Người ta nói hạnh phúc gia đình như một ngọn đèn, nếu không biết cách giữ gìn, vun vén, thì một cơn gió nhẹ cũng đủ để nó tắt lịm. Và ngọn đèn đó cháy bùng hay tắt lịm là do phần lớn tâm trạng của người phụ nữ quyết định.
Nhưng ông bà ta cũng có câu: Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê. Các cặp vợ chồng có bao giờ nghĩ đến việc che gió giữ lửa ngọn đèn để ánh sáng hạnh phúc lúc nào cũng lan toả trong gia đình hay không? Lửa ít thì nhà lạnh, lửa nhiều quá thì có nguy cơ … cháy nhà. Dĩ nhiên là cả hai vợ chồng đều phải có trách nhiệm điều tiết việc này.
Tôi có tham khảo tâm sự của một ông chồng, anh ấy luôn than phiền vợ: “Cô ấy luôn chỉ muốn người khác phải hiểu tâm trạng của mình như thế nào?” và “Cô ấy chỉ muốn nhận sự quan tâm mà cô ấy không hề cho đi”. Tại sao nhiều người trong chúng ta lại không phản biện: “không hiểu anh chồng này đã kịp cho cô vợ những gì mà anh muốn nhận?”.
Ở góc độ nào đó, suy nghĩ “xuất giá tòng phu” vẫn tồn tại trong lòng người phụ nữ Á Đông dù ít dù nhiều. Nhưng chữ “tòng” mỗi thời mỗi khác. Chữ “tòng” ngày xưa sống trong một bối cảnh xã hội mà người phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông, họ chỉ biết hết lòng tề gia nội trợ để giữ lửa.
Nhưng chữ “tòng” ngày nay phải được hiểu ở khái niệm hòa hợp: Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Nhưng cái “thuận vợ” thường đóng vai trò quan trọng, vì người vợ có khuynh hướng áp đặt tâm trạng của mình lên không khí gia đình nhiều hơn đàn ông. Đơn giản vì phụ nữ thiên về âm tính, nặng tình… và hàng loạt những lý do rất nữ tính …
Có nhiều ông chồng mắc bệnh “nóng trong người” nên sở hữu tính gia trưởng rõ rệt. Sự gia trưởng trong chừng mực nào đó, là tốt. Gia đình luôn cần có một rường cột. Nhưng “rường cột” này phải biết chia sẻ với vợ, phải hiểu tâm trạng của người phụ nữ đầu ấp tay kề với mình…
Vì sao bữa hôm nay vợ mình vui thế, trang điểm đẹp thế, công việc gia đình làm nhoay nhoáy thế? Có thể là ngày quan trọng của vợ chồng, hoặc ngày sinh nhật, hoặc ngày Lễ tình nhân, kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Cũng có khi đơn giản, bà xã đã mua được một món đồ ưng ý để đi tiệc cưới cuối tuần. Niềm vui đơn giản thế, nhưng nếu các ông chồng vô tâm không chia sẻ, thì ngoài nhà có ấm thật, nhưng trong người rất lạnh.
Nhưng cũng có ông chồng thì tuyệt vời hơn. Người ta dù làm đến chức này, chức kia mà vẫn cuối tuần đưa vợ cùng đi ăn tiệm. Có khi vợ chồng hứng khởi, tạt vào siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần sau, hoặc chỉ đơn giản là cùng tham gia giặt giũ với vợ, cùng hít hà hương thơm tinh khôi của sớm mai. Thế là một ngày mới khởi đầu, tự nhiên thấy bà xã vui vẻ hẳn. Không khí trong gia đình nhẹ nhõm, đầm ấm. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, hẳn các ông chồng đều muốn quay về nhà khi vợ không mang bộ mặt như “cái thớt”. Cuộc sống nhẹ nhàng hẳn!
Có dịp làm diễn giả ở nhiều nơi, và tiếp xúc với rất nhiều cặp vợ chồng cần lời tư vấn. Cảm giác của tôi là các cặp uyên ương đều cố lướt qua những điều mà họ cho là tiểu tiết, để hướng đến một mái ấm hoành tráng. Nhưng cũng như đi giầy trên cát, nếu cứ cố lờ đi những hạt cát đã lọt vào trong giày, không giũ nó ra, cố đi thêm chút nữa, bạn sẽ bị phồng rộp chân.
Đôi khi, những hạt cát lọt vào trong giày, nếu không được lưu tâm, sẽ làm hỏng cả buổi chiều dạo biển. Hạt cát đó chính là sự mệt mỏi, chán chường, bực bội của người vợ đã bị chồng vô tâm lãng quên.
Hôn nhân gắn kết hai người lại với nhau bằng nhiều điểm chung, nhưng chưa chắc những điểm chung ấy đã đủ. Vì sợi dây ràng buộc sau hôn nhân không chỉ là sợi dây yêu đương ngày trước.
Thế mới có chuyện rằng, cưới nhau về, người ta mới học được cách yêu chồng yêu vợ. Có đối thoại, chia sẻ công việc thường xuyên với nhau, mới có thể hiểu tâm trạng của nhau khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.
Quan trọng hơn, hãy lắng nghe tâm trạng của bà xã, biết đâu là nỗi buồn để gỡ nút, biết đâu là niềm vui để sẻ chia. Kết quả dự đoán của một điều tra xã hội học liệu có đến 90% người đồng ý rằng, hạnh phúc gia đình phụ thuộc rất lớn vào tâm trạng và cảm xúc của người phụ nữ – đối tượng che gió giữ lửa trong nhà hay nhiều hơn thế nữa?. Con số cần được kiểm định nhưng nếu các ông chồng hiểu được điều này, thì ngọn lửa trong gia đình mới luôn ấm áp.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn