Thực trạng giáo dục – Những lát cắt thực tế từ người trong cuộc

Ở nước ta thời gian gần đây nhiều ngành mới ra đời nhưng thực sự vẫn còn khá mơ hồ đối với xã hội nói chung và người học nói riêng.

 

LTS: Nền giáo dục nước ta tổng thể đang tồn tại quá nhiều bất cập, từ những bất cập trong hoạt động đào tạo giáo viên cho đến những bất cập trong hoạt động kinh doanh “khoác áo” giáo dục đang ngày một nở rộ. 

Tất cả góp phần làm cho bộ mặt nền giáo dục nước nhà ngày càng nham nhở, tốt xấu lẫn lộn. Là người có nhiều năm đứng trong guồng quay của “cái máy cái” để đào tạo ra lực lượng kế thừa cho nền giáo dục cũng như tham gia rất nhiều các khóa đào tạo bên ngoài, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam có điều kiện trải nghiệm nhiều với thực tế đó.

Loạt bài viết sau đây của ông có thể xem là những chuyện “mắt thấy, tai nghe, tay ghi” nhưng qua đó cũng góp phần phác thảo nên bức tranh tổng thể có quá nhiều tồn tại của giáo dục nước ta.  

Bài 1: Ngành học ở Việt Nam, có tên nhưng không họ

Có những tên ngành học rất “kêu” nhưng sau khi ra trường người học sẽ làm gì thì không ai trả lời được. Thực tế cho thấy, bất kỳ một ngành học nào ra đời cũng bắt nguồn từ nhu cầu của xã hội chứ không phải từ những người quản lý trường. Nói đúng hơn, đây là mối quan hệ giữa cung và cầu. Có cầu thì mới có cung, cung sẽ quay lại đánh giá cầu.

Choáng với tên ngành!

Điểm qua tên các ngành học mới toanh ở Việt Nam mới thấy việc đặt tên hay “khai sinh” cho ngành ở nước ta có phần đua nở… Thế nên các bạn trẻ khi định hướng nghề nghiệp loay hoay hay chơi vơi giữa vòng xoáy tên ngành nghề là điều dễ hiểu. 

Những cái tên ngành như Quy hoạch phát triển, Kế hoạch phát triển .. và nhiều phát triển khác nghe thật là hoành tráng nhưng chẳng biết phát triển nào là phát triển cái gì và cái nào thực sự phát triển khi các thao tác lại được sử dụng để tạo thành ngành… Hay con em có muốn làm nhà nông cho giản đơn cũng dễ “tẩu hỏa nhập ma” với các tên na ná: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quản trị kinh doanh nông nghiệp,  Phát triển nông thôn, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Trồng trọt…  

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn.

Hay một ngành mà tên nghe khá kêu là Việt Nam học (Văn hóa du lịch) được đào tạo ở các trường khác nhau nhưng khi tìm hiểu kỹ sẽ thấy tuy cùng tên như định hướng chuyên ngành thì cứ gọi là tung hỏa mù… Từ trường sư phạm đến trường nhóm ngành xã hội hay các trường cao đẳng luôn gọi tên ngành một cách đình đám nhưng vào nội dung chuyên sâu cũng chỉ lòng vòng khách sạn nhà hàng, du lịch, văn hóa cơ sở… làm rối cho người học. 

Những người mở mã ngành không “sinh ra” từ ngành Việt Nam học mà thường từ các chuyên ngành hẹp khác chuyển sang nên quan niệm về Việt Nam học có những hạn chế. Và người học cứ như thầy bói mù xem voi dễ thương một cách đáng tội nghiệp.

Những hậu quả tai hại

Thứ nhất, chính vì lạ nên những ngành này thường sẽ thu hút được nhiều sinh viên học sinh tìm hiểu và đăng ký. Nếu việc tìm hiểu quá mơ hồ thì sẽ dẫn đến tình trạng chọn sai ngành. Dường như cái lỗi đã có nguy cơ chuyển thành cái tội khi những gì thuộc về quy chuẩn trong giáo dục – đào tạo gần như bị bỏ trắng.

Thứ hai, ngành mới nên ít nhiều cũng gặp khó khăn trong quá trình xây dựng chương trình học, xác định chuẩn đầu ra làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Có nhiều trường còn làm đau đầu người học đến mức mời giảng viên không có, có trường mở mã ngành vẫn được nhưng cốt cán là ốc mượn hồn… Thậm chí có ngành chẳng đó đủ “3 ông táo bà táo” nấu nồi chuyên môn vững thì đào tạo làm sao?

Thứ ba, ngành mới nếu như không được nhà trường quan tâm và thực hiện công tác truyền thông, tư vấn rộng rãi về ý nghĩa ngành học, nội dung, chương trình môn học và công việc sau khi sẽ ra trường sẽ gây hoang mang cho phụ huynh và người học khi lựa chọn ngành.

Nhiều ngành học của Việt Nam nghe qua rất kêu nhưng thực ra rất mơ hồ. Ảnh mang tính chất minh họa

Nhiều ngành mới ra đời theo xu hướng quốc tế hay xu hướng quốc nội nhằm hướng đến một cái tên kêu nhằm mục đích thu hút người học nhưng thực tế thì chưa có mã nghề. Điều này giống như ngành học có tên nhưng không có họ. 

Làm sao có ngành nhưng mã nghề ở Việt Nam lại không có? Mở một công ty chuyên kinh doanh về ngành mình học để làm nghề thì cơ quan hữu quan cho rằng: trong danh mục nghề không có thì thật là đau thay!

Cái khó còn ở chỗ làm sao để xã hội và cá nhân người học đón nhận những ngành này. Không ít trường cứ mở ngành với cái tên kêu khủng khiếp mà dường như chỉ có ở Việt Nam! Cụ thể như xoa bóp cũng trở thành một ngành học ở bậc đại học hay kỹ sư hoa viên cây cảnh… 

Và cả những tên gọi như ngành quan hệ lao động, bảo hộ lao động… là những ngành rất “hot” trong thời gian vừa qua cũngcần được xem lại về ngữ nghĩa. Độ “hot” của các ngành này ở chỗ đánh được vào tâm lý của người học là ngành lạ thì dễ tìm việc làm sau khi ra trường nhưng thực tế thì muôn trùng…

Thay đổi không khó

Xét trên bình diện lao động xã hội thì việc bổ sung lao động vào những vị trí đang thiếu nguồn lực là điều cần thiết thế nhưng các trường cần chú ý việc mở mã ngành mới phải dựa trên nhu cầu của xã hội. 

Đây cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, đảm bảo được rằng sau khi ra trường người học có thể tìm được việc làm phù hợp với ngành học và chương trình đào tạo.

Nói tiếp về chương trình học, các trường cần thực hiện thẩm định chương trình, ban hành chuẩn đầu ra bảo đảm được chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng đầu ra của ngành học. Đây cũng là vấn đề nên làm nhằm góp phần làm cho các ngành này có “tên và họ” hẳn hoi. 

Mặt khác, sự gần nhau giữa các ngành là điều có thể chấp nhận nhưng ít nhất phải nằm trong biên độ 25 – 30% tín chỉ khác nhau. Điều này vừa đảm bảo đào tạo tín chỉ, vừa giúp người học chọn đúng ngành mình thích hay dễ nhận bằng đôi (cả hai ngành).

Dưới góc độ truyền thông, đào tạo cần thực hiện truyền thông rộng rãi về các ngành học mới này với xã hội, đặc biệt là đối với học sinh sinh viên. Đây là điều cốt lỗi để rút ngắn khoảng cách giữa các ngành học mới lạ với xã hội, với người học.

Về quản lý, cần xem xét các yêu cầu về ngôn ngữ ngành, mã ngành, về giảng viên, về chuẩn đầu ra, về các yêu cầu thật chi tiết về chương trình khung, chương trình chi tiết… Cũng không được phép bỏ qua mã nghề để đảm bảo sự tương thích nhằm tránh sự tréo ngoe…

Đào tạo cần có sức hút nhưng đừng vì sức hút trên bình diện truyền thông mà làm lệch định hướng nghề nghiệp, làm sai lầm trong tư duy chọn nghề của học sinh thì thật là có tội. Mặt khác, cũng cần nhìn nhận rằng khai sinh một con người thì dễ nhưng nuôi trưởng thành và đào tạo nên một con người lại là vấn đề khác, cần những giá trị đạo đức và nhân sinh khác…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *