử và chăm sóc phù hợp, chia sẻ, nuôi dưỡng và gìn giữ hạnh phúc trước những thử thách của cuộc sống. Một chút vô tâm hay vì cái tôi quá lớn cũng đủ làm tan vỡ hạnh phúc mà cả đời đã tìm kiếm và nâng niu.
Do cuộc sống ngày càng ồn ào và quá nhiều áp lực, yếu tố gây stress có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày không chỉ riêng về áp lực công việc, đó có thể là tắc đường, một cuộc tranh luận không có hồi kết, bất đồng từ việc nuôi dạy con cái… Để ứng phó với stress một cách kịp thời đầu tiên cần xác định nguyên nhân gây stress và xác định điều gì mình có thể làm để cải thiện tình hình, điều gì cần người khác giúp đỡ, chia các biện pháp giải quyết ra thành nhiều bước nhỏ để thực hiện theo một thời gian biểu. Quan trọng nhất là cần bày tỏ những khó khăn với người thân, người chồng – người vợ để được giúp đỡ, san sẻ. Nếu đối phó một mình với stress rất dễ rơi vào tình trạng thiếu sáng suốt. Song song đó, cần có chế độ nghỉ ngơi thích hợp, các biện pháp thư giãn như tập thể dục thể thao, nghe nhạc, xem phim, hít thở sâu… Các môn như Thiền, Yoga, Khí công, Thể dục dưỡng sinh sẽ giúp nhiều cho con người lấy lại cân bằng, loại trừ bớt những lo âu và căng thẳng.
Sức khoẻ sẽ giảm sút khi con người ngày càng phải chịu nhiều áp lực công việc và cuộc sống. Vì vậy, ăn uống điều độ là rất cần thiết. Có thể sử dụng các loại thức ăn yêu thích, kết hợp với những thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn như ăn nhiều thức ăn thô (gạo và ngũ cốc), ăn nhiều hoa quả và rau xanh, một lượng nhỏ vừa phải chất béo, dầu và protein, uống nhiều nước. Thường xuyên bổ sung chất Magnesi cho cơ thể vì khi thiếu Magnesi cơ thể dễ rơi vào trạng thái lo âu, dễ bị kích thích, dễ xúc động và rối loạn giấc ngủ…làm cho tình trạng stress nghiêm trọng hơn. Magnesi có nhiều trong các loại thức ăn như ca cao, sô cô la, các loại đậu và hải sản. Nhưng việc chế biến thực phẩm không hợp lý có thể làm tiêu hao 70% lượng Magnesi. Trong khi đó cơ thể chỉ hấp thu được 30% lượng Magnesi ở ruột. Mặc khác, khi bị stress thì tuyến thượng thận tiết ra adrenalin, gây tăng đào thảo Magnesi qua thận làm cơ thể thiếu Magnesi. Để đảm bảo cơ thể không thiếu Magnesi có thể bổ sung bằng việc sử dụng thuốc viên Magnesi kết hợp với Vit B6 giúp gia tăng hấp thu Magnesi ở đường ruột.
Để làm giảm thiểu tối đa tác hại của stress trong cuộc sống nói chung và đời sống hôn nhân nói riêng thì điều quan trọng là cần phải biết cách tái tạo năng lượng của bản thân bao gồm cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Nên bồi dưỡng cơ thể khỏe mạnh để tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống đỡ với stress: luyện tập hàng ngày, ăn uống điều độ, điều hòa hợp lý giữa lao động và giải trí… để luôn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.
PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN