Chỉ còn hai ngày nữa, Tết sẽ đến-Xuân sẽ về, giờ này, khi mọi người đã quây quần bên gia đình của mình thì với nhiều người, câu chuyện Tết xưa lại là một việc…năm nào cũng nhớ.
Bài viết này, là những kỷ niệm xuân xưa của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam là một câu chuyện như thế.
Toà soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tết đang gõ cửa nhà nhà, người người… Khắp nơi trên đất Việt rộn ràng không khí tưng bừng chào đón mùa xuân mới với những niềm tin mới… Trong buổi sáng còn sót lại giữa cái lạnh bất chợt của Sài Gòn, tôi bỗng nhớ lại những ngày tết xưa… Một chút tản mạn, một chút hoài niệm bên ly cà phê cùng những người bạn tri kỷ, ký ức tết xưa chợt hiện về nhẹ nhàng, da diết…
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (ở giữa, áo vàng): Ảnh:NVCC
Tôi sinh ra ở vùng sông nước miền Tây. Vào những thập kỷ trước, cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn lắm!… Thời kỳ mà cứ mỗi dịp tết đến, tôi thường chạy ra đầu ngõ, ngóng tía, cầm trên tay mấy mét vải, về may áo cho con. Trong cái nghèo, cái khổ, dường như tình cảm con người được siết chặt hơn.
Ngày giáp tết, lũ trẻ chúng tôi háo hức chờ mẹ đi chợ về, mua miếng thịt heo mỡ để làm nhân bánh tét. Bánh tét mỡ không phải nhà nào có, vì khi đó miếng thịt còn quý hơn cả vàng…Sau khi xem người lớn gói mấy đòn bánh tét, chị em tôi hăm hở thêm mấy cái bánh nho nhỏ, ngồi bên bếp lửa nấu, chờ bánh chín để được thưởng thức sản phẩm do chính mình làm ra.
Tôi lớn lên trong những ngày mà cái nghèo, cái đói khiến đám trẻ cùng lứa còn chẳng có manh áo mới để mặc…
Mấy bộ pyjama mới, được mẹ may để dành đón tết mới quý làm sao… Mới đến đầu tháng chạp, cả mấy chị em đã lấy quần, áo ra giặt giũ thơm tho, treo trong nhà, chờ đến ngày mùng một tết, để được mặc trên người đi chúc tết nội, ngoại… Tôi nhớ mãi có chiếc quần tây màu trắng để dành ba năm chẳng mặc chờ thời cơ hội làm “ca sĩ”, vậy mà khi chuẩn bị đi hát thì hư dây kéo….
Vào những ngày cận tết, bàn thờ tổ tiên được dọn dẹp sạch sẽ, bày đầy đủ hương hoa ngũ quả để thờ cúng, không khí tươi vui ngập tràn khắp nơi. Tôi nhớ có lần tía chở tôi đi chợ hoa… Tía tần ngần mãi chỉ mua hai chậu ớt kiểng… tía cứ hỏi mãi người bán: “Ớt này có cay không?” Đến khi trên đường về, tía mới giải thích: “Nếu mình mua ớt đẹp mà cay thì có thể ăn luôn con à…”
Tết xưa – Cái buổi chiều xa xa văng vẳng câu hò, gia đình quần tụ trong buổi cơm chiều cuối năm. Má bảo: “ Ăn khổ qua cho những cái khổ trong năm qua hết”. Vì thế trong bữa ăn luôn có món canh khổ qua, thịt kho tàu, một đĩa củ kiệu hành.
Bữa cơm cuối năm, tía ngồi ôn lại những câu chuyện cho một năm đã qua, mẹ nhìn mấy đứa con và mỉm cười. Hạnh phúc trong những ngày tết giản dị nhưng ấm cúng lạ kỳ. Tôi thấy mình thương yêu gia đình và cần có một gia đình hơn bao giờ hết…
Tết xưa là tôi háo hức mong chờ đến phút giao thừa. Tôi chuẩn bị một cuốn vở ô ly, để sẵn rên bàn. Khi giờ khắc năm cũ đã qua, năm mới lại đến, tôi ngồi viết ra những ước nguyện của mình trong một năm mới. Tôi luôn mong gia đình hạnh phúc, cuộc sống yên bình, mấy đứa chúng tôi học giỏi hơn…
Tía hỏi tôi: “Con có viết gì cho tía, má không?”. Tôi giấu nhẹm và cười tươi cho sự quan tâm của người thân… Ngày mùng một tết, má thường cho anh chị em tôi tiền lì xì. Số tiền đó không nhiều nhưng tôi luôn giữ nó bên mình như là báu vật.
Sài Gòn những ngày cuối năm Giáp Ngọ, phố phường tất bật, nhộn nhịp, những ký ức bất chợt hiện về, tôi nhớ lại những ngày tết xưa mà cứ ngỡ đó là câu chuyện của ngày hôm qua. Sáng sớm, thấy mấy đứa trẻ thử áo dài xuân bên cửa chợ, mới thấy xuân đã đến gần… Ký ức ngày xưa và ngày nay cứ lẫn lộn, hòa quyện, khiến tôi chợt thấy mình rất trẻ, rất xưa… Và sự thật tết đã vang vọng trong từng ngõ phố, trái tim của mỗi người…
Cầm chiếc valy đã chuẩn bị hành lý, tiếp tục một chuyến đi mà có lẽ chỉ mình mới hiểu…Tôi luôn tâm nguyện cho tâm mình an yên trước thực tại trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Tết mà mỗi người có một lựa chọn riêng của cuộc sống… Không ai có thể giống ai… Và đó chính là sự cảm thông thay vì lặp lại hay phải giống nhau…
Tôi nhớ nhiều về tết xưa vì đó là một phần tuổi thơ của tôi. Tôi nhớ tết xưa để mong tết nay thêm yên bình. Có thể đó không chỉ là ước ao mà là khát khao cho một mùa xuân an bình và hạnh phúc. Khát khao không chỉ cho mình mà cho người, cho cuộc sống…
Tết của tôi sẽ không giống như xưa, càng không thể giống như nhiều người… Vì tôi tạo cho mình những cơ hội trong tết, trong xuân… Nhưng tôi biết, tôi chọn nó vì tết xưa là cuộc sống của tôi hôm nay.