Ảnh minh họa
Đã từ lâu, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng trẻ em chỉ thực sự phát triển nếu như được chơi. Đặc biệt hơn, đối với trẻ em mẫu giáo nói riêng và trẻ em mầm non nói chung, việc chơi với đồ vật cũng như thực hiện hoạt động vui chơi một cách đúng nghĩa sẽ phát triển đứa trẻ một cách tối đa. Thế nhưng để việc tổ chức hoạt động vui chơi hiệu quả nhất thiết không thể không quan tâm đến tâm vận động của trẻ em theo từng độ tuổi.
Thuật ngữ tâm vận động là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong những năm 1980 trên thế giới. Đây là cơ sở tối quan trọng để nhà giáo dục cũng như các bậc cha mẹ tổ chức các trò chơi cũng như các hoạt động phù hợp với thực tế khả năng cũng như hứng thú và sở thích của trẻ. Tâm vận động mô tả những biểu hiện về khả năng vận động cũng như sự phát triển các quá trình tâm lý của trẻ xét trên phương diện cả chất lẫn lượng trong tiến trình phát triển cá thể cũng như trong sự phát triển chung của nhóm tuổi – độ tuổi.
Trước nhất, không phải ngẫu nhiêu trẻ 3 đến 4 tuổi lại thích thú với những trò chơi khám phá mà vì đặc điểm vận động của trẻ này về cơ bản đã hoàn thiện vận động đi cũng như vận động chạy. Mặt khác, chính khả năng định hướng không gian của trẻ khá tốt thôi thúc trẻ khám phá những đồ bật xung quanh. Bên cạnh những trò chơi giả bộ thì những trò chơi khám phá là một kiểu trò chơi rất thu hút và kích thích sự phát triển tâm lý của trẻ. Trò chơi nhận ra những bộ phận cơ thể vẫn thực sự thu hút trẻ vì trẻ được trực tiếp thực hiện hành động của mình để giải quyết bài toán nhận thức. Mặt khác nhờ vào sự phát triển của tri giác nhìn và tư duy trực quan hình ảnh ở mức độ đơn giản, trẻ có thể bắt chước những hành động của người lớn một cách khá dễ dàng. Những hành động ném, chuyền, bắt hay trèo… là những hành động trẻ rất thích thú thực hiện vì những hành động này được phục vụ cho nhu cầu vận động cũng như nhu cầu chơi của trẻ. Đi ều n ày cũng gián tiếp gợi mở cho phụ huynh rằng việc cho trẻ chơi các trò chơi nhận thức bản thân, việc kích thích trẻ chơi các trò chơi mô phỏng sinh hoạt gia đình ở dạng hành động không quá phức tạp là thực sự cần thiết. Cũng chính điều này chứng minh rằng khuynh hướng chơi cạnh nhau của trẻ là điều mà phụ huynh hoặc các giáo viên nên chấp nhận và tôn trọng.
Sang 5 tuổi, các quá trình tâm lý của trẻ cũng như những kỹ năng vận động được hoàn thiện dần dần. Xét trong sự phát triển vận động của trẻ thì nhịp điệu đi của trẻ đã ổn định, sự phối hợp tay chân của trẻ nhịp nhàng, phản xạ của vận động chạy khá nhanh nhạy phần nào nhờ vào sự tập trung của chú ý. Măt khác, ghi nhớ có chủ định của trẻ cũng bắt đầu phát triển nên những hành động chơi tương đối phức tạp cũng được trẻ thực hiện nhằm tái hiện một cách chi tiết và chính xác thông qua trò chơi. Các vận động của trẻ bước đầu đạt mức độ chính xác, nhịp nhàng, nhịp điệu ổn định, biết phối hợp hoạt động của mình với tập thể. Bên cạnh đó, trẻ có thể thực hiện các động tác quen thuộc bằng nhiều cách trong một khoảng thời gian dài hơn với lượng vận động lớn hơn. Ngoài ra, khả năng quan sát động tác mẫu của trẻ cũng rất khá nên trẻ có thể nhớ và thực hiện động tác chơi tương đối chính xác. Hơn thế nữa, trong sự phát triển tri giác của trẻ thì tính chủ định phát triển rất cao khi tiếp xúc với các sự vật hiện tượng xung quanh, trẻ cũng nhớ vào tính chủ định này nên trí nhớ có chủ định của trẻ cũng tốt hơn, dung lượng nhớ tăng, khả năng nhớ lâu hơn và bền hơn. Mặt khác, những hình ảnh mà trẻ tiếp thu được cũng đủ cơ sở để tư duy trực quan hình ảnh phát triển hiệu quả. những yếu tố này là cơ sở quan trọng cho trò chơi phân vai có chủ đề của trẻ vì trò chơi này đòi hỏi trẻ cũng tái tạo lại cuộc sống của người lớn thông qua những hành động vai bắt chước có chủ định trong sự phối hợp. Bên cạnh đó, trẻ cũng thích thú khi tham gia các trò chơi xây dựng, trò chơi vận đông có mô hình hành động tương đối phức tạp đòi hỏi cao về những yếu tố tâm vận động mang tính chất trực quan…
Những cơ sở tâm vận động của trẻ em theo từng độ tuổi cũng đã chứng minh rằng nếu như giáo dục muốn đi trước sự phát triển của trẻ và kéo sự phát triển của trẻ lên một mức mới chắc chắn rằng phải chọn lựa những tác động phù hợp. Bên cạnh đó, việc chọn lựa những chất dinh dưỡng phù hợp cũng như nhửng tác động giáo dục thể lực sao cho phù hợp cũng là những điều kện khá quan trọng giúp trẻ chơi tốt. Có thể nói rằng cuộc sống của trẻ là chơi và được chơi và trẻ sống đúng nghĩa khi được chơi thì việc nắm chắc những cơ sở tâm vận động của trẻ em theo độ tuổi là những yêu cầu tối quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn