MT đến với công ty tư vấn trong một buổi chiều nhạt nắng. Nhìn kiểu cách của T, cảm giác đầu tiên là T khá cổ điển. Búi tóc cao được vắt bằng một cây trâm thật dài, bộ trang phục rất truyền thống được chọn lựa có lẽ cũng đã khá lâu với T… Đôi mắt thật buồn và chực sẵn nước mắt của T dường như có thể ứa ra bất kỳ lúc nào… T thờ dài thật sâu khi sẻ chia cùng chuyên gia tư vấn…
Có cảm giác rằng cuộc hôn nhân của mình không ổn. Đó không phải là câu kết luận mà là câu mở đầu của T. Dường như trong suốt quá trình chuyện trò để giải tỏa những bức xúc của mình, T liên tục nhắc đi nhắc lại rằng thực sự là tôi và anh ấy không có gì cả nhưng tôi cảm thấy bất an… Tôi hiểu rằng anh ấy vẫn không có người khác, tôi thấy rằng anh ấy vẫn còn trách nhiệm với gia đình, tội nhận ra anh ấy vẫn là người đàn ông không đến nỗi tệ bạc nhưng tôi có cảm giác lo lo… Nếu bảo rằng không hòa hợp thì không hẳn nhưng…. Đoạn trò chuyện bị ngắt quãng đôi lần vì T vẫn chưa tìm được đích xác những gì muốn diễn tả dù rằng T tỏ ra khá sâu sắc trong khi giao tiếp…
Kỹ thuật định khung tham vấn cho thấy một quan hệ thật đẹp lần lượt hiện về. Một nhân viên thủ thư được mệnh danh là người đẹp xứ dừa kết hôn cùng với một anh chàng kỹ sư nông nghiệp rất điển trai. Không thực sự bon chen nên sau đúng một năm, đứa con thứ nhất chào đời, sau thêm hai nănm nữa, T sinh đôi hai chú nhóc tì thật kháu khỉnh… Chồng thì chuyển sang làm quản lý ở một công ty nông nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên anh ấy phải liên miên công tác. Mỗi lần hội họp hay đi du lịch, vì phải lo cho con nên T chưa một lần xuất hiện. Mỗi lần tổng kết cuối năm hay liên hoan công ty, với bản tính thụ động và nhút nhát của mình, T không muốn xuất hiện… Khoảng cách càng lúc càng xa khi T quyết định nghỉ việc ở cơ quan để ở nhà chăm sóc gia đình. Ba đứa con càng lớn thì khoảng cách giữa hai vợ chồng càng xa dần… Không hiểu tự bao giờ hai suy nghĩ tiêu cực vẫn luôn ám ảnh T. Mình đã già hơn anh ấy, mình quá béo so với anh ấy… Mình không có cơ hội để giao tiếp như anh ấy nên mình đã cổ lắm rồi… Cộng với suy nghĩ rằng anh ấy giao du với dân làm ăn mà vốn mình không hợp đâu… Độ dài chung sống của hai vợ chồng tỉ lệ thuận với độ xa nhau trong những hoạt động chung của cả gia đình… cả hai dần cứ phó mặc cho công việc được mặc định cho vị trí – vai trò của mỗi người. T cũng muốn đi cùng với anh ấy để cải thiện, T cũng muốn thực sự bên cạnh anh ấy để tạo ra những rung động hay sự thông hiểu nhưng không biết vì sao T làm không được… Mọi chuyện trở nên nhạt nhẽo và vô vị khi đi về ngoại thì hai người cũng đi xe riêng, anh ấy tiếp khách thì T nhờ hẳn em gái ruột của mình hỗ trợ vì T còn phải dạy con học bài, chăm sóc con theo chế độ sinh hoạt… Tiếng nói chung hay sự hòa hợp đã không cánh mà bay…
Thực tế cho thấy chính những suy nghĩ tiêu cực và những thói quen cố hữu của bản thân mỗi người làm cho việc chung sống sau hôn nhân trở nên nhạt thếch. Nhiều cặp vợ chồng hay có suy nghĩ rằng chắc không thể dung hòa được với người còn lại chỉ vì cho rằng những thói quen của mình hay tính cách của mình không thể đổi thay. Thậm chí có những người vợ còn suy nghĩ rằng cố gắng chịu đựng cho đến khi nào không được thì thôi. Chính tính tình của “tui” vậy đó nên sao có thể thay đổi được. T lý luận rằng rất sợ đám đông, rất ghét sự ồn ào nên khi đi cùng anh ấy luôn luôn có cảm giác bực bội, không khéo thì anh ấy lại bị quê trước mặt bạn bè. T luôn “ám ảnh” rằng mình là người sống nội tâm, nếu xuất hiện ở môi trường đông người cùng anh ấy chắc là sẽ rất căng thẳng…. Ai đụng vào những người kinh doanh thì sẽ thấy rõ sự giả trá… chắc là không hợp đâu. T cũng rất mặc cảm về sự “già nua” của mình mà theo T thì anh ấy quá trẻ so với T (dẫu hai người bằng tuổi). T luôn cho rằng khi sanh ba đứa con cho anh ấy nghĩa là mình đã già đến mức không thể nào xuất hiện cùng anh ấy một cách “ngang bằng” được. Không những vậy, T còn bị ám ảnh về vóc dáng phì nhiêu của mình và cả mái tóc đã xuất hiện vài sợi bạc do máu xấu khi T chưa được tròn 35 tuổi. T còn lo lắng nhiều thứ khác xoay quanh chuyện trang phục, trang sức, cách ăn nói, sử dụng ngoại ngữ… T bảo thực ra anh ấy không có lỗi khi anh ấy cũng đã vài lần động viên và năn nỉ nhưng T không muốn…
Cuộc sống có nhiều thách thức nhưng rõ ràng chính những thách thức từ trong suy nghĩ của chính mình mới là thách thức lớn hơn cả. Những lo lắng và trăn trở của T chỉ được giải quyết khi chính chủ thể đã ý thức và tiến hành trị liệu cũng như quyết định phải thay đổi bằng những biện pháp rất quyết liệt. Quyết tâm nhuộm tóc kể từ ngày hôm nay, quyết tâm “đua” theo sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, T giảm được đúng 5 cân sau ba tháng… T lấy lại được phong độ đúng 59 kg tương xứng với tuổi của mình…Không những thế, còn tham gia hẳn một khóa học xây dựng niềm tin vào bản thân cũng như phát huy hình ảnh bản thân… T dần dần nhận ra được những giá trị hạnh phúc. T kể rằng khi chồng T thấy T bắt đầu thay đổi, chính anh ấy cũng ngạc nhiên và thắc mắc nhưng cử chỉ và thái độ của anh ấy cho thấy ngời sáng sự hài lòng, vui vẻ và thích thú….
Việc giải quyết những trường hợp tương tự như thế này đòi hỏi chủ thể phải thực sự nhận thức đúng đắn vấn đề mà mình đang gặp phải. Nếu những cảm giác rất xác thực của một người vợ không tồn tại vì cứ suy nghĩ rằng mọi chuyện vẫn ổn thôi, không có gì xảy ra khi anh ấy vẫn còn trách nhiệm mặc dù tiếng nói chung, sự có đôi vẫn hiếm hoi thì thật sự nguy hiểm. Sự lạnh lẽo, bơ vơ và trống vắng sẽ dần choáng chổ trong tâm hồn của người trong cuộc và chắc chắn rằng mọi quan hệ vợ chồng trở nên gượng gạo nếu không nói rằng giả dối… Thay đổi nhận thức của bản thân mình khi tham vấn chuyên biệt hay khi trị liệu là cần thiết. Bên cạnh đó, người trong cuộc phải có một ý chí quyết tâm thay đổi. Những yếu tố bên ngoài hoàn toàn có thể là nguyên nhân của những yếu tố bên trong cho nên sự thay đổi hay cải biến mối quan hệ phải được tổng tiến công trên nhiều “biểu hiện” khác nhau. Lẽ đương nhiên, khi đã xác định được nguyên nhân của vấn đề thì việc “kê toa” trị liệu phải thực sự chú ý đến những rối nhiễu hay những ám ảnh hoặc nhẹ hơn là những mặc cảm sợ hãi, tự ti mà chủ thể đang chịu đựng. Đánh thẳng vào những vấn đề này bằng cách hỗ trợ nội lực để chủ thể đổi thay thì mọi sự sẽ có thể tiến triển theo hướng tích cực. Chắc chắn rằng những trường hợp này chỉ thực sự có giá trị khi người còn lại cũng thực sự tồn tại một tình yêu và hỗ trợ sự đổi thay…
Chính những độ “vênh” trong suy nghĩ hoặc những ám ảnh mặc cảm sẽ làm cho những người bên cạnh nhau vẫn không thể gần nhau. Dù không xa cách nhưng vẫn cách xa là thế. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu như có một tác nhân kích thích lạ hay những giây phút tâm hồn u tối của một trong hai người xuất hiện. Tìm được tiếng nói chung sẽ góp phần tạo nên sự dung hòa đúng nghĩa của đời sống hôn nhân giữa vợ chồng và trên cơ sở đó nguồn cảm xúc đích thực của tình yêu và hạnh phúc thực sự sẽ được thăng hoa. Vấn đề quan trọng là mỗi người khi chung sống phải biết gieo vào lòng mình những suy nghĩ tích cực cũng như chịu khó “nhún” xuống hoặc “nhảy” lên cho tương đồng với người còn lại về cảm xúc, quan điểm… Có như thế thì chuyện chung đụng nhưng mãi mãi không thể chung sống sẽ không có “đất” lành để bám rễ, đâm chồi…
HVS